Đường dẫn truy cập

Chính phủ lưu vong Tây Tạng hoan nghênh việc TQ tham gia đối thoại


Chính phủ lưu vong Tây Tạng nói rằng họ trông đợi tới ngày thực hiện vòng đàm phán thứ nhì với các giới chức Trung Quốc. Các đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã gặp các giới chức Trung Quốc tại thành phố Thẩm Quyến hôm chủ nhật vừa qua, nói rằng các nhà thương thuyết đã trao đổi những đề nghị cụ thể và bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn và bộc trực. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo bài tường trình của phái viên Steve Herman của Đài VOA gởi về từ thủ đô New Delhi.

Các thương thuyết gia Tây Tạng nói rằng: tuy có những quan điểm mà họ cho là cứng rắn và bất đồng, những người tương nhiệm phía Trung Quốc có vẻ muốn giải quyết những mối quan tâm của người dân Tây Tạng đang nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc. Một trong số các đặc sứ của Tây Tạng là ông Lodi Gyaltsen.

Trong cuộc họp báo ngày hôm nay tại Dharamsala, nơi đặt bản doanh của chính phủ lưu vong Tây Tạng, ông Gyaltsen nói rằng mặc dù hai bên bất đồng sâu sắc về nguyên do của những vụ bạo động hồi gần đây tại Tây Tạng, phiá Trung Quốc dường như thật tâm muốn tham gia vào cuộc đối thoại.

Phát ngôn viên của chính phủ lưu vong Tây Tạng, ông Thubten Samphel, cho đài VOA biết rằng: khác với những cuộc hội đàm diễn ra một cách rời rạc từ năm 2002, cuộc thảo luận mới đây đã có tính chất khá tích cực.

Ông Samphel nói: “Mặc dù có những khác biệt lớn đối với những vấn đề quan trọng, lúc này cả hai bên đều đã thể hiện ý nguyện là muốn tìm kiếm một cách thức chung để giải quyết những vấn đề trứơc mắt. Và kết quả là đôi bên đạt được một thỏa thuận để tiếp tục các vòng thảo luận chính thức. Một thời biểu cho vòng đàm phán thứ nhì sẽ được đúc kết trong thời gian sắp tới, sau khi có sự tham khảo ý kiến lẫn nhau.”

Cuộc họp kín này là cuộc họp đầu tiên kể từ khi xảy ra các vụ rối loạn chống Trung Quốc tại Lhasa hồi tháng 3, và những vụ rối loạn lan ra các nơi khác của Khu tự trị Tây Tạng và các tỉnh miền tây Trung Quốc.Trung Quốc đã cáo buộc Đức Đạt lại Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, là kích động các vụ gây rối.

Phát ngôn viên Samphel nói rằng trong các cuộc hội đàm diễn ra hôm chủ nhật vừa qua tại Thẩm Quyến, các vị đặc sứ Tây Tạng đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chiến dịch cải tạo nhắm vào các nhà sư Tây Tạng và những người khác.

Ông Samphel nói: “Chúng tôi đã nhấn mạnh với phiá Trung Quốc về việc cần phải chấm dứt sự đàn áp hiện nay tại khắp Tây Tạng. Chúng tôi cũng yêu cầu Trung Quốc phóng thích các tù nhân, để cho những người đang bị giam giữ trong tù được chữa trị đàng hoàng, và cho phép du khách được tự do đến Tây Tạng, kể cả giới báo chí.”

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã phát biểu trong ngày hôm qua tại Nhật bản rằng mặc dù các cuộc hội đàm với Tây Tạng sẽ được tiếp tục, Đức Đại Lai Lạt Ma cần phải chấm dứt việc chỉ đạo các hành vi bạo động, và ngưng việc cố phá hoại Thế vận hội muà hè sắp diễn ra ở Bắc kinh.

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1950, và sáp nhập Tây Tạng vào lãnh thổ Trung Quốc một năm sau đó. Sau cuộc nổi dậy bất thành vào năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải sống lưu vong ở Ấn Ðộ.

Hoa Kỳ và chính phủ các nước phương Tây đã thúc giục Bắc kinh mở lại cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng nói ông muốn cho người Tây Tạng được tự trị, chứ không đòi độc lập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG