Đường dẫn truy cập

Sẽ không có người độc giả ấy đọc tôi


Một trong những đặc điểm chính của blog chưa được đề cập đến trong bài trước: nó xoá nhoà ranh giới giữa các quốc gia.

Xin lưu ý: một trong những đặc điểm căn bản của nền văn hoá in ấn là yếu tố địa lý. Thì sách báo nào lại không gắn liền với một không gian nhất định? Chúng phải được in ở một nhà in cụ thể nào đó. Chúng được gửi đến một trung tâm phát hành cụ thể nào đó. Từ đó, chúng được phân tán đến một tiệm sách hay một sạp báo cụ thể nào đó. Rồi chúng đến thư viện, nằm trên bàn hay trên kệ sách. Ở đâu cũng chiếm một không gian nhất định.

Vì gắn liền với không gian, các tờ báo lớn đều có nhiều ấn bản khác nhau. Lớn kiểu quốc tế thì có các ấn bản ở tầm quốc gia. Lớn kiểu quốc gia thì có ấn bản mang tầm tiểu bang hay tầm thành phố. Nội dung chính giống nhau, nhưng ở các ấn bản địa phương thì thường có thêm phần tin tức địa phương và đặc biệt, phần quảng cáo cho các khách hàng địa phương. Có khi cả phần trình bày và trang trí cũng khác. Để phù hợp với thị hiếu của độc giả địa phương.

Ở blog, cũng như ở tất cả các diễn đàn mạng, yếu tố địa lý bị biến mất. Người đọc blog có thể là bất cứ ai và ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Có khi chỉ trong tích tắc, người đọc có thể lướt qua nhiều blog khác nhau ở những địa điểm khác nhau, có khi xa nhau cả ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí, hàng trăm ngàn cây số. Từ quốc gia này đến quốc gia khác. Từ châu lục này đến châu lục khác.

Blog vượt qua biên giới. Ngay cả chính quyền nhiều khi cũng bó tay, không dễ gì ngăn chận được.

Tuy vậy, blog vẫn có những giới hạn nhất định.

Trong khi xoá nhoà ranh giới về không gian, nó lại dựng lên nhiều thứ biên giới mới.

Ví dụ, biên giới về phái tính.

Theo nhiều cuộc điều tra ở nhiều quốc gia khác nhau, hầu hết những người viết blog và đọc blog là nam giới. Phụ nữ rất ít. Ở các blog thiên về chính trị và xã hội, phụ nữ lại càng ít. Ít ở mức chỉ có vài phần trăm. Ngay bằng tiếng Việt, cứ nhìn vào danh sách blogger trên Talawas thì thấy: số blogger nữ chưa tới một phần mười. Số blogger nữ thực sự hoạt động, nghĩa là có bài viết thường xuyên lại càng ít.

Ngoài ra, còn biên giới về tuổi tác.

Số lượng những người cao niên còn viết và đọc blog chắc chắn là rất ít. Cực ít. Ở đâu cũng ít. Ở Việt Nam lại càng ít.

Bởi vậy, khi bắt đầu viết trên blog này, tôi biết tôi sẽ mất đi một số độc giả mà tôi vô cùng yêu mến. Những độc giả thường đọc tôi, thường nhận xét về những gì tôi viết, những người lâu nay tôi vẫn xem là tri âm tri kỷ thực sự.

Tôi nghĩ, trước hết, đến Võ Phiến.

Trong giới cầm bút ở hải ngoại, đặc biệt những người trưởng thành và đã cầm bút trước 1975, Võ Phiến không những là người viết nhiều, viết đều đặn nhất mà còn là người, theo tôi, chịu khó đọc nhất. Ông đọc sách báo tiếng Việt. Ông đọc nhiều và đọc kỹ cả sách báo bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Đến năm 2001, bước vào thế kỷ 21, Võ Phiến quyết định về hưu hẳn với tư cách một người cầm bút (về phương diện xã hội thì ông nghỉ hưu từ năm 1994). Ông xuất bản cuốn Tuyển tập Võ Phiến (do Văn Mới in), như một “cái vẫy tay từ biệt bạn bè”. Võ Phiến sinh năm 1925, lúc ấy 76 tuổi. Trong bức thư gửi tôi, ông viết mấy câu cảm động: “Một hôm tôi mường tượng cái cảnh cụ Á Nam đi mô-tô ôm: Một cụ già nào đó, cỡ tuổi cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, ngồi nép sát vào lưng cậu cháu trai, ôm riết lấy cái eo ếch, mắt nhắm tít, trong khi cháu phóng vút chiếc mô-tô cỡ nghìn phân khối...

Tôi nghĩ nếu mình không chịu nhả ra, cứ bám vào nền văn học thế kỷ thứ 21, thì e trông thảm hại!

Vì vậy tôi quyết định tuột xuống khỏi xe, nằm lơ mơ suốt thời gian còn lại. Có lẽ phải cách hơn.”

Nói thế, nhưng từ năm 2001 đến nay, Võ Phiến vẫn viết. Chậm hơn, nhưng vẫn viết. Năm 2003 ông xuất bản cuốn Đàm Thoại; năm 2006, ông xuất bản cuốn Tuyển tập Võ Phiến (bộ mới, nxb Người Việt); hiện nay, nghe nói ông đang chuẩn bị in một cuốn sách mới.

Có điều, Võ Phiến vẫn hoàn toàn từ chối computer và internet.

Trước, thỉnh thoảng thư từ hay nói chuyện qua điện thoại, ông thường hào hứng bàn luận về những bài viết mới của tôi. Sau này, tôi vẫn viết, nhưng chỉ đăng trên các tờ báo mạng, chủ yếu trên Tiền Vệ (http://tienve.org), ông không đọc được nên thỉnh thoảng ông lại sốt ruột: “Sao lâu nay không thấy anh không viết gì cả?” Khi tôi đáp là tôi chỉ đăng trên internet, ông thở dài.

Lần này, trở thành blogger, tôi không dám khoe với ông.

Tôi sợ lại nghe tiếng thở dài.

Tiếng thở dài của người già, không hiểu sao, nghe thật thê lương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG