Đường dẫn truy cập

Ðiều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam


Hôm thứ Tư 14/5/2008 tại Washington, nhóm các nhà lập pháp quan tâm đến Việt Nam vừa tổ chức một buổi điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, với mục đích là đưa ra những đề nghị cho cuộc đối thoại về nhân quyền Mỹ-Việt mà Hà Nội đồng ý tham dự với Washington. Sau đây là bài tường thuật của phóng viên đài VOA Lê Dân.

Cuộc điều trần được nữ dân biểu Zoe Lofgren, đồng chủ tịch nhóm các nhà lập pháp quan tâm đến Việt Nam, chủ trì. Cùng tham dự có các đồng viện của bà như các dân biểu Tom Davis, Ileana Ros-Lehtinen, Ed Royce, Loretta Sanchez và Chris Smith, để nghe một số nhân chứng phúc trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Trong số đó có ông Leonard A. Leo, Ủy viên trong Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân, bác sĩ Nguyễn Thể Bình, đồng chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản Việt Nam và cô Tammy Trần, chủ tịch Liên minh Chống Buôn người.

Mở đầu buổi điều trần, nữ dân biểu Zoe Lofgren cho biết: "Kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ quy chế CPC, tức các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo, cho Việt Nam và nước này gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO, thì chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bắt bớ, giam cầm những người mà tội của họ chỉ là dám nói những điều trái với Nhà nước, hay chỉ là thực thi quyền tự do tôn giáo của họ."

Một trong những nhân vật được nhóm các nhà lập pháp quan tâm đến Việt Nam mời ra trình bày về tình hình nhân quyền tại Việt Nam là ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân.

Ông Đỗ Hoàng Điềm nói về sự kiện này như sau: "Cuộc điều trần ngày hôm nay có hai lý do. Lý do thứ nhất là lượng định và lược duyệt lại tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngay giờ phút này. Thứ hai là để chuẩn bị những đề nghị cho cuộc nói chuyện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về vấn đề nhân quyền, dự trù sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng Năm."

Dựa trên hai chủ đề đó, chúng tôi hy vọng là sau buổi điều trần này, ít ra về phía Hoa Kỳ sẽ có những áp lực cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc nói chuyện về nhân quyền với Hà Nội, và trên đường dài thì cũng mong là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì áp lực với chính quyền Việt Nam đồng thời sẽ có thêm nhiều dự luật khác trong tương lai.

Một số nhân chứng trình bày trước buổi điều trần như cô Tammy Trần, chủ tịch Liên minh Chống Buôn người VietACT, nêu quan ngại rằng tình hình phụ nữ và trẻ em mà không được luật pháp và chính phủ Việt Nam quan tâm bảo vệ đúng mức, cũng có nghĩa là nhân quyền của họ không được nhìn nhận và tôn trọng.

Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, đồng chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản Việt Nam, bên lề cuộc điều trần nói với đài chúng tôi:

"Ðược biết rằng hôm nay có những vị khác cùng điều trần, điều chính yếu là chúng tôi muốn nhấn mạnh là những việc thiếu nhân quyền căn bản ở trong nước và việc không được dân chủ của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nêu những điều chính là thiếu tự do tín ngưỡng, thiếu những tự do đọc Internet, có thể xuất bản báo, có thể nghe những đài như VOA hay RFA ở trong nước. Họ không được tự do nhóm họp, hay phản đối chính phủ, dù những hoạt động đó là bất bạo động."

Dân biểu Chris Smith, một trong những nhà lập pháp Hoa Kỳ thường bày tỏ quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cho rằng buổi điều trần được tổ chức vào thời điểm thích hợp.

Dân Biểu Smith nói: "Ðây là một sự kiện kịp thời vì Thủ tướng Việt Nam dự trù sẽ viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng tới, cuộc đối thoại Mỹ-Việt về vấn đề nhân quyền sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng này. Nghiên cứu về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, hôm qua nhật báo Asian Wall Street Journal kết luận rằng bất kể đảng Cộng sản Việt Nam mong muốn bám lấy quyền lực, chế độ vẫn chịu áp lực của quốc tế, và chúng ta nghĩ rằng đó là một nhận định chính xác."


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG