Đường dẫn truy cập

Chính phủ Sri Lanka sẽ rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn với phe Hổ Tamil


Chính phủ Sri Lanka nói rằng họ sẽ rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn với thành phần nổi dậy Tamil vì hiệp định này đã trở nên vô nghĩa. Phái viên Anjana Pasricha tường thuật từ New Delhi rằng việc rút lui này chỉ có tính cách tượng trưng vì hiệp định hưu chiến do Na Uy làm trung gian đã tan vỡ cách đây 2 năm.

Quyết định của chính phủ chấm dứt hiệp định ký kết năm 2002 với thành phần nổi dậy Tamil được đưa ra khi hầu hết mọi người đều nhận thấy thỏa thuận này chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Thông báo vừa kể được đưa ra tối thứ tư sau một cuộc họp giữa các bộ trưởng cấp cao của Nội các.

Thứ trưởng ngoại giao Sri Lanka, ông Palitha Kohona, nói rằng chính phủ miễn cưỡng chấm dứt hiệp định vì nó không đạt được những gì mọi người trông đợi – một giải pháp hòa bình với các thành phần nổi dậy Tamil, thường được gọi với tên tắt là LTTE.

Ông Kohona nói: "Ngay từ lúc đầu người ta chỉ thấy phía LTTE vi phạm hiệp định. Trong vài năm đầu, phe này lợi dụng hiệp định ngừng bắn để tập kết, tái vũ trang, và sau đó trong năm 2005 họ đã thực hiện hàng loạt những vụ tấn công nhắm vào lực lượng của chính phủ. Trên thực tế, hiệp định này không đạt được mục đích."

Cả thành phần nổi dậy lẫn chính phủ đều lên án nhau trong việc tiếp tục tình trạng thù địch. Giao tranh đã bắt đầu diễn ra trở lại không lâu sau khi chính phủ bảo thủ lên nắm quyền ở Colombo, và thành phần nổi dậy tố cáo rằng chính phủ thiếu nghiêm túc trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình. Phe nổi dậy Tamil muốn một vùng đất tự trị cho cộng đồng người Tamil thiểu số ở Sri Lanka.

Trong hai năm qua, những cuộc đụng độ hầu như hàng ngày trên chiến trường, cùng với những vụ ám sát và đánh bom đã giết chết khoảng 5,000 người.

Các nhà phân tích chính trị nói rằng việc chấm dứt hiệp định này sẽ làm gia tăng tình trạng phân cực giữa hai bên. Các nhà phân tích cho là chính phủ, phía có một số chiến thắng quân sự so với phe nổi dậy, muốn đánh bại phe nổi dậy trên chiến trường.

Thứ trưởng Kohona nói những nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc này không nhất thiết là phải gắn liền với việc đàm phán với phe nổi dậy.

Ông Kohona nói: "Một giải pháp chính trị không nhất thiết là phải thực hiện với phe Hổ Tamil. Giải pháp này cần phải xét tới những mối quan tâm của người Tamil và các thành phần thiểu số khác của Sri Lanka."

Các nhà trung gian Na Uy đã bày tỏ sự quan tâm về quyết định chấm dứt hiệp định của chính phủ, gọi đó là 'một diễn tiến nghiêm trọng'. Website của Bộ Ngoại giao Na Uy nói rằng đã có những vụ tấn công thường xuyên và ác liệt từ cả 2 phía, và có mối quan ngại rằng bạo lực và thù địch sẽ leo thang hơn nữa.

Hiệp định hưu chiến Sri Lanka đã nhận được nhiều sự ủng hộ của quốc tế, và làm tăng lên hy vọng về việc chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc đã kéo dài một phần tư thế kỷ ở đất nước này. Tuy nhiên, việc chấm dứt hiệp định này một cách chính thức nghĩa là cuộc nội chiến này có thể còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG