Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 40 năm ngày Mục sư King bị ám sát


Ngày 4 tháng Tư đánh dấu năm thứ 40 ngày Mục Sư Martin Luther King, Jr. bị ám sát. Từ sau cái chết của ông, nhà lãnh đạo phong trào dân quyền của Hoa Kỳ, thường được nêu tên như một trong những người Mỹ được ngưỡng mộ nhất trong lịch sử. Thế nhưng đối với nhiều người, cuộc đấu tranh của ông để đạt được bình đẳng sắc tộc, vẫn chưa kết thúc. Từ thủ đô Washington, thông tín viên Jim Malone có bài tường trình chi tiết sau đây.

Vào đêm mùng 4 tháng Tư năm 1968, khi nhà báo Joe Louw đang ở trong phòng của một khách sạn tại thành phố Memphis, bang Tennessee để theo dõi một bản tin nói về Mục Sư Martin Luther King, Jr. thì một biến cố đã xảy ra.

Ông Louw nói: "Khi chương trình kết thúc, tôi với tay tắt tivi. Ngay đúng lúc đó, tôi nghe tiếng súng nổ, tôi vội chạy ra ngoài lan can thì thấy Mục Sư King đang nằm sóng soài cách đó độ hơn một chục mét. Cảnh sát đổ ra đầy đường, mang theo súng ống. Quang cảnh thật là hỗn loạn và cấp bách. Một chiếc xe cứu thương chạy đến, nhưng không ai còn làm gì được hơn nữa. Tôi biết rằng có người đã giết chết Mục Sư King."

Vụ ám sát Mục Sư King đã châm ngòi cho các cuộc nổi loạn tại hơn 100 thành phố trên khắp nước, đưa đến một giai đoạn đầy chia rẽ và cay đắng trong quan hệ giữa các sắc tộc tại Hoa Kỳ.

Mục sư King đã đến Memphis để ủng hộ các nhân viên vệ sinh lúc đó đang biểu tình. Vào đêm trước khi ông bị ám sát, mục sư King đã ngỏ lời trước một đám đông tại một nhà thờ. Những lời phát biểu của ông, giờ đây nghe lại, như một điềm báo trước lạ lùng.

Mục sư King: "Cũng giống như mọi người, tôi muốn sống một cuộc sống lâu dài. Sự sống lâu có chỗ của nó. Nhưng tôi không mấy băn khoăn về vấn đề đó trong lúc này. Tôi chỉ muốn thực hiện ý muốn của Thượng Đế. Thượng Đế đã cho phép tôi trèo lên đỉnh núi kia, và tôi đã nhìn xuống để trông thấy miền đất hứa. Có thể tôi sẽ không hiện diện ở nơi ấy cùng với quý vị. Nhưng đêm nay, tôi muốn quý vị biết rằng, trong tư cách là một người dân, chúng ta sẽ đến được miền đất hứa."

40 năm sau cái chết của ông, sự nghiệp mà Mục Sư King đã để lại cho hậu thế là cuộc đấu tranh để thực hiện bình đẳng về sắc tộc và kinh tế, và cuộc đấu tranh này vẫn còn mãnh liệt.

Ông Ron Walters là một chuyên gia về sắc tộc và chính trị thuộc Đại Học Maryland. Mới đây, ông đã trò chuyện với một nhóm người Mỹ gốc Châu Phi ngay tại địa điểm Mục Sư King đã đọc bài diễn văn cuối cùng, vào đêm trước ngày ông bị ám sát.

Ông Walters kể lại: "Đó là một thời điểm mà tôi sẽ không bao giờ quên, bởi vì lẽ dĩ nhiên, đầu óc tôi nghĩ miên man về những gì mà Mục Sư King đã nghĩ đến vào cái đêm hôm ấy, khi ông đề cập đến sự kiện có thể ông sẽ không leo lên đỉnh núi cùng với chúng ta, nhưng ông đã thấy được những triển vọng của đất nước. Bạn có biết rằng đó chính là nơi chốn mà chúng ta, tại đất nước này, muốn đạt đến khi nói đến quan hệ sắc tộc, chúng ta muốn leo đến đỉnh núi, và theo tôi, những vật cản trở chúng ta đến được nơi ấy, là những gì chúng ta đang phải tiếp tục tháo gỡ trên con đường đó."

Rất nhiều nhà phân tích, khi đánh giá những tiến bộ sắc tộc kể từ khi sau vụ ám sát Mục Sư King, đã nói rằng Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn tất được mục tiêu này.

Người Mỹ gốc Châu Phi đã đạt được nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực kinh tế, doanh thương, giải trí và chính trị. Về nhiều khía cạnh, sự nghiệp đang lên của ứng cử viên Tổng Thống Barack Obama thuộc Đảng Dân Chủ là một biểu tượng mạnh mẽ của những tiến bộ về mặt bình đẳng sắc tộc. Thế nhưng cùng lúc, nhiều người Mỹ gốc Châu Phi vẫn còn lâm vào cảnh nghèo đói và tuyệt vọng tại các thành phố trên khắp Hoa Kỳ.

Ông Dedrick Muhammad đã từng viết về một cuộc nghiên cứu mang tên: 'Giấc Mơ Không Trở Thành Hiện Thực của Người Mỹ' cho Viện Nghiên Cứu Chính Sách ở thủ đô Washington.

Ông Muhammad nói: "Quả thực là ông Barack Obama đang vận động để trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, ông có nhiều triển vọng được Đảng Dân Chủ đề cử làm đại diện cho Đảng để tranh chiếc ghế Tổng Thống Mỹ. Thế nhưng điều cũng đúng sự thực là 1/3 trẻ con người Mỹ gốc Châu Phi đang sống trong nghèo khó tại một đất nước được coi là giàu mạnh nhất thế giới. Sự thật đó lẽ ra cũng phải được đề cập đến trong các hàng tít lớn của các tờ báo. Điều đáng buồn là thậm chí tôi cũng không được nghe ai nói đến vấn đề này."

Mục sư King được nhắc đến nhiều nhất về bài diễn văn của ông mang tên 'I have a Dream'- 'Tôi Có Một Giấc Mơ'. Đây là bài diễn văn đã thu hút sự ủng hộ của hàng triệu người tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới cho chính nghĩa bình đẳng sắc tộc.

Mục sư King: "Tôi vẫn có một giấc mơ, một giấc mơ đã hằn sâu trong giấc mơ người Mỹ. Tôi mơ một ngày nào đó, đất nước này sẽ vùng lên và thực hiện ý nghĩa đích thực của niềm tin của chính mình. Chúng ta coi những sự thực này là hiển nhiên, rằng tất cả mọi con người khi sinh ra đều bình đẳng."

Ông Dedrick Muhammad và nhiều người khác hy vọng rằng Kỷ niệm 40 năm ngày Mục Sư King qua đời sẽ làm sống lại cam kết và quyết tâm của ông cho lý tưởng biến giấc mơ của Mục Sư Martin Luther King thành hiện thực.

Ông Muhammad nói: "Tiến đến bình đẳng sắc tộc nhiều hơn không phải là một tiến trình dễ thực hiện, nhưng là điều đòi hỏi chúng ta phải bắt tay vào việc, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực và các biện pháp gây nhiều tranh cãi. Thật ra Hoa Kỳ có thể san bằng cái hố chia rẽ sắc tộc, nhưng trong 40 năm qua, chúng ta đã đi loanh quanh không định hướng, và chưa tiến được tới chỗ mà tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ đi đến. Có thể vào thời điểm đánh dấu ngày giỗ năm thứ 40 của Mục Sư King, chúng ta hãy thừa nhận rằng đã đến lúc chúng ta nên thực hiện giấc mơ của Mục sư King, thay vì chỉ tưởng niệm người đã mang Giấc Mơ đó."

Từ ngày qua đời, cương vị anh hùng dân tộc của Mục Sư King ngày càng được củng cố. Tổ chức thăm dò công luận Gallup đã xếp hạng Mục Sư Martin Luther King đứng nhì trong danh sách các nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ 20, đứng sau Mẹ Theresa và trước Tổng Thống John F. Kennedy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG