Đường dẫn truy cập

Chuyên gia đánh giá cao chuyến thăm Ấn Độ của bà Clinton


Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Hillary Clinton vừa kết thúc chuyến đi thăm Ấn Độ đầu tiên của bà. Tại đây, bà Clinton nêu bật những lĩnh vực đồng thuận giữa hai nước về các vấn đề quốc phòng và năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, cũng có một số khác biệt quan điểm giữa hai bên, như Hoa Kỳ hối thúc việc hủy bỏ những hạn chế đối với các giao dịch thương mại, và vấn đề kiểm soát các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kiếng. Một số chuyên gia về các vấn đề Nam Á nói rằng trọng tâm của Ngoại Trưởng Clinton là khuyến khích Ấn Độ trở thành một đối tác của Hoa Kỳ, và đóng một vai trò mạnh dạn hơn trên sân khấu thế giới trong các lĩnh vực chống khủng bố và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Thông tín viên Ravi Khanna của đài VOA tường trình thêm các chi tiết sau đây.

Ngoại Trưởng Clinton đã vạch ra trọng tâm của chuyến đi thăm Ấn Độ ngay từ lúc khởi đầu.

Bà Clinton nói: "Tổng Thống Obama và bản thân tôi tin rằng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới còn nhiều hứa hẹn hơn nữa trong các quan hệ với Ấn Độ. Chúng tôi nóng lòng muốn sắn tay lên làm việc để nới rộng và đào sâu quan hệ đối tác của hai nước chúng ta."

Trước khi bà rời Ấn Độ, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận, cho phép Ấn Độ mua chiến đấu cơ và công nghệ không gian của Hoa Kỳ. Các công ty của Mỹ sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ấn Độ theo tinh thần của thỏa thuận hạt nhân dân sự đã đạt được hồi năm 2008.

Một số chuyên gia về các vấn đề Nam Á người Mỹ nói rằng quan tâm chủ yếu của Ngoại Trưởng Clinton là khẳng định Ấn Độ là một nước đóng vai trò quan trọng trên sân khấu thế giới, và rằng Hoa Kỳ sẽ khuyến khích nước này đóng một vai trò mạnh dạn hơn.

Ông Walter Andersen thuộc Đại Học Johns Hopkins ở thủ đô Washington nói Ngoại Trưởng Clinton đã đạt được mục tiêu đó.

Ông Andersen nhận định: "Cốt lõi của vấn đề là: một nước Ấn Độ hùng mạnh có lợi cho quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ, bất kể hai nước đã từng có quan hệ quân sự với nhau hay không, một nước Ấn Độ hùng cường có lợi cho các mục tiêu của Hoa Kỳ. Dựa trên nền móng ấy, Ngoại Trưởng Clinton đã phát triển quan hệ song phương hơn nữa."

Ông Andersen nói hai bên có những khác biệt quan điểm về một số vấn đề quan trọng, như Ấn Độ từ chối không chấp nhận các biện pháp kiểm soát gắt gao lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kiếng, và theo ông, các chính sách thương mại có tính bao cấp của Ấn Độ.

Và như thế, theo ông Andersen, hai nước có thể hợp tác để san bằng những khác biệt quan điểm ấy trong khuôn khổ các diễn đàn chiến lược mà hai bên đã thiết lập trong tuần này.

Ông Andersen giải thích: "Cơ chế này rất có giá trị, bởi vì trước khi những vấn đề ấy trở nên phức tạp hơn, hai bên đã thảo luận với nhau và không bên nào sẽ bị bất ngờ bởi vì hai bên đã nêu lên những bất đồng chủ yếu hiện đang có."

Trong chuyến đi này, Ngoại trưởng Clinton loan báo Thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới trở thành quốc khách của Tổng Thống Obama vào cuối năm nay.

Bà Lisa Curtis thuộc Hội Heritage nhận định rằng Tổng Thống Obama muốn Ấn Độ trở thành một đối tác toàn cầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực cấm việc phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố.

Tại Ấn Độ, cuộc tấn công vào thành phố Mumbai hồi tháng 11 năm ngoái được coi là tương tự như các cuộc tấn công khủng bố đánh vào Hoa Kỳ hồi năm 2001. Do đó, bà Curtis cho rằng việc Ngoại Trưởng Clinton dừng chân tại Mumbai để tham dự buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân là một động thái có ý nghĩa.

Bà Curtis nói: “Tôi nghĩ hành động này đánh đi một tín hiệu rõ rệt rằng bà Clinton hiểu rõ tác động của cuộc tấn công ở Mumbai đối với tâm lý của người Ấn Độ, và rằng bà thông cảm với những quan tâm về nạn khủng bố của người Ấn Độ.”

Bà Curtis ca ngợi Ngoại Trưởng Clinton về chuyện bà đã không công khai đề cập đến việc Ấn Độ từ chối nối lại hòa đàm với Pakistan, là lập trường mà Ấn Độ theo đuổi sau khi phát hiện những manh mối nối kết cuộc tấn công tại Mumbai với một nhóm chủ chiến đặt căn cứ tại Pakistan.

Bà Curtis cho rằng chính quyền của Tổng Thống Obama có thể đóng một vai trò thiết yếu để đưa Ấn Độ và Pakistan xích lại gần nhau.

Bà Curtis nói tiếp: “Nếu các nỗ lực này được thực hiện trong vòng riêng tư và hai bên được khuyến khích phát triển một mô hình an ninh mới trong khu vực, tập trung vào việc đối phó với các thành phần phi quốc gia trong nỗ lực chống khủng bố thay vì đưa ra những nỗ lực hòa giải gây nhiều chú ý, thì tôi nghĩ làm như thế sẽ có tác dụng ngược đối với Hoa Kỳ.”

Các chuyên gia nhận định rằng chuyến đi này chỉ là bước đầu tiên của tân chính phủ Mỹ nhằm đẩy mạnh việc xây dựng một mối quan hệ sâu rộng hơn với Ấn Độ trên một nền tảng đã được 2 chính quyền tiền nhiệm thiết lập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG