Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ, Châu Âu hậu thuẫn việc tăng sức ép đối với Iran


Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý tăng sức ép đối với Iran. Từ thành phố Ljubljana của Slovenia, Thông tín viên Paula Wolfson của đài VOA tường trình cho rằng chương trình hạt nhân Iran là một trong nhiều vấn đề đã được mang ra thảo luận giữa Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush và các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu.

Tổng Thống Bush nói Hoa Kỳ và Châu Âu phải hiệp lực để ngăn chận Iran phát triển các vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Bush nói: “Một quốc gia không thể nào giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Một nhóm quốc gia có thể gửi đi một thông điệp rõ ràng đến người Iran, và thông điệp ấy là, chúng tôi sẽ tiếp tục cô lập hóa đất nước của quý vị, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để đề ra các biện pháp trừng phạt, chúng tôi sẽ tìm ra những biện pháp chế tài mới nếu xét thấy cần thiết, nếu quí vị tiếp tục gạt bỏ sang một bên những đòi hỏi chính đáng của thế giới tự do.”

Trong bản tuyên bố chung sau cuộc họp cấp cao, Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã đề cập đến việc áp đặt thêm những biện pháp cấm vận kinh tế, ngoài các biện pháp đã được Liên Hiệp Quốc áp dụng đối với Iran, nếu nước này tiếp tục từ chối, không chịu đình chỉ chương trình nâng cấp uranium. Tổng Thống Bush nói một nước Iran có trang bị vũ khí hạt nhân sẽ là một nước nguy hiểm. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo tại Teheran phải đi đến một quyết định.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Họ có thể phải đối đầu với tình trạng bị cô lập hóa, hoặc họ có thể chọn cải thiện quan hệ với tất cả các nước chúng ta, nếu họ chịu đình chỉ chương trình làm giàu uranium theo phương cách có thể kiểm chứng được.”

Tuy nhiên cuộc họp cấp cao Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu đã không đạt được một bước đột phá về đề tài quan trọng thứ Hai trong nghị trình, đó là vấn đề thay đổi khí hậu. Tại một cuộc họp báo sau các cuộc thảo luận, Tổng Thống Bush nhắc lại lập trường của ông, phản đối các hạn chế có tính ràng buộc pháp lý về số lượng khí thải gây hiện tượng nhà kiếng. Nhưng nhà lãnh đạo Mỹ nói ông vẫn hy vọng hai bên sẽ đi đến một chiến lược chung về vấn đề này.

Tổng Thống Bush nói: “Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận về hiện tượng thời tiết thay đổi trong nhiệm kỳ Tổng Thống của tôi. Xin nói để quý vị biết như thế.”

Thủ Tướng Slovenia, nước đang giữ chức Chủ Tịch Luân Phiên của Hội Đồng Châu Âu, là nhân vật đại diện cho 27 nước thành viên tại cuộc họp thượng đỉnh.

Chủ Tịch Ủy Hội Châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, cũng tham gia cuộc họp này. Ông Barroso nói điều có ý nghĩa là hội nghị cấp cao đã diễn ra tại Slovenia, một nền dân chủ tương đối còn non trẻ, và là một thành viên mới trong sự mở rộng nhanh chóng của Liên Hiệp Châu Âu vào thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh.

Ông Barroso nói: “Giờ đây chúng ta có các nước dân chủ cùng sống bên nhau trong hòa bình trong khu vực trải rộng từ Đại Tây Dương sang tới Hắc Hải, từ Địa Trung Hải cho tới Biển Baltic.”

Chương trình nghị sự bao gồm rất nhiều vấn đề trong một buổi họp cấp cao chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, từ vấn đề Trung Đông đến việc giải quyết một cuộc tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương về việc mở cửa các thị trường Châu Âu để thịt gà của Hoa Kỳ được nhập vào thị trường châu Âu.

Về các vấn đề an ninh, các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị cho thấy họ chia sẻ những giá trị chung, khi đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc hãy mở các cuộc thảo luận hướng tới việc đạt được những kết quả cụ thể với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma về vấn đề Tây Tạng.

Hội nghị cấp cao còn kêu gọi chính phủ Zimbabwe hãy tự chế, đừng gây thêm bạo động và hãy ngưng trấn áp tinh thần cử tri, để bảo đảm cuộc bầu cử Tổng Thống vòng nhì vào ngày 27 tháng 6 này được diễn ra trong tự do và công bằng.

Hội nghị cấp cao giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu diễn ra tại một lâu đài ở ngoại ô thành phố Ljubljana. Đây cũng chính là địa điểm của cuộc gặp mặt đầu tiên hồi năm 2001 giữa Tổng Thống Bush với Tổng Thống Nga lúc bấy giờ, là ông Vladimir Putin. Sau cuộc gặp này, Tổng Thống Bush đã đưa ra lời tuyên bố bất hủ, rằng ông đã nhìn vào đôi mắt của ông Putin, và đã cảm nhận thấy tâm hồn của nhà lãnh đạo Nga.

Vào lúc sắp sửa bế mạc hội nghị cấp cao cuối cùng của ông với các nhà lãnh đạo Châu Âu, lời lẽ của Tổng Thống Bush có đôi chút hoài niệm :

Tổng Thống Bush nói: “Chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Châu Âu đầu tiên của tôi, trong tư cách Tổng Thống Hoa Kỳ, là Slovenia. Bây giờ chuyến đi thăm Châu Âu cuối cùng của tôi trong tư cách Tổng Thống Hoa Kỳ, tôi cũng dừng chân đầu tiên ở Slovenia. Vừa đúng một chu kỳ.”

Sau khi rời Slovenia, Tổng Thống Bush sẽ đi thăm 4 nước đồng minh Tây Phương chủ yếu, đó là các nước Đức, Ý, Pháp và Anh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG