Đường dẫn truy cập

Pauline Lewis và những chiếc ví xách tay thêu ở Việt Nam


Trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ chiếm một chỗ đứng đặc biệt, vì dân Việt Nam vẩn nổi tiếng là khéo tay và tỉ mỉ. Bà Pauline Lewis, một người Mỹ gốc Malaysia đã tận dụng đưa ưu điểm đó vào cơ sở kinh doanh của mình, nhưng điều đáng quý là người phụ nữ này muốn góp phần vào việc nâng cao mức sống cho phụ nữ Việt Nam. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn bà Pauline Lewis do Minh Phượng thực hiện trong Câu chuyện Phụ nữ sau đây.

Bà Pauline Lewis sinh ở Malaysia và đi du học tại Hoa Kỳ vào năm 1989. Bà đã ở lại đây và kết hôn với một công dân Mỹ, và sau khi bỏ công việc làm công tác điều nghiên tiếp thị vào năm 2004, bà đã mở một công ty riêng có tên là Oovoo. Oovoo tiếng Latinh có nghĩa là trứng. Bà làm việc theo tôn chỉ, 'chế tạo cho phụ nữ và làm bởi phụ nữ'.

VOA: Bà khởi sự quan tâm giúp đỡ phụ nữ tại các nước đang phát triển, nhất là Việt Nam, ra sao?

Pauline Lewis: “Tôi vẫn luôn luôn quan tâm đến các vấn đề phụ nữ Á châu. Như đã nói, tôi sinh ra ở Malaysia, lớn lên tại Malaysia Hong Kong và Singapore. Ngay từ thưở thiếu thời, tôi đã nhận ra sự cách biệt giầu nghèo rất lớn ở châu Á, nhất là đông nam châu Á. Khi tôi khởi sự cơ sở kinh doanh của riêng tôi, tôi đã biết rõ một phần trong sứ mạng của công ty của tôi là thu ngắn khoảng cách biệt về lợi tức tại Đông nam châu Á. Tôi muốn góp phần vào sự phát triển của Đông nam Á, và tôi đã quyết định đi Việt Nam một chuyến xem tôi có thể làm gì và giúp bằng cách nào.”

VOA: Thưa, đó là khi nào ạ?

Pauline Lewis: “Đó là vào năm 2003. Trong chuyến đi đầu có tính cách thăm dò này, tôi đi cùng với một phái bộ thương mại, và đã được mời đi quan sát một hợp tác xã phụ nữ ở miền bắc Việt Nam. Ngay khi tôi bước vào căn nhà nhỏ, nơi có khoảng 8 phụ nữ ngồi quây quần thêu thùa, tôi đã cảm thấy muốn hợp tác với họ, và tìm cách nâng cao mức sinh hoạt của họ. Tôi nghĩ ngay đến một công ty kết hợp sản phẩm thêu bằng tay của phụ nữ Việt Nam đem lại nguồn lợi cho Việt Nam.”

VOA: Trong 2 năm sau đó, tức là 2004 và 2005, bà Pauline Lewis đã trở lại Việt Nam mỗi năm 3 lần, và 2 lần mỗi năm trong 2006 và 2007. Bà giải thích:

“Tôi trở lại nhiều lần để gặp gỡ thêm với phụ nữ Việt Nam và muốn đoan chắc là mức sống của họ được cải thiện.”

Bà Pauline Lewis nhận xét là ở khi hợp tác với người Việt Nam, thì họ muốn mời mình đến nhà, gặp con cái gia đình họ, mời mình ăn uống cho dù họ không có nhiều nhưng vẫn muốn chia sẻ với mình. Bà nói bà cũng trở lại Việt Nam vì chủ trương là công việc sẽ thuận lợi hơn nếu mình gặp trực tiếp đối tác thương mại của mình.

Công ty của bà Pauline Lewis chuyên phân phối ví xách tay thêu ở Việt Nam. Bà nhập các sản phẩm từ Việt Nam; bà hợp tác với một nhà thiết kế ở Việt Nam và giúp vẽ kiểu một số sản phẩm. Tất cả đều làm tại Việt Nam, bà nhập và phân phối cho hơn 500 cửa hiệu ở khắp nước Mỹ.

VOA: Bà có nhận xét thế nào về đời sống tại Việt Nam, nhất là đời sống của phụ nữ Việt?

Pauline Lewis: “Tôi cho rằng cuộc sống ở Việt Nam đang ngày càng khá hơn. Tôi nhận thấy phẩm chất sinh hoạt được cải thiện, nhất là đối với những người sống ở các thành phố lớn. Tôi thấy nhiều xe máy, nhiều điện thoại cầm tay hơn, nhiều nhà cửa mới hơn, so với lần đầu tôi đến Việt Nam... Tất cả đều là các dấu hiệu phát triển nói chung ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn cần phải cải thiện, nhất là ở các vùng nông thôn.”

VOA: Bà có gặp trở ngại gì trong công việc hợp tác với phụ nữ Việt Nam hay không, bà có phải làm nhiều thủ tục với chính quyền không ạ?

Pauline Lewis: “Lúc đầu cũng không phải là dễ dàng. Tôi phải vất vả lắm mới lấy được lòng tin của phụ nữ Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ, 1 là vì tôi không phải là người Việt, cho nên họ không thể hiểu tại sao tôi lại muốn cho họ công việc. Hai là khi tôi yêu cầu những người thợ thêu ở miền bắc hợp tác với một nhà thiết kế và sản xuất ở miền nam thì họ không hiểu được tại sao làm phải làm như thế. Tôi phải bỏ ra rất nhiều giờ đồng hồ để thuyết phục các đối tác thương mại Việt Nam hợp tác với tôi. Nhưng nay thì đã khá hơn, tôi đã được họ tín cẩn, quan hệ đã tốt đẹp hơn khi công cuộc làm ăn tốt hơn.”

Bà Pauline Lewis tỏ ý rất hài lòng về công cuộc làm ăn phát đạt. Bà cảm thấy rất sung sướng vì nó đã đem lại công ăn việc làm cho một số phụ nữ Việt Nam. Dân chúng ở Mỹ rất thích phẩm chất của các sản phẩm thêu tay do phụ nữ Việt Nam làm ra. Các ví xách tay thêu được bán lẻ với giá từ 35 đến 250 đôla tùy theo kích cỡ và phẩm chất vật liệu. Người làm ra sản phẩm được hưởng trên 1 phần tư giá bán lẻ.

VOA: Bà có nghĩ đến việc giúp phụ nữ Việt Nam qua những cách khác hay không?

Pauline Lewis: “Dạ có chứ. Tôi có nghĩ đến những cách khác để giúp phụ nữ tại Việt Nam. Trước tiên, tôi cho là việc trả lương một cách xứng đáng cho sự khéo tay trong các sản phẩm thêu của họ đã là giúp họ rồi. Tôi tin rằng khi dành cho phụ nữ quyền kiếm tiền, thì số tiền đó sẽ được chi dùng cho thực phẩm, giáo dục, và những thứ cần thiết cho con cái họ. Tôi muôán bảo trợ cho những lớp học dành cho phụ nữ ở Việt Nam để chỉ bảo họ về cách chăm sóc trẻ hay các vấn đề tài chính. Ước mơ lớn nhất của tôi là bảo trợ cho một em gái Việt Nam sang học tại Hoa Kỳ. Tôi hy vọng có thể thực hiện việc đó trong 5 năm sắp tới.”

VOA: Cuối cùng, bà muốn nói gì riêng với những người phụ nữ Việt Nam đang theo dõi cuộc phỏng vấn này?

Pauline Lewis: “Nếu được phép nói trực tiếp, tôi sẽ nói rằng: Các bạn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai xán lạn cho Việt Nam. Sự đóng góp của các bạn là cấp thiết cho sự tăng trưởng liên tục trong nền kinh tế quốc gia. Sự cực nhọc ngày nay của các bạn sẽ giúp cho con cháu các bạn được phồn vinh. Tôi mong rằng các bạn cũng hãnh diện về những thành quả của mình như tôi về tất cả những phụ nữ Việt Nam mà tôi đã may mắn được hợp tác. Tôi muốn gửi lời cảm ơn riêng đến những người phụ nữ mà tôi đã gặp tại Việt Nam. Tất cả đã rất tử tế, hào phóng, thân thiện và thực là điều đáng quý khi đến thăm một nước có môi trường nồng nhiệt và hiếu khách như thế. Sau cùng, tôi cũng xin chúc các bạn một năm mới rất mạnh khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.”

VOA: Thay mặt thính giả đài VOA, xin cảm ơn tấm thịnh tình của bà Pauline Lewis và chúc bà nhiều may mắn trong công việc kinh doanh của bà.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG