Đường dẫn truy cập

Luật hàng hải của LHQ có nhiều khuyết điểm


Sự bùng nổ các vụ cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia trong những năm gần đây cho thấy khuyết điểm trong các luật lệ hàng hải của Liên Hiệp Quốc đặt hải tặc ra ngoài vòng pháp luật trên khắp thế giới. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Alisha Ryu gởi về từ văn phòng Đông Phi Châu ở Nairobi.

Trong vùng biển ngoài khơi duyên hải kéo dài gần 4,000 kilomét của Somalia, các chiến hạm của hơn một chục quốc gia đã tạo thành một hải đoàn mà Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon mới đây đã mô tả là một 'hạm đội chống hải tặc lớn nhất trong lịch sử hiện đại'.

Chiến hạm của các nước thành viên trong liên minh NATO, và Liên Hiệp Châu Âu, cùng các nước khác đã được điều động tới đó trong những tháng mới đây để chiến đấu chống tình trạng tăng vọt các vụ cướp tàu và bắt thủy thủ đoàn để đòi tiền chuộc. Liên Hiệp Quốc nói rằng 111 cuộc tấn công của hải tặc xảy ra hồi năm ngoái trên thủy lộ nối liền Kênh Đào Suez với Ấn Độ Dương cho thấy sự gia tăng gần 200% các vụ cướp biển trong năm 2007.

Hoạt động từ những cộng đồng ngư nghiệp hẻo lánh ở đông bắc và trung bộ Somalia, hải tặc đã kiếm được hằng chục, và có thể hằng trăm triệu đô la tiền chuộc. Bọn hải tặc đã gây trở ngại cho công cuộc giao thương toàn cầu và gây ra những thiệt hại không biết là bao nhiêu cho nền kinh tế thế giới.

Nhà phân tích thời cuộc vùng Sừng Phi Châu thuộc tổ chức Chatham House ở London Roger Middleton nói rằng cộng đồng quốc tế phải nhận trách nhiệm một phần về tai họa này.

Ông Middleton nói: “Một phần của vấn đề là người ta đã nhìn vào Somalia và nói rằng, quốc gia này quá lộn xộn và không việc gì để phải lo về chuyện đó. Nhân dân nước này sẽ chỉ chiến đấu chống lại nhau và sẽ không có hậu quả tai hại nào cho những nơi khác trên thế giới. Nhưng thật ra thì có hậu quả đối với những nơi khác trên thế giới và bây giờ chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy.”

Năm 1991, Somalia đã lâm vào một cuộc chiến tranh sau khi chế độ độc tài Mohamed Siad Barre bị sụp đổ. Trong thập niên kế tiếp, một số các nước Châu Âu và Châu Á đã lợi dụng tình trạng rối loạn tại Somalia và gởi các đội thương thuyền của họ tới đánh cá trong hải phận nước này. Các quốc gia Châu Âu khác thì đưa tới Somalia hằng ngàn thùng chất thải độc hại, kể cả chất thải hạt nhân, để đổ xuống biển.

Không có lực lượng biên phòng để theo dõi và ngăn chặn những hoạt động bất hợp pháp như vậy, các ngư dân Somalia bắt đầu tổ chức và tự trang bị võ khí để đối phó với những người đổ chất thải và thâu tiền lệ phí của các tầu nước ngoài mang cá ra khỏi vùng biển của nước họ. Ông Middleton nói rằng những gì bắt đầu như là một cuộc tranh đấu chính đáng chống lại sự lợi dụng của nước ngoài đã trở thành một hoạt động tội phạm khi mọi người khám phá ra tiềm năng béo bở của hoạt động này.

Ông Middleton nói: “Nhiều người hiện nay là hải tặc không phải là cư dân của các làng vùng duyên hải. Họ không phải là ngư dân. Những người này ở bên trong đại lục, là những cựu dân quân và động cơ thúc đẩy họ hoàn toàn là vì tiền. Sự kiện đánh cá bất hợp pháp và đổ chất thải độc hại vẫn còn tiếp diễn tại Somalia là một lý do thuận lợi nhất để các hải tặc tự biện minh cho mình. Điều này có nghĩa là khi bọn hải tặc bắt giữ một chiếc tàu, thì họ đã nói với một hãng tin và tuyên bố rằng, chúng tôi chỉ bảo vệ vùng biển của Somalia...Ðiều đó rất ích lợi cho bọn hải tặc để nhận được sự ủng hộ cần thiết của các cộng đồng cư dân vùng duyên hải.”

Các chiến hạm tuần tra trong vùng Vịnh Aden và Ấn Độ Dương đang hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Hàng Hải và những nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.

Được 150 nước ký kết năm 1982, Luật Hàng Hải định nghĩa cướp biển là những hành động bất hợp pháp vi phạm trên biển để đạt những mục đích riêng tư. Luật này quy định rằng tất cả các quốc gia có quyền bắt giữ và truy tố những kẻ vi phạm hành động hải tặc trên vùng biển quốc tế.

Nhưng các chuyên gia về luật biển nói rằng công ước này rõ ràng không xem xét tới sự xuất hiện của các quốc gia không đủ khả năng trị quốc như Somalia, và đã không giải quyết được vấn đề là điều gì sẽ xảy ra nếu một cuộc tấn công của hải tặc xảy ra không phải trên hải phận quốc tế nhưng ở trong hải phận của một nước hay hải phận của nước làng giềng.

Luật quốc tế về hải tặc giả định rằng cá nhân các nước sẽ đảm nhận trách nhiệm duy trì an ninh và tuần tra vùng biển của chính họ và truy tố những kẻ đang có hành động cướp biển. Nhưng không phải tất cả các quốc gia đều có đủ tài nguyên và khả năng bảo đảm an ninh trong vùng biển của mình. Đây là vấn đề mà hiện nay đang được nêu bật vì vấn đề cướp biển đang tiếp diễn tại Somalia, là nước mà sau 18 năm vẫn còn đang tìm cách thành lập một chính phủ có khả năng hoạt động được.

Trước những tháng mới đây, Kenya, nước láng giềng của Somalia, đã ký những văn bản ghi nhớ với Hoa Kỳ, Anh, và Liên Hiệp Âu Châu nhận những nghi can hải tặc để truy tố tại Kenya. Nhưng những thoả thuận đó đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và địa phương cũng như các luật sư chỉ trích, với lập luận là Kenya chưa thông qua các luật về có liên quan đến hải tặc và hệ thống tư pháp tham nhũng của nước này không đáng tin cậy là sẽ có thể tiến hành các vụ xét xử tự do và công bằng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG