Đường dẫn truy cập

Dự án Kaisei tái chế biến chất nhựa dẻo thành nhiên liệu


Đồ phế thải bằng nhựa dẻo đang lấp đầy những hố rác ở châu Á, và một số cuối cùng lọt vào biển cả, gây tác hại cho các sinh vật ở đại dương. Nay, các nhà kinh doanh và bảo vệ môi trường đang tìm cách tái chế biến nhựa dẻo trở lại thành phần chính của nó là dầu hỏa. Từ Hong Kong, thông tín viên Heda Bayron của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Ở vùng bắc Thái Bình Dương, các nhà khoa học cho hay một vũng đồ phế thải nhựa dẻo lớn cỡ bằng tiểu bang Texas của Hoa Kỳ, cân nặng 300 triệu tấn, đang đe dọa đến các sinh vật dưới nước. Các luồng nước trong đại dương chở chất phế thải từ bắc Á châu và Bắc Mỹ châu.

Ông Doug Woodring đứng đầu Dự án Kaisei, là một nhóm nhỏ gồm các nhà kinh doanh và bảo vệ môi sinh từ Hong Kong, California và London, có chung mục tiêu là tái chế biến chất nhựa dẻo thành nhiên liệu diesel.

Ông Woodring nói: “Vấn đề là phần lớn đồ phế thải này không tiêu hủy được bằng cách dùng những tác nhân sinh học. Nó không trở lại thiên nhiên. Khi chất nhựa dẻo và vật liệu nhỏ dần đi, thì đôi khi nó trở thành thức ăn cho cá, rùa hay chim chóc. Vì thế có rất nhiều vấn đề về sự lành mạnh của đại dương và đời sống sinh vật biển.”

Mùa hè năm nay, tổ chức vừa kể sẽ đưa chiếc tầu của họ được đặt tên la Kaisei, tiếng Nhật Bản có nghĩa là hành tinh đại dương, đến nơi được gọi là vũng nhựa dẻo này.

Ông Woodring nói tiếp: “Chúng tôi sẽ đưa tầu Kaiser để thực hiện mọi cuộc khảo cứu về sinh vật biển, về các vấn đề có liên quan đến tính độc hại, về các khoa học chất liệu, và sau đó về cách thức loại bỏ chất phế thải, làm thế nào để thu hồi nó – đó có lẽ là công tác lớn nhất. Chúng tôi có các kỹ thuật mới có thể biến nhựa dẻo thành nhiên liệu diesel. Đó là điều ít nhất có thể giúp bổ trợ cho việc dọn sạch môi trường trong tương lai nếu như chúng tôi có thể đến đây bằng những chiếc tầu lớn hơn và các phương tiện lưới khác.”

Phần lớn lượng rác nhựa dẻo lọt ra đại dương đều phát xuất từ đất liền. Không còn chỗ cho những hố rác lớn nữa nên người ta ném rác xuống nước.

Tại thị trấn Rayong của Thái Lan, công ty Single Point Energy và Environment tái chế biến đồ phế thải bằng nhựa dẻo thành nhiên liệu lỏng rồi đem bán cho các nhà máy lọc dầu. Ông Sativipa Panichkul là một nhà bảo vệ môi trường và là thành viên trong ban quản trị công ty.

Ông Panichkul nói: “Kỹ thuật này sẽ cắt phân tử thành một chuỗi dầu và khí. Nó chuyển biến chất nhựa dẻo trở lại hình thức nguyên thủy của nó.”

Có thể nhồi tới 10 tấn phế thải nhựa dẻo, như là các bao đi chợ, bộ phận của các dụng cụ, đồ chơi, máy điện toán, và thiết bị văn phòng vào máy chế biến mỗi ngày. Khối phế thải này có thể trở thành 28 thùng nhiên liệu lỏng, có thể được sử dụng ngay vào máy móc, xe gắn máy và các hệ thống nhiệt.

Ông Santipiva giải thích: “Chủ định của tôi là đề xuất khái niệm này để chính phủ chấp thuận một chính sách biến đồ phế thải nhựa dẻo thành năng lượng bởi vì Thái Lan có quá nhiều đồ phế thải này – ước chừng tối thiểu là 2 triệu rưởi tấn mỗi năm.”

Sau những lời cảnh báo của các nhà bảo vệ môi sinh, các chính phủ tại châu Á đang bắt đầu giải quyết vấn đề đồ phế thải nhựa dẻo. Hong Kong đã áp dụng một loại thuế về các bao plastic. Thái Lan đang nghiên cứu một sắc thuế đối với những loại nhựa dẻo có gốc dầu hỏa. Nhưng không có mấy chính phủ đi thẳng theo hướng tái chế biến nhựa dẻo thành nhiên liệu.

Ông Santivipa cho biết hai thị trấn ở Thái Lan đang áp dụng kỹ thuật của công ty của ông bất kể sự tốn kém – vì một máy tái chế biến trị giá 2 triệu đôla – đây là một dấu hiệu cho thấy các chính phủ sẵn sàng trả giá để có được một môi trường sạch hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG