Đường dẫn truy cập

Các hoạt động đáng chú ý của phái đoàn chủ tịch Việt Nam tại New York


H: Thưa anh Duy Ái, hôm nay là ngày thứ ba của chuyến viếng thăm dài 6 ngày của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ. Trong ngày hôm nay, nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ có những hoạt động nào đáng chú ý, thưa anh?

Ð: Thưa chị Minh Phượng, và quí thính giả - như chị và quí vị đã biết, phái đoàn của chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã tới New York vào chiều thứ hai, và ngày hôm qua, người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã có một số những hoạt động thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có việc đến thăm Trung tâm Giao dịch Chứng khoán New York và hội kiến tổng thư ký Ban Ki Moon của Liên Hiệp Quốc.

Hôm nay, theo lịch làm việc, vào lúc 9 giờ sáng ông Nguyễn Minh Triết cùng với các viên chức cao cấp của Việt Nam, trong đó có Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, sẽ đến Đại học New School để dự một cuộc hội thảo do New School và Đại học Harvard đồng bảo trợ. Sau đó họ sẽ đến dự một bữa tiệc trưa tại Hội Á Châu – là một trong các tổ chức học thuật hàng đầu của Mỹ về các vấn đề liên quan tới Á Châu.

H: Thưa anh, Đại học Harvard là một trường rất nổi tiếng mà nhiều người đã biết, nhưng New School là một trường như thế nào, xin anh giới thiệu sơ qua để mọi người thấy được vì sao trường này lại được chọn để tổ chức cuộc hội thảo quan trọng này?

Ð: Thưa chị, New School tuy không nổi tiếng bằng Harvard và cũng nhỏ hơn nhiều, chỉ có khoảng 5 ngàn sinh viên. Nhưng trường đại học thành lập năm 1919 này cũng được nhiều người biết tiếng, một phần là nhờ những người sáng lập, trong đó có triết gia John Dewey, đã chủ trương một đường hướng giáo dục mới để thoát khỏi tình trạng “tháp ngà” của phần lớn các trường đại học thời đó. Đây là một trường đại học có uy tín ở Mỹ trong những ngành học như thiết kế, mỹ thuật, quản trị, và khoa học xã hội.

Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của một chính khách nổi tiếng là cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, danh tiếng của trường đã gia tăng đáng kể. Điều đáng lưu ý là New School đang thực hiện một mô thức giáo dục mới để trang bị cho sinh viên những kiến thức thực dụng và có tính chất liên ngành để giải quyết những vấn nạn phát sinh từ quá trình toàn cầu hóa. Họ cũng chú trọng đến việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia và viên chức chính phủ từ địa phương, quốc gia cho tới quốc tế trong việc soạn thảo giáo trình. Mô thức này đã nhận được sự tán thưởng của nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà lãnh đạo ở Châu Á; và New School đã có nhiều hoạt động giao lưu hợp tác với Trung Quốc, Aán độ và Việt Nam.

Hiệu trưởng Bob Kerrey từng là sĩ quan hải quân tham chiến tại Việt Nam và cũng là một trong chính khách nổi tiếng của Mỹ cổ xướng cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Những điều đó có lẽ là lý do để New School đứng ra tổ chức cuộc hội thảo lần này với sự tham dự của chủ tịch Nguyễn Minh Triết.

H: Trong các tuyên bố chính thức, phía Việt Nam cho biết chuyến viếng thăm của chủ tịch Nguyễn Minh Triết đặt trọng tâm vào lãnh vực thương mại và đầu tư. Nhưng các cuộc thảo luận và gặp gỡ của ông trong ngày hôm nay dường như xoay quanh các vấn đề liên quan đến giáo dục, phải không anh?

Ð: Thưa chị, quả là như vậy và đây là một điều rất đáng mừng. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, giáo sư Tom Valleley của Đại học Harvard có cho biết cảm tưởng như sau về việc này.

Giáo sư Valley nói đại ý rằng quả là một điều lý thú khi thấy vị chủ tịch nước của Việt Nam đến Mỹ và ra sức vươn tới những khía cạnh khác trong cộng đồng ởû Mỹ chứ không phải chỉ chú tâm vào một vấn đề duy nhất là công cuộc làm ăn mua bán mà thôi.

H: Trong thời gian vừa qua, báo chí trong nước vẫn thường đề cập tới việc làm sao để Việt Nam có được những trường đại học có tầm cỡ quốc tế. Phải chăng cuộc thảo luận ở New School hôm nay có liên quan tới việc này, thưa anh?

Ð: Thưa chị, đúng vậy. Và nhiều người cũng hy vọng rằng với sự trợ giúp của các trường đại học và chính phủ Mỹ, Việt Nam sẽ nhanh chóng có được những viện đại học thật tốt để đào tạo một thế hệ trí thức mới có khả năng đáp ứng với nhu cầu phát triển của đất nước và giải quyết những vấn nạn phát sinh từ toàn cầu hóa.

H: Lúc nãy anh có đề cập tới cuộc hội kiến giữa chủ tịch Nguyễn Minh Triết với tổng thư ký LHQ. Xin anh cho biết thêm một số chi tiết về cuộc gặp gỡ này.

Ð: Thưa chị, cuộc họp giữa ông Nguyễn Minh Triết với ông Ban Ki Moon đã diễn ra tại trụ sở LHQ vào lúc 4 giờ chiều thứ 3. Theo lời một phát ngôn viên của LHQ, tại cuộc họp này ông Ban Ki Moon đã tỏ ý chúc mừng Việt Nam xúc tiến thành công kế hoạch One UN, tức là Một LHQ. Đây là kế hoạch cải cách do cựu tổng thư ký Kofi Annan đề xướng nhằm tập hợp làm một các cơ quan, tổ chức và chương trình của LHQ tại một nước để giảm thiểu chi phí và gia tăng hiệu suất; và Việt Nam đã được chọn làm nước đầu tiên ở Á Châu thực hiện kế hoạch này.

Ông Nguyễn Minh Triết và ông Ban Ki Moon đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm việc Việt Nam chuẩn bị trở thành hội viên phi thường trực của Hội đồng Bảo an vào năm tới và các vấn đề bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, và tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

H: Sau các cuộc thăm viếng ở New York hôm nay, phái đoàn chủ tịch Nguyễn Minh Triết sẽ đến Washington phải không anh?

Ð: Thưa chị, đúng vậy. Tối hôm nay phái đoàn Việt Nam sẽ rời New York để chuẩn bị cho những cuộc gặp gỡ các giới chức chính phủ Mỹ ở Washington, với cao điểm là cuộc họp thượng đỉnh tại Tòa Bạch Ốc vào ngày thứ sáu.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG