Đường dẫn truy cập

Ðại sứ Hoa Kỳ Michael Marine: Việt Nam có tiến bộ


Trong tuần qua, đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine đã có mặt tại Washington để thảo luận với các nhà làm luật tại Quốc Hội về vấn đề Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Ông cũng yêu cầu các nhà làm luật phê chuẩn Quy Chế Quan Hệ Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn đối với Việt Nam, tức là quy chế mà Việt Nam cần có để gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Nhưng vấn đề kinh tế không phải là đề tại duy nhất mà nhà ngoại giao Hoa Kỳ này đã nói với Trưởng Ban Việt Ngữ Michael Mathes, như quý vị sẽ nghe trong bài tường trình sau đây:

Sau những ngày làm việc với Quốc Hội, đã đến lúc Đại Sứ Michael Marine gặp các đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Đó là buổi tối thứ Năm tại tư gia bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, một nhà hoạt động dân chủ.

Đại Sứ Marine nói với cử tọa ông hài lòng với việc kết thúc cuộc đàm phán song phương mới đây để Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, hay WTO . Nhưng ông nói rằng về các mặt khác, sự thay đổi tại Việt Nam đến quá chậm so với sự mong đợi của ông. Ông và các giới chức khác của chính phủ Hoa Kỳ vẫn hối thúc Hà Nội thả tù chính trị và nới rộng các quyền tự do cá nhân. Ông nói rằng đã có tiến bộ trong mối quan hệ này nhưng ghi nhận rằng việc giam giữ một số tù vẫn còn là một nguồn gây va chạm.

Tôi ước gì có thể nói với quý vị rằng người này hay người nọ sẽ được trả tự do vào ngày đó ngày đó, và tôi mong chuyện ấy xảy ra vào ngày mai, nhưng tôi không thể làm như thế được. Đây là chuyện nằm trong tầm tay của Nhà chức trách Việt Nam. Chúng tôi có thể khuyến khích để phóng thích một số người mà chúng tôi tin đã bị giam giữ vì hoạt động chính trị hay tôn giáo. Đây là một nhóm rất nhỏ. Con số này rất ít. Không nhiều tí nào. Con số hiện nay ít hơn cách đây một năm. Chúng tôi tiếp tục động viên để họ được trả tự do càng sớm càng tốt.

Đại sứ Marine nói rằng có một lĩnh vực mà điều kiện đã cải tiến, đó là tự do tôn giáo, nhất là đối với các nhóm thiểu số theo đạo Ky-tô:

Bất kỳ ngày chủ nhật nào, tôi cũng có thể đưa quý vị đi đến bất kỳ tỉnh nào của Việt Nam và quý vị sẽ thấy người theo đạo Ky-tô được hành xử đức tin mà không bị ai quấy nhiễu. Điều đó khó lòng xảy ra cách đây 5 năm, có lẽ ngay cả 2 năm trước đây cũng vậy. Vì thế, đây là một tiến bộ.

Đại sứ Hoa Kỳ nói rằng quyền bày tỏ tư tưởng cũng có tiến bộ, ví dụ đã có tranh luận trên Internet và trên báo chí nhà nước về bản báo cáo trước khi có Đại Hội 10. Một số bài tranh luận trong thời gian đó cho thấy những lời khen đối với đảng cộng sản đã bớt đi, một dấu hiệu mà ông cho rằng Hà Nội đã tỏ cho thấy là họ đã linh hoạt hơn. Thế nhưng ông nói:

Vẫn còn nhiều việc cần làm. Bao lâu mà nhân dân Việt Nam chưa có quyền tụ tập một cách tự do, nói năng một cách tự do, thì vẫn còn những việc phải làm về nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng tôi không muốn liên hệ điều tôi nói với lập trường cho rằng những gì đã làm để đạt thỏa thuận cho Việt Nam gia nhập WTO có nghĩa là làm ngơ vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Không hẳn là như thế. Đó là điểm chú ý quan trọng của chúng tôi.

Ông Đại sứ cũng mạnh mẽ nhắc đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt cùng các nỗ lực của cộng đồng này để cải thiện cuộc sống nơi quê cha đất tổ, nhưng ông nhấn mạnh rằng khi nào có giao tiếp xây dựng với Việt Nam thì khi đó mới mang lại hiệu quả nhất.

Nếu họ cứ đứng bên ngoài hò hét những người bên trong, có lẽ họ sẽ không chú ý nhiều đối với những gì chúng ta phải nói. Điều mà tôi mong thấy là có thêm người bên trong tham gia những cuộc đối thoại có ý nghĩa, có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể.

Luật sư Trần Thái Văn, Dân Biểu của tiểu bang California, và là một trong những giới chức dân cử cao cấp nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nói rằng ông hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ chứng tỏ ý chí chính trị, và sự dũng cảm cần thiết để mang lại các thay đổi vượt quá các tiến bộ kinh tế.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG