Đường dẫn truy cập

Australia hy vọng hàn gắn quan hệ với láng giềng Papua New Guinea


Những người biểu tình ở Papua New Guinea đã tìm cách phá rối chuyến viếng thăm của Thủ tướng Kevin Rudd của Australia. Cuộc biểu tình do những người chủ đất tổ chức là một phần của vụ tranh cãi về kế hoạch khai thác khoáng sản trong vùng Đường Mòn Kokoda - nơi mà các binh sĩ Australia đã giao chiến với binh sĩ Nhật Bản trong thời Thế chiến thứ hai. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Trong chuyến viếng thăm đầu tiên tới Papua New Guinea, tân Thủ tướng của Australia đã được 'chào đón' bằng những cuộc biểu tình huyên náo của những người chủ đất sinh sống dọc theo đường mòn Kokoda để bày tỏ sự bất mãn đối với việc Australia chống đối kế hoạch khai thác khoảng sản ở khu vực này.

Đây là phần đất đã xảy ra hàng loạt những trận chiến ác liệt giữa các lực lượng Australia và Nhật Bản hồi năm 1942. Đường mòn Kokoda là một phần quan trọng trong lịch sử của quân đội Australia và chính phủ ở Canberra muốn khu vực này được bảo vệ như một Di sản Thế giới.

Tuy nhiên, những dân làng ở đây muốn những dự án khai thác đồng và vàng ở khu vực này được thực hiện để họ có thể hưởng được những lợi ích tài chánh. Thủ tướng Rudd chống đối các kế hoạch này.

Các nhà quan sát cho rằng ông Rudd, từng hoạt động lâu năm trong ngành ngoại giao, là người có đủ bản lãnh cần thiết để phát huy trong chuyến viếng thăm Papua New Guinea, là nước láng giềng gần nhất của Australia.

Các mối quan hệ giữa Australia và phần đất cựu thuộc địa này đã gặp nhiều căng thẳng trong những năm vừa qua. Thủ tướng trước đây của Australia, ông John Howard, ít khi gặp mặt các giới chức ở Port Moresby. Ông cũng tỏ ý bất bình với điều mà ông cho là sự thiếu quyết tâm của chính phủ Papua New Guniea trong việc bài trừ tham nhũng.

Thủ tướng Kevin Rudd hy vọng chuyến viếng thăm này sẽ là phần khởi đầu của một thời kỳ hài hòa hơn. Thủ tướng Michale Somare cũng nói rằng đây là lúc để thực hiện một sự khởi đầu mới.

Thủ tướng Somare nói: "Mối quan hệ đã bị xuống cấp đôi chút trong một thời gian vì những gì đã xảy ra trước đây. Đó là lúc mà đôi bên không hiểu biết nhau, thiếu sự thông cảm hỗ tương đối với những ý kiến bất đồng của chúng tôi và những ý kiến bất đồng của chính phủ tiền nhiệm ở Australia. Nhưng giờ đây tất cả những sự việc đó đã qua rồi."

Vấn đề môi trường sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận trong chuyến thăm của ông Rudd, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới hoạt động khai thác khoáng sản và gỗ.

Hai nước đã đồng ý bảo vệ những khu rừng nhiệt đới rộng lớn và theo dõi việc khai thác gỗ ở Papua New Guniea.

Về việc này, Thủ tướng Australia cho biết như sau: "Chúng tôi đã trình bày một khung sườn mới để cộng tác với nhau trong lãnh vực này - đó là thực hiện một cuộc đối thoại thường kỳ để bàn về cách thức thúc đẩy nghị trình này tại các diễn đàn thế giới. Ngoài ra, Australia cũng đề nghị trợ giúp kỹ thuật chi việc dùng vệ tinh để theo dõi mức độ bao phủ của rừng."

Phần lớn dân chúng Papua New Guniea sinh sống ở nông thôn trong điều kiện rất thiếu thốn. HIV/Aids là một vấn đề nghiêm trọng bên cạnh các vấn đề như bạo động của băng đảng và nạn tham nhũng.

Sau khi rời Papua New Guniea, Thủ tướng Rudd sẽ đến thăm quần đảo Solomon - một lân bang khác của Australia trong vùng Nam Thái bình dương. Đây là nơi mà năm 2003 Australia đã lãnh đạo một lực lượng đa quốc duy trì hòa bình để chấm dứt vụ giao tranh kéo dài nhiều năm vì lý do sắc tộc.

Chính phủ Australia nói rằng sự can thiệp của họ có mục đích không để cho bất ổn chính trị biến các lân bang này trở thành nơi ẩn náu an toàn của các phần tử cực đoan và những thành phần tội phạm.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG