Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ Tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam về Nhân Quyền có trụ sở tại Paris


Song song với các hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam của những người ở trong nước, nhiều người Việt hải ngoại quan tâm đến vấn đề dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đóng góp vào công cuộc tranh đấu này trong nhiều lãnh vực khác nhau. Một trong các nhân vật đó là luật sư Trần Thanh Hiệp, người từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Nam trước năm 1975, và hiện nay là Chủ Tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam về Nhân Quyền có trụ sở tại Paris. Ông cũng là tác giả của nhiều bài khảo cứu và bình luận về nhân quyền và thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Trần Nam đã có dịp tiếp xúc với luật sư Trần Thanh Hiệp để tìm hiểu về các hoạt động này nhân chuyến viếng thăm mới đây của ông tại Hoa Kỳ, và ghi nhận một số chi tiết sau đây:

Luật sư Trần thanh Hiệp sinh năm 1927 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Công Pháp, Đại Học Aix Marseille và Cao Đẳng Chính Trị Học, Đại Học Paris II. Ông từng là luật sư Tòa Thượng Thẩm Saigon và Tòa Thượng Thẩm Paris.

Sau năm 1975, ông định cư tại Pháp, và từng là chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Hải Ngoại trong nhiều năm. Trong vai trò này ông đã cùng Văn Bút Quốc Tế đấu tranh để cho nhiều văn nghệ sĩ được trả tự do. Luật sư Trần Thanh Hiệp mô tả công việc mà ông đang thực hiện với tư cách là chủ Tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam về Nhân Quyền có trụ sở tại Paris:

LS TRẦN THANH HIỆP: Công việc chính của chúng tôi là nghiên cứu về luật quốc tế về nhân quyền rồi phổ biến những quy phạm về nhân quyền cũng như là về chính sách áp dụng nhân quyền, thăng tiến nhân quyền của luật quốc tế, và giúp tất cả các tổ chức, hội đoàn của người Việt đang tranh đấu cho nhân quyền để hỗ trợ cho cuộc tranh đấu dân chủ hóa Việt Nam ở trong nước. Và thứ hai là chúng tôi đang cùng một số anh em tại Paris và các nơi khác ấn hành một tạp chí văn hóa, chính trị, khoa học mang tên là viễn tượng Việt Nam chú trọng về mặt nghiên cứu tư tưởng chính trị và ấn hành một năm hai lần.

VOA: Xin luật sư cho biết mục đích chuyến đi Hoa Kỳ lần này của luật sư?

LS TRẦN THANH HIỆP: Thưa lần này chúng tôi trở lại nước Mỹ để tiếp xúc với các tổ chức tranh đấu cũng như gặp lại các bạn bè tranh đấu của chúng tôi từ năm 1975 đến nay ở môi trường hải ngoại. Sở dĩ chúng tôi phải đi Mỹ vì chúng tôi nhận thấy rằng chỉ có cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ là có đầy đủ điều kiện hơn tất cả các nơi khác để mà hỗ trợ cho cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam. Chúng tôi chỉ làm công việc hiện thời là nhận định xem đã có những yếu tố mới nào trong tư tưởng chính trị Việt Nam hiện đại, và thứ nhất là những yếu tố mới đó có phải là những yếu tố có tính cách quyết định trước tình hình hiện thời của cộng đồng. Chúng tôi nhận thấy rằng một khi cộng đồng đã có những hiện tượng mới ấy thì tư tưởng chính trị cũng phải thay đổi theo chiều hướng mới.

VOA: Thưa luật sư, những sự kiện, những thay đổi mà luật sư vừa trình bày là những thay đổi gì và nó có ảnh hưởng như thế nào đến công cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam?

LS TRẦN THANH HIỆP: Tôi nghĩ rằng nếu cộng đồng người Việt ở hải ngoại, với cái sự thành hình mới, tức là có thêm những sức sống mới ở thế hệ trẻ để dần dần thay thế tiếp tay cho thế hệ trung niên, và thế hệ trung niên cần phải sẵn sàng thay thế cho những người tranh đấu cao tuổi giai đoạn 75 thì cái sự hình thành mới của một cộng đồng mới như vậy, đối với tôi, là một bộ phận tranh đấu về 2 mặt, đi tiên phong về mặt tư tưởng chính trị và hỗ trợ về mặt văn hóa, kinh tế, tài chính cho công cuộc vận động đổi mới dân chủ ở trong nước hiện nay, vốn cũng rất là khó khăn dưới chính sách đàn áp khốc liệt của chính quyền Hà Nội. Nếu tư tưởng chính trị Việt Nam ở môi trường hải ngoại mà có thể là sức mạnh về tinh thần có khả năng giúp cho công cuộc vận động dân chủ mới ở trong nước được đẩy mạnh thì tôi nghĩ rằng đó là một sự đóng góp của cộng đồng ở hải ngoại cho việc viết những trang sử mới cho dân tộc của chúng ta ở trong nước.

VOA: Thưa luật sư, những tư tưởng chính trị mà luật sư vừa trình bày có những điểm nào tương đồng hay khác biệt với những tư tưởng của những người ở trong nước đang tranh đấu cho mục tiêu dân chủ và nhân quyền hiện nay?

LS TRẦN THANH HIỆP: Tôi nghĩ rằng trước tiên là tư tưởng ở trong nước và tư tưởng ở hải ngoại của người Việt đều đặt trên một nền tảng chung, đó là dân tộc, nhưng trình độ phát triển của tư tưởng đó thì có khác nhau bởi vì đồng bào ở trong nước bị sống trong một cái khung cảnh bưng bít còn ở hải ngoại thì đồng bào của chúng ta được tiếp xúc với mọi nguồn tư tưởng mới thì theo tôi nghĩ hiện nay bây giờ ở trong nước và ở ngoài nước cần phải đi đến một sự thức tỉnh rằng cái xã hội cũ đã có thời coi nó là mới là xã hội kỹ nghệ thì trước trào lưu tiến hóa đang chuyển thành xã hội gọi là xã hội thông tin nếu mà muốn xây dựng một nước Việt Nam tương lai thì chúng ta phải chuẩn bị và tạo ra những điều kiện để chuyển hóa tư tưởng của thời đại cũ thành ra tư tưởng chỉ đạo của thời đại mới, đó là một xã hội thông tin, và xã hội thông tin đó sẽ dựa trên một nền kinh tế mà người ta vẫn gọi là kinh tế tri thức, chứ không còn là kinh tế bằng bắp thịt, hay có thể là bằng năng lượng như giai đoạn cũ. Tôi nghĩ rằng tư tưởng của người Việt được tiếp thu ở môi trường hải ngoại sẽ bổ sung cho tư tưởng của đồng bào chúng ta ở trong nước đang bị bưng bít kềm kẹp bởi những ý thức hệ đã lỗi thời Mác Lê.

VOA: Thưa luật sư, nói đến vấn đề kinh tế, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, và nền kinh tế mà họ gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đó có phải là một sự cởi mở của nhà cầm quyền Cộng Sản, ít ra là về mặt kinh tế, hay không?

LS TRẦN THANH HIỆP: Đương nhiên mỗi khi những người cầm quyền Cộng Sản không bưng bít được xã hội phải mở cửa ra đón nhận, tất nhiên kinh tế thì trường có ảnh hưởng đến nền kinh tế gọi là chỉ huy và tập trung ở trong nước. Nhưng tại sao lại gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa? Đó chỉ là sự chấp nhận nửa vời kinh tế thị trường, đưa ra những giới hạn để cho nền kinh tế thị trường đó chỉ được phát triển trong phạm vi cần được bảo vệ chế độ, một chế độ không phải chủ trương thị trường tự do mà là chế độ kinh tế chỉ huy và chỉ huy trong cái mức độ là làm thế nào cho phát triển ở ngoại vi để mà củng cố.

VOA: Thưa luật sư, trong thời gian gần đây một số nhà lập pháp tại Hoa Kỳ đã vận động để Việt Nam có thể gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vì họ cho rằng giúp Việt Nam mở mang kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc vận động dân chủ, luật sư nhận xét như thế nào về quan niệm này?

LS TRẦN THANH HIỆP: Tôi nghĩ rằng quốc tế đi theo đường lối khuyến khích những chính quyền độc tài là một chính sách mà theo tôi nghĩ là đã có từ sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt đến nay. Đó là cái đường lối phát triển của cộng đồng quốc tế vì cộng đồng quốc tế dù sao cũng không thể can thiệp vào nội bộ của các dân tộc nhưng những người chính ở trong dân tộc như người Việt Nam chẳng hạn thì một mặt rất hoan nghênh đường lối khuyến khích của quốc tế nhưng mặt khác phải có sự nghiệp đấu tranh để ngăn cản những mầm mống, những cơ cấu tại bản địa để cùng hòa nhập với lại đường lối khuyến khích của quốc tế. Tôi nghĩ rằng phải có 2 mặt để kết hợp với nhau, chứ một dân tộc không thể hoàn toàn trông cậy vào quốc tế để giải quyết những vấn đề của chính xã hội mình.

VOA: Thưa luật sư, với tư cách chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam về Nhân Quyền, luật sư nhận xét về thực trạng nhân quyền như thế nào tại Việt Nam?

LS TRẦN THANH HIỆP: Tôi nghĩ rằng đó là một câu hỏi có tính cách thời sự và mình phải trả lời một cách khách quan. Trước tiên có 2 xu hướng. Bây giờ sự đàn áp nhân quyền tại Việt Nam đã bớt khốc liệt hơn trước, thì ta phải coi đó là những tiến bộ. Một xu hướng khác thì lại nói rằng ta không thể coi đó là tiến bộ được vì chính sách nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội vẫn là chính sách đi ngược lại với những qui định của quốc tế về nhân quyền. Theo tôi thì tôi thiên về ý kiến thứ hai vì rằng nếu ở vào địa vị trung tâm nhân quyền của chúng tôi mà cần phải làm một công việc gì thì đó không phải là công việc cấp những chứng chỉ hạnh kiểm tốt cho một chính quyền độc tài mà luật pháp căn bản vẫn là luật pháp đàn áp nhân quyền cho nên nếu trước áp lực quốc tế dư luận quốc tế, chính quyền Hà Nội cần phải có những nhượng bộ về việc áp dụng cách đàn áp theo chiều hướng giảm nhẹ thì mặt khác, chúng ta phải tiếp tục đòi hỏi rằng chúng ta không đòi hỏi chính quyền Hà Nội phải thực hiện ngay một nền dân chủ lý tưởng như chúng ta nhưng chúng ta cần phải đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải tôn trọng và thi hành tất cả những nghĩa vụ gì mà chính quyền đó đã ký kết trên bình diện quốc tế từ năm 1982 đến nay.

VOA: Cám ơn luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ Tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam về Nhân Quyền, trụ sở tại Paris đã dành cho Đài chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG