Đường dẫn truy cập

TT Bush, Bộ trưởng Singapore kêu gọi TQ tiếp xúc với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma


Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush một lần nữa lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc mở cuộc đàm phán với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. Lời kêu gọi vừa kể được đưa ra trong lúc những người ủng hộ Tây Tạng thực hiện những vụ biểu tình chống đối Thế vận Hội Bắc Kinh sau khi xảy ra vụ đàn áp các cuộc biểu tình ở Tây Tạng hồi trung tuần tháng ba. Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên Scott Stearns của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Sau cuộc họp hôm thứ tư tại Phòng Bầu Dục với Bộ trưởng cao cấp Ngô Tác Đống của Singapore, Tổng thống Bush cho biết cả hai ông đều tin rằng Trung Quốc nên chủ động tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tổng thống Bush nói: "Nếu tôi là họ thì tôi sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại với đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu họ tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma, họ sẽ nhận ra rằng ông ấy là một người rất tốt, một người yêu chuộng hòa bình, một người phản đối bạo động, một người không muốn đòi độc lập cho Tây Tạng mà chỉ muốn bảo vệ bản sắc văn hóa của Tây Tạng."

Trung Quốc đã tuyên bố Tây Tạng là một phần lãnh thổ của họ vào năm 1951. Bắc Kinh tố cáo rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chủ mưu những vụ rối loạn hồi tháng trước mà họ ước tính đã gây tử vong cho ít nhất 20 thường dân. Các tổ chức Tây Tạng lưu vong thì nói rằng ít nhất 140 người thiệt mạng khi cảnh sát Trung Quốc dùng vũ lực để ngăn chận những cuộc biểu tình đánh dấu kỷ niệm 49 năm cuộc khởi nghĩa bất thành để chống lại ách cai trị của Trung Quốc.

Bộ trưởng cao cấp Ngô Tác Đống của Singapore nói rằng đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma là phương cách duy nhất để Trung Quốc cải thiện tình hình hiện nay.

Ông Ngô Tác Đống nói: "Phương cách để tiến tới là các nhà lãnh đạo Trung Quốc thảo luận với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và tốt hơn hết là thảo luận trực tiếp với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi nghĩ rằng đó là cách thức duy nhất để họ ứng phó với vấn đề này.:

Các tổ chức nhân quyền và những người ủng hộ Tây Tạng đang ra sức gây rối tại những buổi lễ rước đuốc Thế Vận để phản đối điều mà họ cho là những hành động đàn áp của Trung Quốc ở Tây Tạng.

Tòa Bạch Ốc cho hay: Tổng thống Bush vẫn giữ nguyên ý định đến dự Olympic Bắc Kinh và sẽ tiếp tục gây sức ép với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để họ cải thiện nhân quyền, thực thi dân chủ, tôn trọng các quyền tự do chính trị và tự do tôn giáo.

Tổng thống Bush cũng đã thảo luận với ông Ngô Tác Đống về vấn đề liên quan tới chính quyền quân nhân ở Miến Điện, là nơi mà một bản dự thảo hiến pháp gây nhiều tranh cãi sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 5 tới đây.

Nếu có sự chấp thuận của đa số cử tri hợp lệ, hiến pháp mới sẽ bảo đảm vai trò của quân đội trong chính phủ Miến Điện và sẽ không cho lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi được giữ các chức vụ trong chính phủ vì bà đã từng kết hôm với một người ngoại quốc.

Tổng thống Bush tuyên bố rằng những người đang cầm quyền ở Miến Điện không nên e sợ đồng bào của mình.

Ông nói thêm như sau: "Tôi cảm thấy thất vọng trước tình trạng thiếu tiến bộ hiện nay và tôi muốn hối thúc giới lãnh đạo quân nhân ở đó có thái độ cởi mở và tôn trọng nguyện vọng của người dân."

Bộ trưởng cao cấp Ngô Tác Đống của Singapore thì cho rằng quân đội phải là một bộ phận của giải pháp cho vấn đề Miến Điện:

Ông Ngô Tác Đống nói: "Tuy vấn đề ở đây là quân đội nhưng quân đội cũng phải là một bộ phận của một giải pháp. Sẽ không có được một giải pháp nào cả nếu quân đội không đóng một vai trò trong việc giải quyết các vấn đề ở Miến Điện."

Tổng thống Bush và Bộ trưởng Ngô Tác Đống cũng đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới Iraq và Afghanistan.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG