Đường dẫn truy cập

Thành quả và thách đố trong cuộc chiến chống sốt rét


Hàng năm, bệnh sốt rét đã cướp đi mạng sống của hơn 1 triệu người trong tiểu vùng sa mạc Sahara ở Châu Phi, trong số đó có nhiều trẻ em. Chứng bệnh này do một loại ký sinh trùng gây ra và được muỗi truyền đi, do đó mà những biện pháp phòng ngừa đơn giản như dùng mùng khi ngủ cũng có thể giúp giảm thiểu sự lây lan của bệnh. Tại hội nghị mới đây ở Los Angeles, các chuyên viên y tế và thành viên những tổ chức ngoài chính phủ đã điểm lại những thành quả và thách đố trong cuộc chiến chống sốt rét.

Một nhóm ở Canada mang tên 'Spread the Net', xin dịch là 'Trải Mùng' mà cũng có nghĩa là 'Mở rộng mạng lưới', vừa phát động một chiến dịch trên Internet có sự phối hợp của cơ quan bảo vệ thiếu nhi của Liên Hiệp Quốc, UNICEF. Họ dùng một đoạn video dùng nhạc Rap của giới trẻ để tải đi thông điệp.

'Mỗi 30 giây là có một trẻ Châu Phi chết vì sốt rét chỉ vì muỗi đốt, nhưng bạn có thể chận đứng việc này'

Nhóm này kêu gọi sự đóng góp 10 đô la để mua và phân phát mùng có tẩm thuốc diệt khuẩn.

Các chuyên gia y tế công cộng và đại biểu nhũng tổ chức ngoài chính phủ NGO đã vạch ra những sáng kiến gần đây nhằm chống sốt rét tại hội nghị toàn cầu của Viện Milken, chuyên khảo sát khắp thế giới về chiều hướng xã hội và doanh nghiệp. Ông John Tedstrom, giám đốc điều hành Liên minh Doanh nghiệp Toàn Cầu chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét, cho biết bệnh sốt rét giết chết 3,000 người mỗi ngày, nhưng lại ít được quan tâm.

Ông Tedstrom nói: "Nếu đây là một thảm kịch nào khác, nếu nó không phải là một bệnh truyền nhiễm, thì chúng ta đã gọi nó là một loại tội ác chống con người. Và chính xác nó là như vậy."

Ông Peter Chermin là chủ tịch tổ hợp truyền thông khổng lồ News Corporation và cũng là chủ tịch tổ chức vô vị lợi Malaria No More. Công ty của ông đã nỗ lực nâng cao nhận thức về chống sốt rét qua cuộc thi tài năng American Idol trên hệ thống truyền hình Fox. Ông Chermin so sánh bệnh sốt rét với những tai họa thiên nhiên và nhân tạo đã từng thu hút sự chú ý của thế giới như vụ khủng bố tấn công ở New York, tai họa sóng thần Châu Á và trận bão Katrina.

Ông Chermin nói: "Ðó là vụ Trung tâm Thương mại Thế giới mỗi ngày. Đó là cơn sóng thần mà thế giới đã xúc động, xảy ra mỗi tháng một lần. Đó là trận bão Katrina xảy ra cứ mỗi hai, hay ba ngày."

Ông cho hay bệnh sốt rét đã tác hại các nền kinh tế Châu Phi, gây thiệt hại kinh tế mỗi năm 12 tỷ đô la cả trực tiếp lẫn gián tiếp là làm giảm hiệu năng sản xuất.

Bệnh sốt rét có thể chữa lành bằng chế độ thuốc 3 ngày mà hiện nay chỉ tốn 37 xu Mỹ. Chế độ đó bao gồm hợp chất artemisinin, được chiết xuất từ thảo dược Trung quốc. Các chuyên gia nói rằng những loại thuốc hiệu quả cao đó cùng với việc dùng mùng có tẩm thuốc diệt khuẩn có thể cắt giảm tần suất lây lan.

Theo họ thì một số quốc gia châu Phi, gồm có Rwanda, Ethiopia, Zanzibar và Kenya đang có tiến triển trong việc chống sốt rét. Ông Blaise Karibushi, giám đốc văn phòng Rwanda của tổ chức Access Project, đang hoạt động nhằm cải thiện hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tại xứ này. Ông cho biết tần suất lây lan bệnh sốt rét tại Rwanda đã giảm thiểu đáng kể nhờ việc dùng mùng, áp dụng các biện pháp phòng chống cho sản phụ cùng một số biện pháp khác. Ông nói rằng hồi năm 2001, 3/4 các vụ khám bệnh ở những trung tâm y tế là do bệnh sốt rét, nhưng ngày nay, con số đó chỉ còn ít hơn một phần sáu mà thôi.

Các nhà chuyên môn cho hay Châu Phi cần đến 250 triệu chiếc mùng có tẩm thuốc diệt khuẩn. Thủ tướng Anh Gordon Brown gần đây có xuất hiện trên chương trình đặc biệt của American Idol hứa sẽ đóng góp 20 triệu chiếc. Cùng với những sự cam kết từ Hoa Kỳ và những nước khác và tổ chức quốc tế, ông Peter Chernin cho hay hiện còn cần thêm khoảng 100 triệu chiếc mùng nữa.

Ông Chernin nêu công lao thủ tướng Anh, Ngân hàng Thế giới, các nhà hảo tâm như ông bà Bill và Melinda Gates, và Quỹ Toàn cầu chống bệnh AIDS, Lao và Sốt rét, được thành lập vào năm 2002. Ông cũng ghi công chính phủ Bush về những sáng kiến chống bệnh sốt rét và AIDS qua những chương trình như Kế hoạch Khẩn của Tổng thống Cứu AIDS, viết tắt là PETFAR.

Ông Chernin nói: "Theo tôi nghĩ, có thể đó sẽ là di sản quý nhất cùa chính quyền Bush. Chắc chắn là tôi không ủng hộ rất nhiều việc họ đã tiến hành, nhưng họ đã rất xuất sắc trong việc hỗ trợ sáng kiến chống sốt rét, qua kế hoạch PETFAR, qua sự ủng hộ Quỹ Toàn cầu, qua việc thiết lập Sáng kiến Tổng thống về Sốt rét. Tôi nghĩ điều quan trọng nữa là làm sao để chính quyền tới, dù là của nghị sĩ Clinton, nghị sĩ Obama, hay nghị sĩ McCain, sẽ tiếp tục lãnh đạo và đóng góp vào việc chống sốt rét."

Chuyên viên y tế công cộng Richard Feachem, cựu giám đốc Quỹ Toàn cầu, cho hay rằng bệnh sốt rét có thể mất nhiều thập niên mới xóa sạch, nhưng các biện pháp và phương tiện sẵn có cũng có thể làm giảm số tử vong do bệnh này một cách nhanh chóng. Ông cũng cảnh báo rằng vào lúc y giới đang có tiến triển trong việc phòng chống bệnh, thì lại xuất hiện loại sốt rét lờn thuốc tại châu Á, một số thuốc diệt trùng cũng mất hiệu quả đối với muỗi nhiễm ký sinh sốt rét. Trong khi đó thì các nhà khảo cứu y khoa lại chưa tìm ra loại thuốc chủng ngừa sốt rét hữu hiệu.

Ông nói rằng đã có những nước lãnh đạo trong việc phòng chống sốt rét, và Canada, Hoa Kỳ và Anh đã đóng góp phần của họ, nhưng còn Italy, Pháp, Đức và Nhật Bản có góp sức hay không. Ông cho biết những thành tích tại Châu Phi, gồm cả tại Rwanda, là kết quả của sự lãnh đạo hiệu quả tại cả hai thế giới phát triển và đang phát triển.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG