Đường dẫn truy cập

Cố vấn cấp cao của ông Obama phác thảo kế hoạch kinh tế


Một cố vấn cấp cao của ông Barack Obama cho biết Tổng thống tân cử sẽ theo đuổi một nghị trình về kinh tế với quy mô lớn và toàn diện nhằm kéo Hoa Kỳ ra khỏi cơn suy thoái và đặt nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn. Thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tại Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Nền kinh tế của Hoa Kỳ đã bị suy yếu rất nhiều kể từ khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống hôm 4 tháng 11 vừa qua. Số thất nghiệp tăng cao hơn, mức chi của giới tiêu thụ sụt mạnh, với nhiều dấu hiệu khác của tình trạng tăng trưởng âm. Với sự suy thoái này, một câu hỏi được nêu ra là liệu các tình trạng tồi tệ hơn có buộc tổng thống sắp lên nhậm chức phải bãi bỏ sách lược kinh tế mà ông đã đề ra trong thời gian tranh cử và thiết kế một sách lược mới hay không?

Ngay lúc nay, thì câu trả lời dường như là không.

Phát biểu trong chương trình 'Meet the Press' của đài truyền hình NBC, một cố vấn cấp cao của ông Obama là ông David Axelrod nói rằng tổng thống tân cử vẫn cam kết cải tổ hệ thống thuế khoá của nước Mỹ và thúc đẩy công cuộc tạo công ăn việc qua sự can thiệp quyết liệt của chính phủ liên bang.

Ông Axelrod nói: “Mọi kinh tế gia từ cánh tả tới cánh hữu đều đồng ý rằng chúng ta phải làm một điều gì to lớn về mặt tạo công ăn việc làm, nhưng chúng tôi muốn thực hiện việc đó theo một đường lối sẽ để lại một dấu ấn lâu dài. Do đó, chúng tôi bàn đến việc đầu tư vào các dự án năng lượng thay thế giúp chúng ta đạt được sự độc lập về năng lượng. Chúng tôi bàn đến việc xây dựng lại các lớp học trên cả nước, và dĩ nhiện là hạ tầng cơ sở: tái thiết các cầu đường và thủy lộ đang xuống cấp. Đây là những điều sẽ đem lại công ăn việc làm cho dân chúng, nhưng đồng thời cũng củng cố nền kinh tế của chúng ta về lâu về dài.”

Ông Axelrod nói rằng ông Obama cũng sẽ thực hiện lời hứa lúc vận động là theo đuổi việc cắt giảm thuế cho giới trung lưu trong khuôn khổ một kế hoạch toàn diện nhằm giúp cho hệ thống thuế khóa của nước Mỹ mang tính cấp tiến hơn. Tổng số chi phí của chương trình kích hoạt kinh tế của ông Obama dự kiến lên tới hàng trăm tỷ đôla.

Trong chức vụ tổng thống, ông Obama sẽ mở rộng thế đa số của đảng Dân chủ tại cả hai viện Quốc hội để có thể thực thi nghị trình của ông. Nhưng ông sẽ thiếu một thế siêu đa số cần đến để ngăn chặn phe Cộng hòa sử dụng một thủ thuật lập pháp để cản trở việc thông qua các dự luật.

Nhiều nhà lập pháp của đảng Cộng hoà vẫn chống đối việc tăng thuế dưới bất cứ hình thức nào, nhất là trong thời kỳ suy thoái. Họ lập luận rằng kế hoạch của ông Obama cho phép chấm dứt các khoản cắt giảm thuế tạm thời đã áp dụng dưới thời chính quyền của ông Bush sẽ có tác dụng như một sự tăng thuế ồ ạt.

Phát biểu trong chương trình 'This Week' của đài ABC, thượng nghị sĩ Bob Corker của đảng Cộng hoà, đại diện tiểu bang Tennessee nói rằng, hơn cả một kế hoạch kích hoạt của chính phủ, điều mà nền kinh tế cần đến là việc phá vỡ tình trạng siết chặt tín dụng để cho khu vực tư nhân có thể sinh sôi nẩy nở trở lại.

Ông Corker nói: “Điều vĩ đại nhất chúng ta có thể làm, và những gì tôi đang chứng kiến ở tiểu bang nhà của tôi, là làm cho các thị trường tín dụng hoạt động trở lại để các ngân hàng địa phương có thể hoạt động và cho các cơ sở kinh doanh nhỏ vay tiền để tạo ra những công ăn việc làm mà tất cả chúng ta đều quan tâm.”

Nhưng thượng nghị sĩ Sherrod Brown đại diện tiểu bang Ohio đã bầy tỏ quan điểm của nhiều đảng viên Dân chủ cho rằng nền kinh tế không thể phục hồi nếu không nhận được một sự thúc đẩy đáng kể, và thực thể duy nhất có khả năng cung cấp sự thúc đẩy đó ngay lúc này là chính phủ liên bang.

Ông Brown cũng đưa ra ý kiến này trong chương trình 'This Week'.

Ông Brown nói: Khi quý vị nhìn thấy những gì đã xảy ra trong lãnh vực chi tiêu của giới tiêu dùng, nhất là vào dịp lễ Giáng sinh, với số bán thấp, và hiểu được rằng 70% nền kinh tế lệ thuộc vào sự chi tiêu của giới tiêu dùng thì chúng ta cần đến một sự kích thích thực sự để dân chúng tiêu tiền. Và điều đó có nghĩa là phải đưa tiền vào hạ tầng cơ sở, vào hệ thống nước và cầu cống.”

Người ta cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã ở trong tình trạng suy thoái từ tháng Chạp năm ngoái. Sự kiện khởi đầu bằng hiện tượng tịch biên nhà đất đã biến nhanh thành một cuộc khủng hoảng tài chính và tín dụng toàn diện lan rộng khắp thế giới khiến cho nhiều kinh tế gia dự đoán sẽ là một cuộc suy thoái trầm trọng trên toàn cầu.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG