Đường dẫn truy cập

Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế Giới Lâm Nghị Phu là ai?


Hôm thứ hai vừa qua, Ngân hàng Thế giới loan báo việc bổ nhiệm một chuyên gia kinh tế của Trung Quốc Lâm Nghị Phu, vào chức vụ kinh tế gia trưởng. Đây là lần đầu tiên chức kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới lọt vào tay của một chuyên gia thuộc các nước đang phát triển. Một số các nhà phân tích cho rằng việc bổ nhiệm vừa kể có thể khiến cho mô thức phát triển kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn qua các chương trình tài trợ phát triển của tổ chức tài chánh thế giới này. Một số chi tiết về diễn tiến đáng chú ý này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Thế giới, ông Robert Zoelick hôm thứ hai vừa qua đã loan báo quyết định bổ nhiệm ông Lâm Nghị Phu, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh, vào chức Kinh tế gia trưởng kiêm Phó tổng Giám đốc đặc trách kinh tế học phát triển của Ngân hàng Thế giới. Ông Zoelick nói rằng: với tư cách là một chuyên gia về phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lãnh vực nông nghiệp, ông Lâm Nghị Phu mang lại cho tổ chức tài chánh quốc tế này những tài năng và kinh nghiệm độc đáo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Tân Hoa Xã hôm thứ ba, ông Lâm Nghị Phu nói rằng: kinh nghiệm của Trung Quốc có thể giúp cho Ngân hàng Thế giới tăng cường vai trò của mình trong công tác giảm nghèo. Ông nói thêm rằng để có thể phục vụ tốt hơn cho các nước đang phát triển, Ngân hàng Thế giới cần phải hiểu rõ các nhu cầu và những sự hạn chế của các nước nghèo. Theo ông Lâm, cơ quan phát triển lớn nhất thế giới này theo đuổi một mục tiêu cao quí là giảm thiểu nạn đói nghèo trên toàn cầu, nhưng nếu không có một sự hiểu biết thích đáng về những vấn đề thực tế thì không thể nào đạt được mục tiêu.

Ông Trần Chí Vũ, giáo sư kinh tế học của Đại học Yale ở Mỹ, là một người quen biết lâu năm với ông Lâm Nghị Phu. Ông Trần cho biết rằng sự bổ nhiệm của ông Lâm không làm cho giới kinh tế gia quốc tế ngạc nhiên.

Ông Trần nói: "Trong nhiều năm qua ở Trung Quốc, phần lớn các chủ trương, ý kiến và những cuộc nghiên cứu học thuật của ông Lâm Nghị Phu có tính chất rất gần gũi với những chủ trương của chính phủ. Vì vậy cho nên trong khoảng vài năm trở lại đây, nhiều người đồn đoán là ông sẽ được Bắc Kinh xếp đặt vào những chức vụ cao và có nhiều quyền hành."

Cũng theo lời giáo sư Trần Chí Vũ, sự vận động của chính phủ ở Bắc Kinh và vị thế ngày càng quan trọng hơn của Trung Quốc trên trường quốc tế có lẽ đã góp phần cho ông Lâm Nghị Phu được chọn làm kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới.

Ông Trần nói: "Ông Lâm Nghị Phu là một người rất tốt. Xét về phương diện nhân cách, về tính tình và cách đối xử với người khác, vân vân ..., thì ông ấy là một người rất xuất sắc. Lần này ông được Ngân hàng Thế giới chọn làm Phó tổng giám đốc kiêm Kinh tế gia trưởng, nhiều người nghĩ rằng việc này có liên hệ tới năng lực của ông về học thuật, liên hệ tới các hoạt động của ông như một học giả. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sự việc có lẽ không hẳn là như vậy."

Giáo sư Trần Chí Vũ và một số các nhà phân tích cho rằng việc ông Lâm Nghị Phu giữ chức kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới có thể khiến cho mô thức phát triển của Trung Quốc và Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn. Trong bài diễn văn đọc tại một hộïi nghị kinh tế học ở Đại học Cambridge của Anh hồi tháng 11 năm ngoái, ông Lâm Nghị Phu đã nhấn mạnh đến phương cách tuần tự mà Trung Quốc và Việt Nam đã áp dụng để chuyển đổi từ một nền kinh tế hoạch định sang nền kinh tế thị trường. Ông Lâm nói rằng tuy một số chính sách của Trung Quốc và Việt Nam không hoàn toàn phù hợp với thực tiễn kinh tế thị trường, nhưng hai nước này đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng và lâu dài. Trong khi đó, các quốc gia Đông Âu và Mỹ châu La tinh, tuy đã tiến hành công cuộc tự do hóa kinh tế với tốc độ nhanh hơn, nhưng mức độ phát triển kinh tế lại kém xa Trung Quốc và Việt Nam. Ông Lâm cho biết rằng ông tin là sự chuyển đổi và cải cách có tính chất tuần tự có thể mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế trong lúc ổn định xã hội được duy trì.

Trong lúc tán dương những đóng góp của ông Lâm Nghị Phu cho ngành kinh tế học phát triển, giáo sư Trần Chí Vũ của Đại học Yale cũng bày tỏ một nỗi lo ngại như sau:

"Ông Lâm Nghị Phu chủ trương rằng vấn đề quyền sở hữu tài sản thuộc về quốc gia, thuộc về tập thể, hay thuộc về cá nhân không phải là một vấn đề quan trọng hay có liên quan nhiều tới công cuộc phát triển kinh tế. Tôi nghĩ rằng: nếu ông ấy đem kết luận này du nhập vào Ngân hàng Thế giới, rồi dựa vào chủ trương này để chỉ đạo công tác của ngân hàng trong việc trợ giúp cho các quốc gia đang phát triển, đang cần tới việc cổ xướng cho quyền tư hữu; thì đó sẽ là một diễn tiến bất lợi."

Ông Lâm Nghị Phu, năm nay 55 tuổi, là một người có những trải nghiệm khá ly kỳ. Ông sinh trưởng ở Đài Loan với tên trong khai sanh là Lâm Chính Nghị. Ông từng theo học ngành Kỹ sư Nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Đài Loan và lấy bằng Cao học Quản trị Kinh doanh tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan. Năm 1979, trong lúc đang đi quân dịch và trú đóng ở đảo Kim Môn, ông ôm hai trái banh bóng rổ nhảy xuống biển và bơi 2 cây số để sang Trung Quốc xin tị nạn. Ba năm sau ông lấy bằng Cao học về Chính trị Kinh tế học tại Đại học Bắc Kinh. Sau đó, ông sang Mỹ du học và lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế học năm 1986 tại Đại học Chicago -- là đại bản doanh các nhà kinh tế học thuộc trường phái kinh tế thị trường tự do. Sau khi về lại Trung Quốc năm 1987, ông làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông thôn thuộc Quốc Vụ Viện và giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh từ năm 1994 đến nay.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG