Đường dẫn truy cập

ASEAN sắp đạt thỏa thuận về vấn đề người lao động nhập cư


Khối ASEAN sắp đạt được thỏa thuận về việc làm thế nào để bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của hàng triệu người lao động nhập cư trong lúc nhiều tổ chức nhân quyền và đoàn thể lao động kêu gọi các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Philippin nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao mức lương và cải thiện điều kiện lao động của những người phải rời bỏ quê hương để mưu sinh ở nước ngoài.

Theo các giới chức tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12 đang diễn ra tại Philippin, vấn đề lao động nhập cư là một trong những vấn đề quan trọng của nghị trình thảo luận và một văn kiện có tên “Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của người lao động nhập cư” sẽ được các nhà lãnh đạo vùng Đông Nam Á ký kết trong vài ngày tới đây.

Thứ trưởng ngoại giao Esteban Conejos, người đại diện của Philippin tại cuộc thảo luận này, cho báo chí biết rằng: tuy còn có ý kiến bất đồng về một số ngôn từ trong bản tuyên bố -- liên quan tới vấn đề quyền lợi của vợ chồng con cái của lao động xuất khẩu, nhưng ông tin là vấn đề sẽ được giải quyết kịp thời để bản tuyên bố được ký kết vào cuối tuần này.

Trong cuộc phỏng vấn chiều thứ sáu dành cho đài VOA, Tổng thư ký ASEAN, ông Ong Ken Yong cũng tỏ ý hài lòng về sự đồng thuận đạt được qua các cuộc thảo luận. Ông cho biết rằng tuyên bố này là một trong các tuyên bố sẽ được ký kết tại hội nghị Cebu. Ông nói thêm như sau:

Qua tuyên bố này chúng tôi bày tỏ quyết tâm là bảo vệ cho người lao động nhập cư, làm thế nào để tránh cho họ khỏi bị ngược đãi. Chúng tôi nhấn mạnh tới những nhu cầu về mặt luật pháp của các nước liên hệ, cả nước tiếp nhận lẫn nước xuất khẩu lao động. Đây là một văn kiện rất tốt bởi vì từ trước tới nay chúng tôi không có văn kiện nào như vậy cả. Trong tuyên bố này chúng tôi khẳng định các nguyên tắc chung và đề cập đến những hành động cần thực hiện. Sau đó các giới chức lao động của các nuớc sẽ họp định kỳ để duyệt xét xem những chính sách lao động đã được thực thi như thế nào.

Ông Ong Ken Yong cho hay tuyên bố này là sáng kiến của tổng thống Gloria Arroyo của Philippine, là nước có đến hơn 8 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số, làm việc ở nước ngoài. Ông cũng tỏ ý tán dương chính phủ Indonesia là đã có những suy tính về lâu về dài và có thái độ mềm dẻo hơn để giúp cho ASEAN đạt thỏa thuận quan trọng này. Khi được hỏi chừng nào những công nhân nhập cư mới hưởng được lợi ích thật sự từ tuyên bố Cebu, vị tổng thư ký của ASEAN trả lời như sau:

Đây là một bước khởi đầu và trên cơ bản thì chúng tôi khẳng định rằng người lao động cần được đối xử công bằng và nhân phẩm của họ cần được tôn trọng. Chúng tôi sẽ tìm ra những chính sách khả thi để đạt được mục tiêu. Các giới chức sẽ thảo luận thêm và có thể sẽ có được những hiệp định cụ thể hơn.

Nhà lãnh đạo ASEAN cho biết như thế trong lúc nhiều tổ chức nhân quyền nói rằng công sức của hàng triệu lao động nhập cư từ các nước ASEAN là xương sống của nền kinh tế ở nhiều quốc gia nhưng lại bị đối xử rất tàn tệ, không khác gì những nô lệ dưới thời phong kiến. Họ yêu cầu các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thức rằng: con người không phải là món hàng trong công cuộc trao đổi thương mại quốc tế.

Philipin cùng với Indonesia và Việt Nam là 3 nước ASEAN có số người đi lao động nước ngoài nhiều nhất trong khu vực. Các nước này đòi hỏi những nước tiếp nhận trả lương cho lao động nhập cư ngang với mức lương của lao động bản địa và cải thiện điều kiện lao động như có chỗ cư trú tử tế, tránh bị ngược đãi lường gạt bởi các công ty môi giới, ngăn chận tệ nạn buôn người và nạn mại dâm.

Trong khi đó, 4 nước ASEAN tương đối thịnh vượng hơn, là Singapore, Malaysia, Brunei, và Thaí Lan, là những nước tiếp nhận lao động nhập cư. Theo lời các giới chức hội nghị Cebu, các nhà lãnh đạo sẽ ra sức thỏa hiệp để bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư và đồng thời cũng giải quyết sự quan tâm của các nước tiếp nhận đối với những tác động kinh tế xã hội của khối người đông đảo này.

Bên cạnh tuyên bố về lao động nhập cư, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến đưa ra 4 tuyên bố khác, gồm có Tuyên bố về đường lối tiến tới một cộng đồng lo lắng chia sẻ với nhau, Tuyên bố về Phác thảo của Hiến Chương ASEAN, Tuyên bố về tăng tốc thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015, và Tuyên bố về an ninh năng lượng Đông Á.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG