Đường dẫn truy cập

Jerusalem là vấn đề gai góc cho Hội nghị hòa bình Trung Ðông


Nhiều lãnh tụ và đại biểu từ khắp thế giới đang tề tựu về Annapolis, bang Maryland của Hoa Kỳ trong tuần này để tham dự hội nghị tìm hòa bình cho Trung Đông. Một trong những vấn đề gai góc nhất trên nghị trình là qui chế của Jerusalem, một thành phố thiêng liêng đối với cả người Do Thái, người Ki Tô giáo lẫn người Hồi giáo.

Phe tranh đấu cánh hữu của Israel đã tung chiến dịch 'Một Jerusalem', đòi thủ tướng Ehud Olmert không được nhượng bộ trong vấn đề thành phố thiêng liêng tại hội nghị được tổ chức tại Mỹ tuần này. Những người vận động đang phát những giải lụa màu vàng tại các giao lộ, thúc giục người Israel hãy cột những giải lụa này vào xe hơi của họ để bày tỏ sự ủng hộ cho một thành phố Jerusalem nguyên vẹn.

Anh Baruch Segal, một nhân vật tranh đấu, nói rằng đem Jerusalem ra để thương thuyết là một sai lầm tai hại. Anh nói điều mà chính phủ anh đang làm khiến anh thật đau lòng. Chính phủ Israel cho rằng chia cắt Jerusalem có thể đem lại hòa bình, nhưng anh cho hành động đó là một tai họa.

Israel đã chiếm đông Jerusalem, phần đất bao gồm cả khu phố Cổ thiêng liêng, từ tay Jordanie trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Kể từ đó thì người dân Israel đã đưa ra khẩu hiệu rằng Jerusalem sẽ mãi mãi là một thủ đô nguyên vẹn của quốc gia Israel.

Nhưng trong một thay đổi lớn về chính sách, thủ tướng Olmert đã nói rằng ông chuẩn bị giao lại nhiều khu vực của người Ả Rập tại đông Jerusalem về cho quyền kiểm soát của người Palestine.

Theo các cuộc thăm dò công luận thì đa số người Do Thái ở Israel chống lại kế hoạch này, nhưng điều mà người ta ít tiên đoán được hơn, là kế hoạch này cũng lại làm dấy lên những cảm nghĩ phức tạp nơi những cư dân người Ả Rập tại Jerusalem.

Một người Ả Rập trông nom một cửa hàng, tự giới thiệu là Marwan, cho biết ông thích vùng đất này vẫn được đặt dưới quyền cai trị của Israel hơn. Ông cho biết thẩm quyền Palestine chưa thiết lập được một chính phủ ổn định kể từ khi họ bắt đầu cai trị bờ tây và giải Gaza năm 1994.

Theo lời ông Marwan thì sau đó tất cả mọi chuyện đều xuống dốc, và nếu như ai đó hỏi ông rằng ông có thích sống dưới sự cai quản của chính phủ Palestine hay không thì ông sẽ trả lời rằng chưa hề có được một chính phủ Palestine.

Một cư dân Ả Rập khác, anh Younes Matouk, tin rằng người Israel và Palestine cần phải chung nhau vùng đất Jerusalem để mang lại hòa bình. Anh nói phải ngưng tranh giành Jerusalem. Mọi người cần phải ngưng tranh giành vì tương lai của con cháu họ.

Vấn đề gai góc nhất liên quan đến Jerusalem là số phận của khu phố cổ, là nơi có ngôi đền al-Aksa, một địa điểm thiêng liêng đứng hàng thứ ba của Hồi giáo. Đối với người Do thái thì đó là địa điểm của Ngôi Đền Đồi trong thánh kinh, và là địa điểm thiêng nhất của Do Thái Giáo. Người Palestine và thế giới Ả Rập từ lâu vẫn đòi Israel rút quân về đường biên giới năm 1967; và như vậy sẽ buộc Israel từ bỏ khu phố cổ. Nhưng Israel nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG