Đường dẫn truy cập

Chiến lược giải kết khỏi Iraq


Hơn 30 năm kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cuộc chiến này dường như vẫn còn tiếp tục ám ảnh các nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ, nhất là trong khi số binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng tại Iraq càng ngày càng cao. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ, trong đó có người đã tích cực ủng hộ cuộc tấn công Iraq trước đây, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ rút quân về nước để tránh 1 sự sa lầy như tại Việt Nam. Tuy nhiên làm thế nào để bảo đảm được một nước Iraq dân chủ và ổn định sau khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Iraq vẫn còn là một đề tài gây nhiều tranh cãi giữa những người ủng hộ và chống đối. Sau đây là một số chi tiết đáng chú ý liên quan đến những lời kêu gọi triệt thoái, vào lúc mà Văn Khố Hoa Kỳ phổ biến một số tài liệu được giải mã liên quan đến chiến tranh Việt Nam, do Trần Nam lược thuật từ các nguồn tin truyền thông Hoa Kỳ:

Hôm 17 tháng 11, dân biểu John Murtha của Bang Pennsylvania, 1 cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, đã lên tiếng kêu gọi Tổng Thống Bush hãy rút quân về nước trong vòng 6 tháng.

Mặc dù từ trước đến nay vẫn có số nhà lập pháp đòi rút quân đội Mỹ ra khỏi Iraq, nhưng đây là lần đầu tiên lời kêu gọi này đã gây ngạc nhiên cho chính quyền, vì ông Murtha là một nhà lập pháp thuộc đảng Dân Chủ đã tích cực ủng hộ cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq.

Theo lời dân biểu Murtha thì bây giờ quân đội Hoa Kỳ đã hoàn tất sứ mạng tại Iraq, và sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ trở thành cái cớ để cho các phần tử nổi dậy tại Iraq tiến hành những vụ bạo động mà phần lớn là nhắm vào quân đội Mỹ.

Trước những tổn thất càng ngày càng cao, với hơn 2000 quân nhân Mỹ bị thiệt mạng tại Iraq kể từ khi khởi sự cuộc chiến lật đổ Saddam Hussein, một số nhà lập pháp khác của thuộc đảng Dân Chủ, trong đó có nghị sĩ John Kerry, một cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, cũng cho rằng sự hy sinh của của quân đội tại Iraq là quá lớn và đã đến lúc nên ấn định một thời biểu để rút quân về nước. Tuy nhiên theo lời Tổng Thống Bush thì việc ấn định một thời biểu như vậy có thể sẽ đưa đến 1 thảm họa. Tòa Bạch Ốc còn nói rằng 1 cuộc triệt thoái ngay từ bây giờ chẳng khác nào 1 sự đầu hàng quân khủng bố trong khi Iraq đang thực hiện 1 tiến trình dân chủ.

Những tranh luận này đã diễn ra vào lúc Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ vừa phổ biến một số tài liệu dài 50 ngàn trang giấy vừa mới được giải mã, sau khi đã được giữ bí mật trong hơn 30 năm qua kể từ khi Tổng Thống Nixon từ chức hồi tháng 8 năm 1974. Các tài liệu này có liên quan đến những việc làm của chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng Thống Richard Nixon, mà phần lớn là nói về sự can thiệp của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến vẫn thường được mang ra so sánh với cuộc chiến tranh Iraq hiện nay.

Trong 1 bài báo được đăng trên tờ Boston Globe hôm 19 tháng 10, nhà báo Bryan Bender, đã nói đến lời kêu gọi rút quân của ông Melvin R. Laird người đã phục vụ trong chính phủ của Tổng Thống Richard Nixon, với tư cách là Bộ Trưởng Quốc Phòng trong những năm cuối của chiến tranh Việt Nam. Ông Laird cảnh báo rằng tại Iraq Hoa Kỳ đang lập lại một số sai lầm dẫn đến sự thất bại chung cuộc tại Việt Nam, trong đó có sự kiện khiến người ta có cái cảm tưởng là Hoa Kỳ không có 1 mục tiêu rõ ràng để chiến thắng, hoặc 1 kế hoạch cụ thể để mang quân về nước.

Với những kinh nghiệm của 1 người cầm đầu cơ quan quân sự cao nhất của Hoa Kỳ trong những năm chiến tranh Việt Nam bước vào thời kỳ sôi động, ông Laird nói rằng hầu hết người Mỹ đều muốn thấy 1 chiến lược rút quân ra khỏi Iraq được hoạch định 1 cách chu đáo, và không chấp nhận 1 sự hiện diện quân sự vô thời hạn tại Iraq.

Theo ông Laird thì sự kiện này có thể sẽ khiến cho chính phủ non trẻ của Iraq bị lệ thuộc nhiều hơn vào các lực lượng Hoa Kỳ và gây trở ngại cho tính cách độc lập của họ.

Cựu giới chức 83 tuổi này, đã so sánh những bài học mà ông đã rút tỉa được từ những kinh nghiệm của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á với sự hiện hiện của quân đội Hoa Kỳ hiện nay tại Iraq.

Ông kêu gọi Tổng Thống Bush hãy bắt đầu một cuộc triệt thoái từng giai đoạn theo kế hoạch một đổi một, nghĩa là khi đào tạo được 1 binh sĩ Iraq sẵn sàng chiến đấu thì một binh sĩ Mỹ phải được trở về nước, chứ đừng chờ đợi 1 thời gian quá lâu cho đến khi nào thật sự tin tưởng vào quân đội Iraq rồi mới triệt thoái một số lớn quân Mỹ ra khỏi Iraq. Kinh nghiệm tại Việt Nam cũng cho ông thấy rằng muốn được lòng dân thì Hoa Kỳ phải khôi phục uy tín của mình tại khu vực này bằng cách tranh thủ nhân tâm, trong đó có việc trừng phạt những giới chức có trách nhiệm trong việc ngược đãi những người bị Hoa Kỳ giam giữ.

Ông Laird nói rằng chiến tranh Iraq không phải là 1 cuộc chiến Việt Nam thứ hai, tuy nhiên nó sẽ trở thành như vậy nếu Hoa Kỳ cứ tiếp tục không quan tâm đến những bài học thực tế trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong suốt thời gian nắm giữ chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ từ năm 1969 đến năm 1973, ông Laird đã tìm cách triệt thoái hàng trăm ngàn quân Mỹ ra khỏi Đông Nam Á . Ông cũng là 1 nhân vật mà người ta tin rằng đã đóng góp công lao vào việc chuyển đổi quân đội Mỹ, từ quy chế nghĩa vụ quân sự trở thành 1 lực lượng chuyên nghiệp gồm toàn những người tình nguyện, và chỉnh đốn lại quân đội sau khi bị xuống cấp vì những thiệt hại về nhân mạng và những chấn thương về mặt tinh thần tiếp theo sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ông Laird lập luận rằng tại Việt Nam Hoa Kỳ đã thất bại trong việc giao cho đồng minh ở miền Nam Việt Nam một vai trò quan trọng hơn để chống lại Cộng Sản miền Bắc. Theo ông thì công cuộc Việt Nam hóa chiến tranh tại Việt Nam đã phạm những sai lầm ngay từ đầu, khiến cho sự kiên nhẫn của người Mỹ trở nên mòn mỏi. Ngày nay, cuộc chiến Iraq lẽ ra phải được tập trung nỗ lực vào việc Iraq hóa từ trước khi cho nổ phát súng đầu tiên.

Theo nhà báo Bryan Bender của tờ Boston Globe thì những so sánh về chính trị giữa cuộc chiến tranh Việt Nam và Iraq đã không được ông Laird nhắc đến nhiều, một phần có lẽ vì những khác biệt giữa 2 nước về chính trị, địa lý và lịch sử , và một phần vì ông không muốn khơi lại những vết thương cũ, vốn đã gây nhiều phân hóa trong xã hội Mỹ, và có thể gợi lại những đau buồn trong lòng người dân Hoa Kỳ mà cho đến bây giờ vẫn còn âm ỉ. Tuy nhiên về mặt quân sự, vào lúc mà cuộc chiến đẫm máu với các phần tử nổi dậy tại Iraq sắp bước sang năm thứ ba với những tổn thất càng ngày càng tăng của quân đội Mỹ, các chuyên gia quân sự và các sử gia đã nêu lên những so sánh giữa 2 cuộc chiến tranh này.

Theo quan điểm của ông Laird thì cuộc chiến tranh Việt Nam và việc đưa quân đội Hoa Kỳ vào Iraq đều được dựa trên những suy đoán sai lầm về tình báo.

Ông nói rằng giống như tại Việt Nam, quân đội Mỹ được gửi đến Iraq với sự hiểu biết nông cạn về lịch sử, về văn hóa và những chia rẽ sắc tộc tại nước này. Tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã phải chống lại các du kích quân mà gần như không thể nào phân biệt được đâu là bạn đâu là thù, rất giống như tại Iraq hiện nay.

Ngoài ra, cũng giống như tại Việt Nam, các phần tử nổi dậy tại Iraq hiện nay cũng đã xâm nhập vào quân đội và các lực lượng an ninh của chính phủ. Cũng theo lời cựu giới chức Quốc Phòng này thì sự gia tăng tổn thất của quân đội Mỹ tại Iraq đã khiến cho sự ủng hộ dành cho Tổng Thống Bush càng ngày càng bị giảm sút, rất giống như những người tiền nhiệm của ông là Richard Nixon và Lyndon B. Johnson trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Chỉ có 1 điều khác biệt mà người ta nhận thấy ở đây là dù lên tiếng kêu gọi rút quân nhưng ông Laird muốn thực hiện điều này theo 1 kế hoạch được soạn thảo thật kỹ lưỡng để tránh lập lại những lồi lầm củ trong chiến tranh Việt Nam, đồng thời ông cũng tin rằng nước Mỹ không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải thành công tại Iraq , chứ không phải thất bại như ở Việt Nam trước đây.

Theo quan điểm của ông thì quân đội Mỹ chiến đấu tại Iraq không phải chỉ để bảo vệ quyền bầu cử của người dân Iraq mà còn để bảo vệ nền văn hóa hiện đại, dân chủ Tây phương và kinh tế toàn cầu, cũng như cho tất cả những nhu cầu khác, hiện đang bị đe dọa bởi sự lan tràn của 1 chủ nghĩa độc ác, nhân danh tôn giáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG