Đường dẫn truy cập

Việt Nam phản đối các sắc thuế mới của EU chống bán phá giá đánh trên giầy dép xuất khẩu


Trong bài tường thuật từ Hà Nội, phái viên Matt Steinglass của đài VOA ghi nhận Việt Nam đang phản đối các sắc thuế mới chống bán phá giá, đánh trên giầy dép xuất khẩu của Việt Nam.

Các sắc thuế mới này do ủy viên thương mại của Liên Hiệp Châu Âu áp đặt trong tháng trước đối với giầy dép của Việt Nam và Trung Quốc vì cho rằng các mặt hàng này được bán phá giá trên thị trường Châu Âu.

Trong 5 năm vừa qua, các nhà sản xuất giầy dép của Trung quốc và Việt Nam đã đè bẹp các đối thủ cạnh tranh Âu châu. Lượng giầy dép châu Âu nhập của Việt Nam tăng gấp đôi trong thời gian từ 2001 đến 2005, còn lượng giầy dép nhập từ Trung Quốc tăng tới 1000%. Trong khi đó số lượng sản xuất của Liên hiệp Châu Âu sụt 30%. Liên hiệp Châu Âu nói rằng 40000 công nhân trong ngành giầy dép ở Châu Âu đã thất nghiệp.

Liên hiệp Châu Âu cho rằng phần lớn giầy dép của Trung Quốc và Việt Nam được sản xuất nhờ trợ cấp bất hợp pháp của nhà nước. Ông Felipe Sureda, đại diện thương mại của Liên hiệp Châu Âu tại Hà Nội, nói rằng các công ty Việt nam được nhà nước cho thuê đất với giá thấp hơn giá thị trường để xây các nhà máy và được hưởng nhiều trợ cấp khác.

“Có những khoản nợ cho vay không lấy lời, được sự hỗ trợ của các ngân hàng nhà nước. Có những khoản trợ cấp xuất khẩu bị Tổ chức Thương mại Thế giới cấm.”

Tuần trước, Ủy viên thương mại Châu Âu đã ấn định các sắc thuế 16. 8 % đối với giầy dép Việt Nam để bù trừ cho những khoản trợ cấp bị cáo buộc đó.

Hội Giầy Da Việt Nam phủ nhận việc công nghệ giầy dép được nhà nước trợ cấp. Các giới chức trong hội nói rằng lý do khiến giầy dép của Việt Nam rẻ là vì lương nhân công thấp.

Hội nói rằng các sắc thuế có nguy cơ làm từ 70000 đến 90000 công nhân thất nghiệp. Một trong các công nhân này là bà Phí Thị Bổn, giám thị tại công ty gìay dép Đông Anh ở ngoại vi thủ đô Hà Nội

Là một công nhân kỳ cựu, bà Bổn được lãnh khoảng 75 đôla một tháng; các công nhân mới vào làm thì có thể được lãnh tới 50 đôla nếu họ chịu khó làm 60 giờ một tuần hay hơn nữa.

Đó là những mức lương vừa phải theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng chỉ bằng một phần nhỏ lương của các công nhân ở Châu Âu.

Ông Nguyễn Hồng Chương là phó giám đốc công ty giầy Đông Anh. Ông cho rằng các sắc thuế của Liên hiệp Châu Âu là một sai lầm.

“Tôi nghĩ các sắc thuế này là sai, bởi vì chúng tôi chỉ thực hiện các đơn đặt hàng của khách ở Châu Âu. Họ gửi nguyên vật liệu cho chúng tôi.”

Ông Chương nói rằng thu nhập chính của nhà máy là lao động, và mức lương thấp là lý do giúp công ty của ông có thể cạnh tranh với Châu Âu. Nếu áp dụng các sắc thuế mới, ông nghĩ rằng công việc sản xuất sẽ rời ra khỏi Việt Nam, nhưng không phải trở về Châu Âu, mà là qua một số nước khác trong khối ASEAN, như Indonesia, Thái Lan hay Lào.

Bên trong nhà máy giầy Đông Anh, những miếng da và plastic đã được uốn thành hình chất đống cạnh các máy may. Các nguyên vật liệu mang các nhãn hiệu của Châu Âu như Diadora và Le Coq Sportif. Bà Phí Thị Bổn lo lắng về công ăn việc làm của mình và không tỏ ra đồng cảm với các công nhân làm giầy của Châu Âu bị mất việc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG