Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng Y tế Châu Á đồng ý gia tăng kho dự trữ thuốc


Các vị Bộ trưởng Y tế Á châu đã đồng ý gia tăng kho dự trữ thuốc men để đề phòng trường hợp xảy ra đại dịch cúm H1N1. Thỏa thuận vừa kể đã đạt được sau cuộc họp ở thủ đô của Thái Lan bàn về việc tăng cường hợp tác khu vực để chống lại dịch bệnh đã gây lo ngại cho nhiều người trên thế giới trong thời gian vừa qua. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.

Bên cạnh việc tồn trữ thuốc chống vi rút, các vị bộ trưởng y tế của các nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên cho biết họ sẽ chia sẻ thuốc men với nhau trong trường hợp bộc phát đại dịch cúm.

Hôm nay, vào lúc kết thúc hộïi nghị y tế ở Bangkok, các giới chức Trung Quốc cho biết Bắc kinh sẽ gia tăng sản lượng dược phẩm. Nhật Bản đề nghị sẽ gởi các loại thuốc chống vi rút và 750,000 bộ quần áo bảo hộ cho các nhân viên y tế khi dịch cúm bộc phát ở Á châu.

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói với các đại biểu tham dự hộïi nghị rằng khu vực này tiếp tục gặp khó khăn trong việc bảo đảm có được nguồn cung ứng thuốc men đầy đủ.

Ông Abhisit nói: "Chúng ta cần hợp tác trong những khía cạnh khác. Thí dụ như việc phát triển và sản xuất thuốc chủng và thuốc chống vi rút, đồng thời với việc nới rộng và chia sẻ kho dự trữ thuốc men quốc gia của khối ASEAN Cộng Ba, và làm thế nào để có được sự tiếp cận thỏa đáng và kịp thời đối với các nguồn lực thiết yếu đó. Tôi nghĩ rằng đây là một thách thức to lớn."

Hầu hết công cuộc sản xuất thuốc chủng trên thế giới được thực hiện ở Mỹ và Âu châu.

Trong phần phát biểu trực tuyến tại hội nghị này, ông Richard Besser, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa kỳ, nói rằng Á châu cần có kế hoạch kỹ lưỡng vì khu vực này sẽ bị thiệt hại nặng trong trường hợp đại dịch bộc phát.

Ông Besser cho biết: "Vì vi rút này là loại mới nên chúng tôi dự kiến có thêm nhiều người bị lây nhiễm. Có thêm nhiều người dễ bị lây nhiễm. Số ca bệnh sẽ tăng, số người nhập viện đông hơn và điều này sẽ tạo căng thẳng và tác động to lớn cho các dịch vụ thiết yếu. Nói tóm lại, chúng tôi tin rằng cần phải trù hoạch một cách kỹ lưỡng."

Hầu hết các nước Á châu có mật độ dân số rất cao và nhiều nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém. Điều này có nghĩa là đại dịch sẽ hoành hành dữ dội trong khu vực này.

Tuy nhiên, các giới chức y tế đã ca ngợi sự chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó của Á châu, nhờ vào những kinh nghiệm có được trong việc đối phó với dịch cúm gà H5N1 và dịch SARS năm 2003.

Các giới chức tại hội nghị Bangkok đã đề cập tới những dấu hiệu cho thấy sự độc hại của vi rút cúm H1N1 không cao như nhiều người từng lo ngại. Tuy nhiên, Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, đã lên tiếng cảnh báo rằng mọi người chớ nên lơ là.

Ông Surin nói: "Tuy chúng ta đã chứng tỏ quyết tâm là hệ thống y tế của mình tiếp tục có khả năng ngăn chận đà lây lan của bệnh này, nhưng bây giờ không phải là lúc để lơ là. Chúng ta không thể đánh mất sự cảnh giác bởi vì một trận đại dịch tiếp tục là một thách thức vô cùng to lớn đối với khu vực của chúng ta."

Thỏa thuận đạt được ngày hôm nay cũng bao gồm một khuyến nghị chống lại việc áp đặt biện pháp hạn chế du hành để chống dịch cúm. Các giới chức cho rằng điều đó sẽ gây nhiều thiệt hại kinh tế trong khi Á châu đang chật vật ứng phó với tình hình kinh tế xuống dốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG