Đường dẫn truy cập

Các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Việt Nam


Lần thứ nhì trong một thập niên, các nhà đầu tư lại đổ xô đến Việt Nam do sức thu hút của những tin tức hấp dẫn về lực lượng lao động rẻ mà lại cần cù, có học, và sự tăng trưởng kinh tế năng động của nước này.

Bài nhận định của thông tấn xã AFP nhắc lại rằng cách đây 10 năm, nhiều công ty nước ngoài đã bị vỡ mộng khi nhận ra rằng con cọp mới nhất ở châu Á còn phải đổi lớp da vằn kinh tế chỉ huy, ngay cả trước khi sự hồ hởi bị dập tắt bởi vụ khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997.

Lần này, người ta lại nghe nói về một “Tiểu Trung Quốc,” một địa điểm đầu tư thay thế cho đại cường phía bắc, với một chính phủ đang tăng tốc các cải cách trong cố gắng được thu nhận vào WTO năm nay.

Tại Diễn đàn của các nhà đầu tư ở Hà Nội tuần trước, chủ tịch Hội đồng thương mại Việt- Mỹ, bà Virginia Foote nói rằng, cách đây 10 năm, đã có các công ty vây quanh Việt Nam, một số ở lại, nhiều công ty đã bỏ đi. Bầu không khí nay cũng hơi giống như thế.

Đã có nhiều biến chuyển kể từ thập niên 1990, khi Việt Nam mở cửa cho thế giới bên ngoài. Hoa Kỳ đã bãi bỏ lệnh cấm vận năm 1994, và hai nước cựu thù đã ký một hiệp định thương mại năm 2000, khởi động sự tăng vọt lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Vùng châu thổ sông Mekong ở miền nam, chiến địa đẫm máu trong thế hệ trước, nay đã trở thành một khu công nghiệp rộng lớn, nơi đại công ty điện toán Intel đang mở một nhà máy giữa mấy trăm xưởng sản xuất hàng dệt may, giầy dép và đồ điện tử.

Trong những năm gần đây, kinh tế tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm, và đầu tư trực tiếp nước ngoài bình quân trong dân số 82 triệu này lớn hơn so với Trung quốc trong năm ngoái.

Đến tháng 11 năm nay, Việt Nam sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh thường niên APEC quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có cả tổng thống George W. Bush của Hoa Kỳ.

Theo bà Foote, sự đánh giá về vị trí của Việt Nam lần này đã khác đi. Các công ty đến thăm dò với dự tính sẽ ở lại.

Diễn đàn các nhà đầu tư kỳ này có sự tham dự của hơn 1 ngàn đại biểu từ 22 quốc gia. Một trong các diễn giả là ông John Shrimpton thuộc quỹ đầu tư Dragon Capital có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông Shrimpton ca ngợi mức độ quan tâm của các nhà đầu tư chưa từng có từ trước đến nay.

Viện dẫn số người muốn tìm hiểu về đầu tư tại Việt Nam tăng từ 1 người mỗi tháng đôi lúc lên đến 3 người mỗi giờ đồng hồ, ông Shrimpton tán dương tính năng động của Việt Nam, nơi số công ty tư nhân mới đã tăng từ 100 công ty mỗi năm hồi 1980 lên tới 38 ngàn trong năm 2005.

Chủ tịch và tổng giám đốc ngân hàng HSBC tại Việt Nam, ông Alan Cany liệt kê những điểm hấp dẫn chính của Việt Nam là lao động có chất lượng cao mà rẻ, chính trị và kinh tế ổn định và địa điểm tốt.

Ông Vũ Tiến Lộc, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết Việt Nam sẽ nối liền Trung quốc và ASEAN, với thị trường 2 tỷ người.

Giám đốc công ty Nike ở Việt Nam, bà Amanda Tucker cho biết công ty sản xuất đồ thể thao này đã chọn Việt Nam một phần bởi lẽ không muốn đặt hết những quả trứng vào cái giỏ Trung quốc.

Tuy nhiên, bà Tucker cảnh báo rằng Việt Nam cần phải thực thi nhiều cải cách chỉ có trên giấy tờ bằng các biện pháp chống nạn đánh cắp tác quyền, cải thiện việc kiểm tra các công ty và dành một sân chơi công bằng cho các công ty nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG