Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Không có tiến bộ trong đàm phán với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma


Trung Quốc cho biết không có tiến triển nào trong các cuộc thảo luận vừa qua với các đại diện của đức Đạt lai Lạt ma. Chính phủ Trung Quốc tố cáo nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng rằng sau cùng Ngài vẫn mưu tìm nền độc lập cho vùng Hy Mã Lạp Sơn này. Thông tín viên Stephanie Ho của VOA từ Bắc Kinh gởi về bài tường thuật như sau.

Quan chức của chính phủ Trung Quốc, ông Chu Duy Quần, nói rằng Bắc Kinh xem kế hoạch tự trị của đức Đạt lai Lạt ma cũng tương đương với việc theo đuổi nền độc lập cho Tây Tạng. Ông nói đó là điều mà Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận.

Ông Chu nói khả năng để Tây Tạng độc lập, bán độc lập, hoặc độc lập không công khai, là không hiện thực và cũng không hiện thực trong tương lai. Ông Chu Duy Quần là phó bộ trưởng bộ Thống Chiến, là cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc có trách vụ giao dịch với những tập thể không-Cộng sản. Ông đưa ra lời tuyên bố vừa kể tại cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh hôm thứ Hai.

Một giới chức khác cũng của bộ Thống Chiến, ông Tư Tháp, cho báo chí biết rằng Trung Quốc đặc biệt bất bình về những hoạt động ủng hộ Tây Tạng đã làm xáo trộn kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 vừa qua.

Ông Tư Tháp tố cáo những người mà ông gọi là 'phe Đạt lai' đã tổ chức trên 60 ngàn người biểu tình bên ngoài các phái bộ ngoại giao của Trung Quốc ở nước ngoài hồi tháng Tám vừa qua, nhắm vào đại hội thể thao Olympic. Ông cũng tố cáo những người mà ông gọi là 'nhóm Đạt lai' đã tổ chức cho các người nước ngoài tiến hành các hoạt động gây cản trở bên ngoài những nơi thi đấu Olympic và tại quảng trường Thiên An Môn.

Đó là những nhận định chính thức đầu tiên của quan chức Trung Quốc kể từ khi kết thúc vòng đàm phán với những đặc sứ của đức Đạt lai Lạt ma hồi tuần rồi.

Năm 1959, Đức Đạt lai Lạt ma đã phải lánh sang Ấn Độ sau một cuộc nổi dậy bất thành chống chế độ cai trị của Trung Quốc. Ngài công khai và liên tục tuyên bố rằng Ngài không mưu cầu độc lập cho Tây Tạng khỏi Trung Quốc, mà chỉ mong có một chế độ tự trị đầy đủ để bảo đảm sự trường tồn cho nền văn hóa Phật giáo độc đáo của khu vực.

Các tổ chức của Tây Tạng ở nước ngoài dự trù họp trong tuần tới để thảo luận về tương lai chính nghĩa của họ.Gần đây đức Đạt lai Lạt ma lộ vẻ bi quan về các nỗ lực của Ngài muốn tìm sự tự trị cho Tây Tạng dưới chủ quyền của Trung Quốc.

Một số người Tây Tạng đã không còn kiên nhẫn với đường lối của Ngài, và nhấn mạnh rằng Tây Tạng là một quốc gia độc lập trước khi bị binh lính Trung Quốc xâm chiếm hồi năm 1950.

Trung Quốc khẳng định rằng Tây Tạng vẫn từng là một phần lãnh thổ của họ từ nhiều thế kỷ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG