Đường dẫn truy cập

Ðài Loan tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí thức


Quốc hội Đài Loan đã thông qua một dự luật mới cấm những mạng lưới chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp và những người sử dụng chúng. Tháng trước, Tòa án mới Bảo vệ Tài Sản Trí Thức của hải đảo này đã đưa ra một phán quyết cho công ty Hermès thắng vụ kiện liên quan tới việc giả mạo nhãn hiệu của nhà sản xuất những mặt hàng hạng sang của Pháp này. Cả hai sự kiện vừa kể cho thấy Đài Loan coi trọng việc bảo vệ tác quyền tài sản trí thức như thế nào. Mời quý vị theo dõi thêm một số các chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên VOA Thibault Worth, gởi về từ Đài Bắc.

Sau nhiều năm được coi là nơi nương náu của những kẻ vi phạm tác quyền và nhãn hiệu, Đài Loan giờ đây bắt đầu trấn áp các vụ lạm dụng. Trước năm 2005, các mạng đồng đẳng và những trang Web tải nhạc xuống bất hợp pháp hoạt động bừa bãi mà không bị trừng phạt – thậm chí trong một vài trường hợp còn tính lệ phí đối với người sử dụng về dịch vụ của họ.

Tuần này, quốc hội Đài Loan đã thông qua một tu chính án mới chống chia sẻ dữ liệu, khoản tu chính mới nhất trong đạo luật về tác quyền căn bản. Tu chính án này quy định bất cứ ai bố trí kỹ thuật đồng đẳng để trao đổi dữ liệu có bản quyền trên mạng đều bị coi là có hành vi phạm pháp. Dự luật này cũng thêm vào một điều khoản vi phạm ba lần, hạn chế những người sử dụng Internet tải xuống các tài liệu có bản quyền quá hai lần.

Dự luật này được đưa ra không đầy một năm sau khi thiết lập Tòa Án Bảo Vệ Tài Sản Trí Thức của Đài Loan. Hồi tháng Ba vừa rồi, tòa án này đã phạt một nữ nhân viên bán hàng cũ của công ty Hermès 7 triệu 5 trăm ngàn đô la về tội bán túi sách da cá sấu giả nhiều năm trước đây.

Ông Peter Dernbach là một luật sư làm việc tại Winker Partners, một công ty luật có trụ sở ở Đài Loan đại diện cho công ty Hermès trong vụ kiện giả mạo nhãn hiệu. Ông nói rằng phạt vạ nặng là cách duy nhất để ngăn ngừa những kẻ coi thường luật pháp khỏi vi phạm tác quyền.

Ông Dernbach nói: "Phán quyết này là một quyết định rất tốt, không phải chỉ đối với những người nước ngoài có tác quyền mà còn cho cả những người Đài Loan có tác quyền, bởi vì phán quyết vừa kể cho thấy rằng Tòa Án Bảo Vệ Tài Sản Trí Thức của Đài Loan muốn bồi thường đáng kể cho những thiệt hại được quy định trong dân luật trở thành thực tế hơn."

Nhưng bà Margaret Trần, Phó Tổng Giám Đốc Cơ Quan Bảo Vệ Tài Sản Trí Thức của Đài Loan, nói rằng, hãy còn quá sớm để kết luận rằng các khoản bồi thường lớn là khuôn mẫu được sử dụng hiện nay.

Bà Trần nói rằng vì Tòa Án Bảo Vệ Tài Sản Trí Thức Đài Loan chỉ mới được thiết lập hồi tháng Bảy năm ngoái, nên chưa thể đi được kết luận về tính cách hiệu quả của nó. Nhưng các phòng thương mại nước ngoài ở Đài Loan nói rằng, những vụ kiện tại Tòa Án Bảo Vệ Tài Sản Trí Thức Đài Loan đã được thụ lý mau chóng hơn và các khoản bồi thường đã tăng cao.

Trước đây, những người nước ngoài có tác quyền là những người duy nhất quan tâm tới việc bảo vệ tài sản trí thức tại Đài Loan. Nhưng trong lúc những công nghiệp địa phương đã trưởng thành và trở nên sáng tạo hơn thì họ cũng được huởng lợi nhờ luật lệ bảo vệ tác quyền trong nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG