Đường dẫn truy cập

Công ty dược phẩm Trung Quốc bắt đầu sản xuất vaccine chống cúm gà


Các giới chức Trung Quốc đã cho phép một công ty bào chế dược phẩm bắt đầu sản xuất một loại vắc-xin chống cúm gà nơi người sau khi các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin này có hiệu quả. Các nhà khoa học trên thế giới cũng đang ra sức tìm cách ngăn chận sự lây lan của loại vi rút nguy hiểm này. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết sau đây, dựa theo tường thuật do thông tín viên Naomi Martig của đài VOA gởi về từ trung tâm tin tức Á Châu ở Hồng Kông.

Công ty Sinovac Biotech đã hợp tác với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Trung Quốc để phát triển loại vắc xin này. Các viên chức của Sinovac cho biết hai cuộc thử nghiệm lâm sàng đã chứng tỏ là loại vắc xin này có hiệu quả.

Diễn tiến vừa kể là một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho các nhà khoa học đã làm việc trong nhiều năm qua để phát triển một loại vắc xin nhằm bảo vệ con người chống lại vi rút cúm gà H5N1. Đây là loại vi rút đã khiến gần 400 người nhiễm bệnh trên thế giới và gây tử vong cho ít nhất 238 người, phần lớn là ở Á Châu.

Các chuyên gia e rằng H5N1 có thể gây ra một đại dịch cúm toàn cầu, gây tử vong cho hàng triệu người. Cho đến nay, hầu hết những nạn nhân của vi rút này bị lây nhiễm từ gia cầm bị bệnh. Tuy nhiên, đã có vài trường hợp lây nhiễm từ người sang người.

Ông Malik Peiris là giáo sư vi-sinh-vật học tại Đại học Hồng Kông. Ông là một trong các nhà khoa học đầu tiên xác định vi rút H5N1 khi vi rút này xuất hiện ở Hồng Kông cách nay 11 năm. Ông cũng nằm trong một toán chuyên gia vẽ bản đồ gien và sự biến dạng của vi rút này.

Ông Peiris nói: "Đương nhiên, mối quan tâm của chúng tôi là nếu chúng ta để cho vi rút này có đủ thời gian để phô nhiễm với loài người thì sớm muộn gì nó cũng học được cách để lây từ người sang người, và khi đó chúng ta sẽ có một trận đại dịch cúm toàn cầu, và đó sẽ là một đại dịch rất đỗi nghiêm trọng."

Giáo sư Peiris cho biết: có một điều vô cùng cần thiết là tìm ra một loại vắc xin ngay từ bây giờ vì có khả năng rất lớn là tỉ lệ lây nhiễm sẽ gia tăng một cách nhanh chóng. Ông nói rằng quá trình phát triển của dịch H5N1 có lẽ cũng giống như quá trình của dịch SARS, xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2002 và lan ra khắp nơi trên thế giới - gây tử vong cho gần 800 người, trong đó có 299 người ở Hồng Kông.

Ông Peiris nói: "Nếu chúng ta nhìn lại vụ dịch SARS, chúng ta sẽ thấy là tình hình lúc đó tương tự như tình hình hiện nay, nghĩa là một loại vi rút xuất hiện trong loài thú và ở các chợ bán thú vật ở miền nam Trung Quốc và có thể đã lây nhiễm con người trong nhiều năm. Nhưng rốt cuộc thì nó đã thay đổi để thích ứng và học được cách để lây từ người sang người, và đưa tới vụ bộc phát trên toàn cầu như chúng ta đã thấy."

Từ khi xuất hiện lại vào cuối năm 2003, vi rút H5N1 đã lan ra khắp thế giới, khiến cho hàng trăm triệu gà vịt và các loại cầm điểu hoặc bị toi hoặc bị tiêu hủy. Indonesia có số tử vong vì cúm gà cao nhất thế giới, với 107 người chết. Kế đến là Việt Nam với 52 ca tử vong.

Các chuyên gia cho rằng vi rút này giờ đây đã bén rễ ở Á Châu và có phần chắc là sẽ không bị tiêu diệt trong các đàn gia cầm trong những năm tới đây.

Các nhà khoa học ở Việt Nam cũng đang tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin cúm gà nơi người.

Theo các chuyên gia, một loại vắc xin được sản xuất để phòng chống một dạng vi rút hiện đang lưu hành có thể không mang lại sự bảo vệ hoàn toàn đối với các dạng vi rút sẽ biến chủng trong tương lai. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng việc phát triển thuốc chủng vào lúc này ít ra cũng rút ngắn được khoảng thời gian cần thiết để chế tạo một loại vắc xin hiệu nghiệm hơn trong trường hợp xảy ra một đại dịch cúm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG