Đường dẫn truy cập

Ông Obama kêu gọi người Nga hợp tác với Hoa Kỳ


Tổng thống Barack Obama kêu gọi người Nga hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề lớn về an ninh và kinh tế của thời đại chúng ta. Trong một bài diễn văn đọc trước sinh viên tốt nghiệp của một trường kinh tế, ông Obama đã giải thích lý do vì sao cần phải có quan hệ tốt đẹp hơn. Thông tín viên Paula Wolfson của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ Moscow.

Tổng thống bắt đầu ngày lưu lại Moscow bằng cách kết thúc các cuộc đàm luận với các nhà lãnh đạo Nga.

Lần đầu tiên, ông Obama gặp thủ tướng, và cũng là nguyên tổng thống, Vladimir Putin, mà nhiều chuyên gia phân tích cho là người có nhiều thế lực nhất ở Nga.

Hai bên đã dùng những lời lẽ thân thiện và tỏ thái độ rất lịch sự.

Ông Obama nói: “Có thể chúng tôi sẽ không đi đến chỗ đồng ý về tất cả mọi vấn đề, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể có thái độ tương kính và hội ý với nhau, phục vụ lợi ích cho cả nhân dân Mỹ lẫn nhân dân Nga."

Vài giờ sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ đã chuyển trọng tâm chú ý và trực tiếp giải thích cho nhân dân Nga lý do vì sao cần phải có bang giao tốt hơn.

Địa điểm là một buổi lễ tốt nghiệp của Trường Kinh Tế Mới, được thành lập ở Moscow sau khi liên bang Xô Viết sụp đổ, bởi những người Mỹ và người Nga nóng lòng cung cấp sự đào tạo về lý thuyết thị trường tự do.

Ông Obama nói với sinh viên tốt nghiệp rằng đã có nhiều sự thay đổi trong 20 năm qua. Và ông nói rất nhiều về cái nhìn của Hoa Kỳ về tương lại bang giao với đối thủ thời Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Obama nói: “Đầu tiên, tôi xin nói rõ là nước Mỹ muốn thấy một nước Nga vững mạnh, hòa bình và thịnh vượng. Niềm tin này bắt nguồn từ sự tôn trọng nhân dân Nga và một lịch sử chung giữa hai quốc gia vượt lên trên sự cạnh tranh.”

Ông Obama nói rằng lý thuyết thời Chiến tranh Lạnh cho rằng Mỹ và Nga chỉ có thể tồn tại trong tư cách đối nghịch tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau là sai lầm.

Ông Obama nói tiếp: “Đó là lý do vì sao tôi kêu gọi một sự 'tái sắp xếp' quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga. Việc ấy phải đi xa hơn là một khởi đầu mới giữa điện Kremlim và Tòa Bạch Ốc, mặc dù điều quan trọng là tôi đã mở các cuộc thảo luận tuyệt hảo với cả tổng thống và thủ tướng của quý vị. Đó phải là một nỗ lực bền bỉ giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Nga để xác định các lợi ích chung và mở rộng đối thoại và hợp tác có thể mở đường cho tiến bộ.”

Nhưng tổng thống Hoa Kỳ xác định rõ rằng trong khi đi tìm một quan điểm chung, ông sẽ không gạt qua một bên những nguyên tắc mà ông cho là quan trọng.

Ông đề cập đến nhân quyền và các vấn đề chủ quyền quốc gia, những vấn đề đã gây xích mích với Nga trong quá khứ.

Tổng thống Obama nói: “Cũng như việc tất cả các quốc gia phải có quyền chọn lãnh đạo của mình, các quốc gia phải có quyền đối với đường biên giới an toàn và các chính sách đối ngoại riêng của mình. Điều đó đúng đối với Nga, cũng như đúng với Hoa Kỳ. Bất cứ chế độ nào từ bỏ những quyền đó cũng sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Đấy chính là lý do vì sao nguyên tắc này phải được áp dụng cho tất cả các quốc gia, kể cả Gruzia và Ukraina.”

Nga cực lực chống đối khái niệm gia nhập NATO của hai nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Tổng thống Obama nói ông không tìm cách áp đặt một sự sắp xếp an ninh cho bất cứ quốc gia nào. Ông nêu ra rằng Ukraina và Gruzia vẫn còn phải vượt qua nhiều trở ngại để hội đủ điều kiện gia nhập liên minh. Và ông nhấn mạnh một lần nữa rằng NATO mưu tìm sự hợp tác với Nga, chứ không phải sự đối đầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG