Đường dẫn truy cập

Ðiểm qua các đề tài tranh luận chính trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ


Dư luận tin rằng đề tài cuộc chiến tranh tại Iraq, quan hệ giữa Mỹ và Iran, và tình hình kinh tế của nước Mỹ sẽ là những yếu tố then chốt trong cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ vào năm tới. Trong loạt bài gồm bốn phần nói về cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 mà chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu, thông tín viên Jim Malone của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ sẽ điểm qua các vấn đề có nhiều khả năng sẽ là những đề tài tranh luận chính trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới.

Nhiều chuyên gia dự đoán Iraq sẽ là đề tài hàng đầu trong cuộc vận động tranh cử năm 2008, tương tự như trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng Thống Bush vào năm 2004.

Giáo sư Allan Lichtman của đại học American University ở thủ đô Washington, một nhà sử học chuyên nghiên cứu về lãnh vực tổng thống và các hoạt động tranh cử, nhận định như sau.

Ông Litchman nói: "Cuộc chiến tranh Iraq sẽ là một vấn đề bao trùm lên tất cả. Bất cứ khi nào có một cuộc chiến tranh, thì cuộc chiến đó sẽ trở thành một đề tài kéo dài suốt một thế hệ. Chắc chắn là trừ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng đến nỗi cuộc chiến tranh không còn nổi lên như một vấn đề quan tâm hàng đầu nữa; và không ai biết chuyện đó sẽ xảy ra hay không."

Nhiều đảng viên Cộng Hòa tin rằng tình hình an ninh đang được cải thiện tại Iraq sẽ có ích cho ứng cử viên đại diện cho đảng này trong cuộc bầu cử vào năm tới. Nhưng giáo sư Litchman thì tin rằng ứng cử viên của Đảng Dân Chủ sẽ có nhiều lợi thế hơn khi nhắm vào số cử tri độc lập để vận động cho cuộc bầu cử vào năm tới.

Ông Litchman nói: "Tình hình trong thời gian qua đã có những cải thiện đối với chính phủ đương quyền, nhưng điều đó chỉ mới tác động đến những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa. Nó hoàn toàn chưa tạo ra một tác động nào đối với những người ủng hộ Đảng Dân Chủ, và chưa tạo được nhiều ảnh hưởng đối với số cử tri độc lập. Và với số phiếu của các cử tri theo Đảng Dân Chủ không thôi sẽ chưa đủ để ứng cử viên của đảng này giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới."

Iraq vẫn là đề tài trọng tâm trong cuộc đua tranh quyền đại diện trong bội bộ Đảng Dân Chủ mà Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng hiện nay.

Các đối thủ của bà Clinton đã chất vấn quan điểm về cuộc chiến tranh Iraq của bà ngay từ ban đầu. Ông Stephen, giáo sư giảng dạy môn chính phủ tại đại học Georgetown ở thủ đô Washington, cho biết như sau.

Ông Wayne nói: "Ở góc độ là một đề tài tranh luận thì điều này chưa được các nhà hoạt động tích cực trong Đảng Dân Chủ cho qua. Còn ở góc độ là một vấn đề nổi cộm trên cả nước thì sự chú ý của dư luận đã giảm chỉ vì lý do là quốc hội thì đang bị chia rẽ, và Đảng Dân Chủ chưa thắng được cuộc bầu cử nào, trong khi dư luận lo rằng không có một cách nào chấm dứt hành động chiến tranh của Tổng Thống Bush. Cách duy nhất để thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh Iraq là chờ cho đến khi có một tổng thống mới."

Iraq, Iran và các chính sách đối ngoại đang thu hút được nhiều sự chú ý trong các cuộc vận động tranh cử, nhất là tại các tiểu bang sẽ diễn ra các cuộc bầu cử sơ bộ sớm như Iowa và New Hamphire. Ông Arthur Sanders, giáo sư môn khoa học chính trị của đại học Drake University ở bang Iowa, cho biết như sau:

"Cuộc chiến tranh Iraq, cuộc chiến chống khủng bố, cuộc đối đầu với Iran liên quan đến vũ khí hạt nhân sẽ là những vấn đề đặt ra trước mắt công chúng và mọi người đều quan ngại về những vấn đề đó. Mỗi khi diễn thuyết trước cử tri, các ứng cử viên sẽ bị chất vấn về những vấn đề đó."

Chính những đề tài này cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại bang New Hampshire. Tuy nhiên những người theo Đảng Dân Chủ cũng đang quan tâm đến việc đề cử một người đại diện có khả năng giành được chiến thắng chung cuộc trong cuộc bầu cử năm 2008.

Ông Dante Scala, giáo sư môn chính trị tại đại học New Hampshire, nói như sau: "Quý vị chú ý về vấn đề Iraq, nhưng Đảng Dân Chủ còn phải chuẩn bị cho những vấn đề khác trên danh sách nữa, chẳng hạn như lãnh vực y tế và sức khỏe. Nhưng giả sử như rốt cuộc các ứng cử viên đều có những quan điểm đại để giống nhau về các đề tài chính, tôi nghĩ dư luận sẽ chú ý đến những yếu tố kế tiếp trên danh sách như cá tính, hoặc quan điểm khi được bầu chọn."

Nhiều chuyên gia cho rằng tập hợp những vấn đề khác nhau hiện nay đang nghiên về chiều hướng có lợi cho Đảng Dân Chủ. Giáo sư Larry Sabato, chủ nhiệm Trung Tâm Chính Trị của đại học bang Virginia, cho biết như sau:

"Đảng Dân Chủ đang có rất nhiều lợi thế, kể cả một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là đảng này chưa cầm quyền trở lại suốt 8 năm liền. Người Mỹ thích có một cái gì đó thay đổi, thường là sau 8 năm, tuy rằng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy. Điểm thứ hai là rõ ràng tổng thống đương nhiệm đang mất đi sự ủng hộ của công chúng, mà nguyên nhân xuất phát không những từ cuộc chiến tranh Iraq mà còn từ những vấn đề khác, chẳng hạn như cách đối phó với trận bão Katrina. Đó sẽ là những yếu tố gây trở ngại cho bất cử ứng cử viên nào của Đảng Cộng Hòa."

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Đảng Cộng Hòa thì cho rằng lợi thế của Đảng Dân Chủ về các vấn đề này có thể bị thay đổi nếu sự chú ý vào cuộc tranh cử chuyển sang đề tài an ninh quốc nội và cuộc chiến chống khủng bố.

Ông John Fortier, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu American Enterprise ở Washington, chuyên theo dõi các diễn tiến chính trị liên quan đến các cuộc tranh cử tổng thống, nhận định như sau:

"Cách thức để Đảng Cộng Hòa có thể tranh thủ được lợi thế là phải chứng minh rằng Đảng Dân Chủ yếu kém hoặc không có kinh nghiệm trong các chính sách ngoại giao nói chung, chứ không riêng vấn đề Iraq và cuộc chiến chống khủng bố."

Vấn đề di dân bất hợp pháp cũng có thể nổi lên thành một đề tài lớn tại cả các cuộc bầu cử sơ bộ lẫn cuộc bầu cử tổng thống. Ông Steffen Schmidt, giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học bang Iwowa, nhận định rằng:

"Di dân là một vấn đề thường nổi lên theo định kỳ, và tôi nghĩ làn sóng ngầm của vấn đề này hiện nay rất quan trọng. Vấn đề này không thấy được cụ thể như những vấn đề thường ngày khác, nhưng qua trao đổi với nhiều nhà hoạt động tích cực, tôi biết rằng vấn đề này cũng rất quan trọng."

Các cuộc thăm dò ý kiến công chúng trên toàn quốc hồi gần đây cho thấy cuộc chiến tranh Iraq, và các vấn đề đáng quan tâm trong nước như lãnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế và công ăn việc làm sẽ là những đề tài đứng đầu sánh sách được cử tri ưu tiên quan tâm trong lúc diễn biến của cuộc tranh cử vào năm tới đang dần diễn ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG