Đường dẫn truy cập

Phim "Buổi Sáng Ðầu Tiên" chiếu tại Orange County, Tuần báo Việt Mercury đổi chủ...


PHIM BUỔI SÁNG ĐẦU TIÊN” CHIẾU TẠI ORANGE COUNTY.

Phim “Buổi sáng đầu tiên / First Morning” nói tiếng Việt, phụ đề Anh ngữ của đạo diễn trẻ, Victor Vũ sẽ được trình chiếu tại rạp Regal Cinema ở thành phố Garden Grove, quận hạt Orange County, vào ngày 1 tháng 11 tới đây.

Với thành phần tài tử gồm có Kathleen Lương, Katherine Thúy Ái, Đặng Hùng Sơn, Minh Trí và, Long Nguyễn, phim “Buổi sáng đầu tiên” từng được trao giải Best Feature Film của liên hoan phim ảnh San Diego Asian Film cách đây chưa lâu.

Theo Đặng Hùng Sơn, tài tử tham dự phim này thì, nội dung phim “Buổi sáng cuối cùng” nói lên nỗi khó khăn của đời sống một người tỵ nạn muốn hướng về tương lai tốt đẹp hơn; nhưng bị những thực tế đời thường, như sự xung đột gia đình vì những khó khăn quá khứ, nỗi ám ảnh về cuộc chiến bi thảm đã qua, vẫn còn bao trùm lên ký ức, tâm tư... Mỗi con người, mỗi nhân vật trong phim phải đối đầu với thảm kịch của riêng họ và, của người chung quanh...”

NGUYỄN ÁNH 9, ÁNH TUYẾT VÀ TỨ CA “NĂM DÒNG KẺ” HÁT GÂY QUỸ TẠI MIỀN NAM CALI.

Tổ chức bất vụ lợi VNHelp cho hay, Chủ Nhật, ngày 6 tháng 11 tới đây, hội VNHelp sẽ có một chương trình ca nhạc tại khiêu vũ trường Majestic, ở quận hạt Orange County, nhằm mục đích gây quỹ thực hiện các chương trình có tính các văn hóa giáo dục và xã hội - - Như quỹ học bổng Nguyễn Trường Tộ, Dựng trường lớp ở nông thôn, Dạy nghề miễn phí giúp thanh niên nghèo...

Trong một bài viết giới thiệu tổ chức VNHelp, nhà báo Nguyễn Quang An, báo Người Việt ghi nhận như sau: “Được thành lập từ năm 1991, tổ chức VNHelp quy tụ các thành viên sáng lập phần lớn là những trí thức, chuyên viên trẻ được đào tạo ở Mỹ. Các sáng lập viên này phần lớn đã tới Mỹ cùng với gia đình vào năm 1975, hay trong những đợt vượt biển vào đầu thập niên 1980, và khi đặt chân tới Mỹ họ là những thanh niên chưa qua khỏi tuổi đôi mươi. Khi thành lập tổ chức VNHelp phần đông lớp người này trên dưới 30 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và đang nắm giữ một chức vụ nào đó, đảm trách một công việc nào đó, trong các cơ quan chính phủ, hay trong các công ty lớn của nước Mỹ ... Hiện nay VNHelp đang thực hiện hai đêm văn nghệ, một trên San Jose, bản doanh của VNHelp và một ở Quận Cam, nơi đông đảo người Việt hải ngoại.

“Thành phần tham dự hai đêm văn nghệ này gồm một số ca, nhạc sĩ người Việt trong nước và ở hải ngoại. Đến từ Việt Nam sẽ có Nguyễn Ánh 9, ca sĩ Ánh Tuyết, tứ ca Năm Dòng kẻ và một số ca sĩ hiện đang sinh sống ở hải ngoại ...

“Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nguyên là một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam, ông là tác giả của một số ca khúc nổi tiếng như ‘Không, Buồn ơi chào mi, Tình khúc chiều mưa, Mưa chiều kỷ niệm, Cô đơn...’ Sau 1975, ông đã sống bằng rất nhiều nghề trước khi điều kiện và hoàn cảnh cho phép ông quay trở lại sinh hoạt nghệ thuật. Ca sĩ Ánh Tuyết là một ca sĩ nổi danh sinh trưởng tại Hội An của miền Trung, tuy vậy hiện cô đang sống tại Saigòn, và đang điều hành một quán cà phê văn nghệ cuối tuần, mà ở đó cô là ca sĩ chính và đã thành danh qua những bản nhạc được sáng tác trong thời tiền chiến, và đặc biệt là một số ca khúc của Văn Cao. Riêng về tứ ca Năm Dòng Kẻ là những ca sĩ ra đời sau năm 1975, với một phong cách trình diễn mới lạ và sống động...”

Vẫn theo bài viết của Nguyễn Quang An thì, khởi đầu, VNHelp chỉ giới hạn những hoạt động của hội trong chương trình cấp học bổng Nguyễn Trường Tộ cho học sinh nghèo; và một vài công tác cho trường Khiếm Thị ở Cần Thơ. Thành viên của VNHelp thời đó, cũng không nhiều, như hiện tại.

“Bây giờ hoạt động của VNHelp đã bước sang nhiều lãnh vực khác nhau với một quy mô rộng lớn hơn, và do đó sẽ đòi hỏi nhiều ngân sách hơn,”
bài báo cho biết như vậy.

ĐÓN ĐẦU LỄ LẠC CUỐI NĂM, CÁC TRUNG TÂM BĂNG NHẠC “ĐÁNH LỚN.”

Khác với mọi năm, năm nay, dù mùa lễ Giáng Sinh còn xa nhưng các công ty thương mại Hoa Kỳ đã chuẩn bị và bắt đầu quảng cáo những sản phẩm cho mùa lễ trọng này. Riêng cộng đồng người Việt tỵ nạn, lãnh vực băng nhạc cũng đã tung ra thị trường những sản phẩm mới của họ. Điển hình là hai trung tâm Hoa Biển và Thúy Nga Paris.

Nhà báo Lê Thụy trong một bản tin đăng tải trên nhật báo Người Việt, số phát hành cuối tuần qua cho hay: “...Trung tâm Hoa Biển đã phát hành DVD Hoa Biển # 4, có tựa đề ‘Chuyện Hoa và Biển,’ với sự góp tiếng của những nam nữ ca sĩ được ưa thích hiện nay như Tuấn Ngọc, Gia Huy, Lâm Gia Minh, Phi Nhung, Chí Tài, Thu Phương, Tiến Dũng, Ngô Thanh Vân, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương...Về hài có Hoài Linh, Kiều Oanh, Việt Hương, Cát Phượng...

“Ngoài ra trung tâm Hoa Biển cũng cho phát hành cả DVD hài đặc biệt ‘Bác sĩ miệt vườn,’ trong đó có Hoài Linh, Chí Tài, Bé Nguyễn Huy, Hữu Lộc, Lê Giang...và CD ca nhạc với Thu Phương và Tiến Dũng, mang tựa đề ‘Thời gian ơi.’

“Trong khi đó, trung tâm Thúy Nga cho phát hành DVD ‘Về quê em’ #2 ... vừa là ca nhạc, cải lương lẫn hài kịch...với những nghệ sĩ quen thuộc Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Hoài Linh, Minh Nhí, Kim Tử Long, Cao Mẫn...

“Ngoài ra trung tâm Thúy Nga cũng cho phát hành 3 CD mới là “Giọt lệ đài trang’ (tình khúc Châu Kỳ,) ‘Thoát ly’ (tình ca Quốc Dũng,) ‘Chỉ một mình em hiểu’ (những bài hát xuất sắc nhất của Tùng Giang,) được trích từ DVD ‘Đường xưa’ (Paris by night số 78,) phát hành vào mùa hè vừa qua, cộng thêm với một số bài hát của những nhạc sĩ này, đã được trình bày trước đây...”

RA MẮT 7 TẬP SÁCH ẢNH NHAN ĐỀ “QUÊ HƯƠNG QUA ỐNG KÍNH” CỦA TRẦN CÔNG NHUNG.

Vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, ngày 22 tháng 10 vừa qua, tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông, ở quận hạt Orange County, nhiếp ảnh gia Trần Công Nhung đã tổ chức thành công buổi giới thiệu 7 tập sách ảnh và bài viết thuộc loại “đi và ghi nhận” của ông.

Song song với phần ra mắt 7 tập sách chủ đề “Quê hương qua ống kính,” còn là cuộc triển lãm trên 100 tác phẩm nhiếp ảnh chọn lọc của Trần Công Nhung, một nhiếp ảnh gia, và cũng là một cây bút đang được nhiều độc giả khắp nơi, yêu thích.

Trong dịp này, với phần MC do Nguyễn Đình Cường đảm trách, lần lượt các nhân vật như nhà thơ Huy Trâm, nhà văn Trần Sĩ Lâm, nhà văn Phạm Xuân Đài, nhà thơ Hoàng Duy đã đăng đàn, nói về những đóng góp đáng kể của tác giả, cũng như những tác phẩm Trần Công Nhung.

Được biết, trước tháng 4 năm 1975, nhiếp ảnh gia Trần Công Nhung là giáo sư trung học Võ Tánh, Nha Trang.

Ông cũng là một nghệ nhân tên tuổi trong lãnh vực thiết lập hòn non bộ và thú chơi cây cảnh.

NHÀ VĂN QUÂN ĐỘI PHẠM HUẤN TỪ TRẦN.

Tin từ nhà thơ Nhất Tuấn, tức Phạm Hậu, anh ruột của nhà văn quân đội Phạm Huấn cho hay, tác giả “Một ngày tại Hà Nội” đã từ trần vào lúc 6 giờ 50 phút chiều Thứ Sáu, ngày 21 tháng 10 vừa qua, tại San Jose, hưởng thọ 68 tuổi; sau một thời gian dài điều trị bệnh Lãng trí / Alzheimer, do gia truyền.

Rất nhiều người thân của nhà văn Phạm Huấn đã có mặt trong những giây phút cuối cùng của đời ông, như bà Minh Hà, người bạn đời; các em và, trưởng nam Phạm Huy Phong, về từ Pháp quốc.

Vẫn theo chi tiết do nhà thơ Nhất Tuấn cung cấp thì, nhà văn quân đội Phạm Huấn là cựu học sinh trường trung học Chu Văn An, ông tốt nghiệp khóa 13 Võ Bị Đà Lạt năm 1956; nguyên phóng viên chiến trường; nguyên chủ nhiệm tuần báo Diều Hâu. Ông cũng có thời gian làm phó trưởng phòng Báo Chí cục Tâm Lý Chiến, thuộc QL/VNCH cũ, ở Saigòn; trước khi lên bộ tư lệnh quân đoàn II, quân khu II, làm tùy viên báo chí cho cố thiếu tướng Phạm Văn Phú.

Ngày 18 tháng 2 năm 1973, cùng với Phan Nhật Nam, Dương Phục, ông là nhà báo Quân Đội đầu tiên ra Hà Nội, sau 19 năm xa cách Hà Thành, để tường thuật cuộc trao trả tù binh đợt thứ hai, diễn ra trong buổi chiều cùng ngày tại phi trường Gia Lâm.

Nhà văn Phạm Huấn đã xuất bản tất cả 5 tác phẩm mà, tác phẩm cuối cùng là cuốn “Trận Hạ Lào, 1971,” xuất bản năm 1990 ở hải ngoại.

DỊCH GIẢ CHÂN HUYỀN VÀ HAI TÁC PHẨM MỚI CỦA THIỀN SƯ NHẤT HẠNH.

Sau khi thành công với bản dịch nhan đề “Nghệ thuật sống an vui” nguyên tác Anh ngữ của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, dịch gỉa quen thuộc Chân Huyền đã cho phát hành 2 bản dịch Việt ngữ, cũng từ nguyên bản tiếng Anh của Thiền sư Nhất Hạnh. Đó là các tác phẩm nhan đề “Hiệu lực cầu nguyện,” và “Không diệt không sinh, đừng sợ hãi.”

Theo dịch giả Chân Huyền thì nội dung chính của những tác phẩm nổi tiếng mà bà chọn dịch, nhằm mục đích đem tới cho người đọc “có một cái nhìn và cách sống mới mẻ, bình an cho những năm tháng cuối cuộc đời.”

Những người đã đọc ba cuốn sách vừa kể, nhấn mạnh rằng, đó là những tập sách không chỉ cần thiết cho những người lớn tuổi, mà, bất cứ ai, có nhu cầu tìm kiếm sự bình an cho đời sống tâm linh, tinh thần của mình, thì, đó là những cuốn sách rất hữu ích. Vị độc giả này còn nói thêm rằng: “Chúng càng hữu ích hơn nữa, trong hoàn cảnh và điều kiện sống khắc nghiệt, lạnh lùng của một xã hội như xã hội Hoa Kỳ này.”

TUẦN BÁO VIỆT MERCURY ĐỔI CHỦ.

Một bản tin đăng tải trên nhật báo San Jose Mercury News, số phát hành đầu tuần qua, cho biết công ty mẹ Knight Ridder đã quyết định sang nhượng tuần báo viết bằng tiếng Việt, dành cho cộng đồng người Việt ở miền bắc tiểu bang California, là tuần báo Việt Mercury cho một nhóm đầu tư người Việt Nam ở San Jose, với giá chưa được tiết lộ.

Đại diện nhóm chủ nhân mới của tuần báo Việt Mercury, ông Jim Nguyễn, người từng làm việc với nhật báo San Jose Mercury News cho hay, nhóm của ông sẽ chính thức làm chủ tuần báo Việt Mercury sau ngày 11 tháng 11 tới đây; với tên cũ, trước khi cho nó một tên gọi khác.

Lý do đưa tới quyết định phải bán tuần báo Việt Mercury, theo ông George Riggs, Chủ tịch công ty Knight Ridder, và, cũng là chủ nhiệm nhật báo San Jose Mercury News thì, vì lỗ lã tài chính quá nặng nề, sau 9 năm có mặt. Ngoài tờ Việt Mercury, công ty Knight Ridder cũng quyết định đình bản tuần báo Nuevo Mundo, viết bằng tiếng Tây Ban Nha, ra đời cùng thời với Việt Mercury.

Người ta chưa biết những chủ nhân mới của tuần báo Việt Mercury sẽ quyết định thế nào về số nhân viên biên tập, cũng như điều hành cũ của Việt Mercury. Trong số này có các tên tuổi quen thuộc như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nhà thơ Nguyễn Bá Trạc, Phạm Việt Cường, cùng nhiều người khác nữa.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG