Đường dẫn truy cập

Tân nhạc Việt Nam sau 30 năm: Ai còn ai mất ? - Phần III


· NGỌC BÍCH

Một trong những nhạc sĩ lão thành của nền tân nhạc Việt Nam đã qua đời vào đêm 15 tháng 10 năm 2001 tại bệnh viện Los Angeles, nam California do tình trạng nhồi máu cơ tim. Đó là nhạc sĩ Ngọc Bích, sinh năm 1925. Ông là tác giả của những ca khúc đã đi sâu vào tâm hồn người nghe như Trở Về bến Mơ, Khúc Nhạc Chiều Mơ, Mộng Chiều Xuân, Giấc Mơ Ngàn. Ông cũng là tác giả của bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống ( lời của Thanh Nam ) mà tất cả ai cũng biết trong thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Nhạc sĩ Ngọc Bích là một người có cuộc sống khép kín, không lập gia đình mặc dù là một nghệ sĩ tài hoa. Năm 1942, ông đã chơi nhạc cho một vũ trường ở Hà Nội và là thành viên trong nhóm nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại sdang Trung Quốc giúp vui cho các sĩ quan đồng minh tại đây vào đầu thập niên 40. Nhạc sĩ Ngọc Bích di cư vào Nam năm 1954 và làm việc tại các đài phát thanh Quân Đội, đài phát thanh Sài Gòn và Mẹ Việt Nam. Cùng với các nhân viên của đài sau, ông đã rời Việt Nam vào cuối tháng 4 năm 75 để định cư tại nam California. Khi người bạn thân của ông từ thời thơ ấu là nhạc sĩ Nguyễn Hiền đến Hoa Kỳ, ông cùng Nguyễn Hiền và vài nhạc sĩ trẻ khác thành lập ban nhạc Saigon Band, hoạt động trong một thời gian dài.

· NGÔ MẠNH THU

Phong trào du ca cũng đã mất đi một tên tuổi lớn trong. Đó là nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, pháp danh Tâm Hoà, qua đời vào năm 2004 tại thành phố Irvine, nam California, hưởng thợ 66 tuổi. Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu sinh ngày 12 tháng 09 năm 1938 tại Hà Đông. Ông sang Mỹ đoàn tụ năm 1994 do con trai bảo lãnh và cư ngụ tại Orange County cho đến ngày cuối đời. Tại đây ông tiếp tục sinh hoạt mạnh mẽ bằng cách dựng lại phong trào Du Ca, đóng góp cho gia đình Phật Tử, tái sinh phong trào hát cộng đồng, hoạt động văn nghệ trẻ với Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ, thành lập nhóm Hùng Sử Ca, vv...Ngoài ra ông còn là một thành phần cột trụ của đài phát thanh VNCR, rất được nhiều người theo dõi qua chương trình Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương. Ngô Mạnh Thu đã sáng tác trên 100 ca khúc, trong số có : Nhớ Mãi, Nước Việt Nam, Kết Dây Thân Tình, Vu À Vui, Từ Một Cơn Mơ, Quê Hương Ta Đó, Buổi Sáng Nghe Chim Hót, Lạc Vùng Ăn Năn, vv...

· NHẬT BẰNG

Sau hàng chục năm dâng hiến cuộc đời mình cho âm nhạc, nhạc sĩ Nhật Bằng đã qua đời vào lúc 8 giờ 30 tối thứ Sáu 07 tháng 05 năm 2004 do tai biến mạch máu não tại Fairfax, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông hưởng thọ 74 tuổi. Khi mới được 17 tuổi vào năm 1947, Nhật Bằng đã sáng tác nhạc phẩm đầu tay mang tên “ Đợi Chờ “, ghi lại một mối tình thời học trò của ông khi còn ở Hậu Phương.

Nhật Bằng sinh năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình có 4 người con. Ông là anh cả của 3 nghệ sĩ đã có thời gian cùng với ông kết hợp thành ban hợp ca nổi tiếng Hạc Thành, với người em trai là Nhật Phượng và 2 em gái là Thể Tần và Hồng Hảo.
Từ năm 56 cho đến 69 là thời kỳ sáng tác hăng say của Nhật Bằng.Nhưng có thể nói nhạc phẩm được coi như gắn liền với tên tuổi ông là Thuyền Trăng, sáng tác chung với Thanh Nam. Ngoài ra còn có nhiều nhạc phẩm được biết tới nhiều như Bóng Người Chiến Sĩ, Chiến Sĩ Ca, Bóng Chiều Tà, Sau Lũy Tre Xanh, Mùa Đông Tuyết Trắng, vv...

Ông lập gia đình năm 1958 với một nữ nhân viên tùng sự tại đài phát thanh Quân Đội. Cũng vào thời kỳ này ban tam ca nam có cái tên ngộ nghĩnh là “Do Si La” ra đời với bộ ba Anh Ngọc, Nhật Bằng và Văn Phụng. Chuyên trình bầy những nhạc phẩm tươi vui, phần lớn là của Văn phụng, như Vó Câu Muôn Dặm hay Ta Vui Ca Vang.

Vào năm 90, Nhật Bằng cùng vợ và 5 người con được sang Mỹ theo diện HO và đã cùng với các con thành lập một ban nhạc lấy tên là The Blue Ocean, nổi tiếng ở vùng Washington DC, bao gồm nơi gia đình ông cư ngụ là thành phố Herndon, Fairfax thuộc tiểu bang Virginia.

· PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Vào năm 1991, một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam đã qua đời để lại nhiều thương tiếc nơi mọi người. Đó là Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Bắc Việt. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác khi mới lên 18 tuổi. Những tác phẩm đầu tay của ông trong thời gian theo kháng chiến chống Pháp là Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, Hò Leo Núi, vv...Thời gian “dinh tê” về thành rồi theo anh em vào Nam giữa năm 51, ông đã cho ra đời được nhiều ca khúc giá trị khác như Khúc Giao Duyên, Tiếng Dân Chài, Thằng Cuội, Được Mùa, vv...Thời gian sau, qua nghệ thuật hợp ca của ban Thăng long, nhiều sáng tác khác của ông được quần chúng rất tán thưởng là : Xóm Đêm, Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, vv...

Về tình ca Phạm Đình Chương, khó ai quên được những nhạc phẩm như Đêm Cuối Cùng, Thuở Ban Đầu và nhất là Mộng Dưới Hoa, phổ thơ Đinh Hùng. Ngoài ra không thể quên những nhạc phẩm phổ từ thơ khác rất nổi tiếng của ông, đáng được gọi là bất hủ như Màu Kỷ Niệm ( thơ Nguyên Sa ), Nửa Hồn Thương Đau ( thơ Thanh Tâm Tuyền ), Người Đi Qua Đời Tôi ( thơ Trần Dạ Từ ), Đôi Mắt Người Sơn Tây ( thơ Quang Dũng ), Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội ( thơ Hoàng Anh Tuấn ), Đêm Màu Hồng ( thơ thanh tâm Tuyền ). Nhưng chắc chắn phải kể đến sự đóng góp rất lớn của ông cho nền âm nhạc Việt Nam là trường ca Hội Trùng Dương, gồm 3 phần: Tiếng Sông Hồng, Tiếng Sông hương và Tiếng Sông Cửu Long.

Ngoài phần là một nhạc sĩ sáng tác, Phạm Đình chưong còn là một ca sĩ với tên Hoài Bắc.

· THU HỒ

Ngày 29 tháng 5 năm 2000 đã đánh dấu cho sự ra đi về nơi nước Chúa của nhạc sĩ lão thành Thu Hồ tại thành phố Westminster, nam California do biến chứng của bệnh tiểu đường, hưởng thọ 82 tuổi. Ông là tác giả của ca khúc nổi tiếng Quê Mẹ – sáng tác năm 1943 - và một số ca khúc khác như Khúc Ca Đồng Tháp, Tiếng Sáo Chiều Quê, Tím Cả Rừng Chiều, vv...Nhạc sĩ Thu Hồ lập gia đình năm 25 tuổi và có tất cả 9 người con mà nữ ca sĩ Mỹ Huyền là người con út. Vợ ông qua đời vào năm 1975. Nhạc sĩ Thu Hồ cùng các con rời Việt Nam sang Mỹ năm 1990. Sau 3 năm đầu ở San Diego với gia đình người con trai cả, ông dời lên vùng Little Saigon cho đến khi vĩnh viễn ra đi.

Ông là một con chiên ngoan đạo, từng là một thành viên trong ủy ban sáng lập giáo xứ Fatima, Bình Triệu là nơi ông cư ngụ một thời gian.

Trước khi được biết đến như một nhạc sĩ sáng tác, Thu Hồ từng một thời là một giọng hát được khá nhiều người biết đến qua những nhạc phẩm của Tino Rossi, thần tượng của ông. Sau khi vào Sài Gòn ông từng được mời hát trên đài phát thanh Pháp Á. Trong thời gian từ năm 50 đến 60, ông thường hát trong những chương trình phụ diễn tân nhạc và đạt được nhiều thành công. Cùng một lúc ông còn phụ trách phần tuyển nhạc cho nhà xuất bản An Phú, chuyên phát hành những bản nhạc rời. Ông cũng còn là một giáo sư dạy nhạc cho các trường Nguyễn Bá Tòng, Thánh Thomas, Thiên Phước, Nguyễn Trường Tộ và Quang Minh tại Sài Gòn, dù trước đó ông chỉ học hỏi âm nhạc qua sách vở. Thêm vào khả năng âm nhạc đặc biệt, Thu Hồ còn là một thi sĩ, nghiêng về những đề tài có tính cách tôn giáo.

· TRẦM TỬ THIÊNG

Trong số những nhạc sĩ sáng tác có nhiều gắn bó với quê hương nhất thì Trầm Tử Thiêng là một tên tuổi sáng chói với rất nhiều nhạc phẩm đã đi vào lòng người từ trước năm 75 cho đến khi ông qua đời vào hồi 8 giờ 15 sáng ( giờ California ) ngày Thứ Ba 25 tháng 01 năm 2000 tại bệnh viện Anaheim West Medical Center, nam California thuộc thành phố nơi ông cư ngụ. Hồ sơ bệnh lý của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ghi lý do đã đưa đến cái chết là bị ngộp thở do bệnh tim, sau khi được đưa vào bệnh viện vào ngày hôm trước. Ba tháng trưóc đó, ông bị cảm nặng nên đã không ăn uống được nhiều cho đến khi ông ra đi không một lời trăn trối mặc dù có người cháu trai bên cạnh. Ông sống đời độc than cho đến khi nhắm mắt, trong khi gia đình ông còn ở tại Việt Nam.

Trầm TửThiêng viết nhạc từ cuối thập niên 50, nhưng mãi đến giữa thập niên 60, những tác phẩm của ông mới được phổ biến rộng rãi và trở thành những nhạc phẩm gắn liền với những diễn tiến xã hội trong khung cảnh một miền Nam Việt Nam thời chiến. Có người còn coi ông như một nhân chứng của thời cuộc, ghi lại nhiều hình ảnh khó quên trong những tác phẩm của mình, nhờ một thời gian dài pục vụ trong Cục Tâm Lý Chiến.

Trầm Tử Thiêng là tác giả của nhiều nhạc phẩm nổi tiếng trước năm 75. như Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy, Tưởng Niệm”, Kinh Khổ , Bài Hương Ca Vô Tận, Đưa Em Vào Hạ, , vv... Trong 10 năm ở lại Việt Nam, ông đã sáng tác được một số ca khúc đến từ những kinh nghiệm của chính bản thân hoặc từ những hoàn cảnh thực tế, sau này được phổ biến tại hải ngoại. Đó là Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển, Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt, Gửi Em hành Lý, Người Ở Lại Đưa Đò, Mẹ Hậu Giang, Du Ca Trên Thành Phố Đỏ, vv...Tại hải ngoại, những sáng tác của ông đã gây xúc động không ít nơi người nghe với Đêm Nhớ Về Sài Gòn , Mười Năm Yêu Em, Chọt Nghĩ Về Hai Nơi, Bước Chân Việt Nam, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng, Một Ngày Việt Nam, Bên Em Đang Có Ta ( viết lời theo ý và nhạc của Trúc Hồ ), Lưu Vong Khúc Cho Người Việt Nam ( viết lời Việt cho nhạc phẩm Exodus ), vv...

Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, theo trả lời một cuộc phỏng vấn chính thức, sinh ngày 01 tháng 10 năm 1937 tại Quảng Nam, định cư tại Hoa Kỳ từ năm 85, sau khi vượt biển và một thời gian rên trại tỵ nạn Galang. Sau trên 30 năm sáng tác, ông đã để lại một gia tài âm nhạc tuyệt vời với trên 300 ca khúc giá trị.

· DUY KHÁNH

Một nam ca nhạc sĩ rất nặng lòng với quê hương và có nhiều gắn bó đậm đà với miền Trung là Duy Khánh cũng đã ra đi vào đúng 12 giờ trưa ngày 12 tháng 02 năm 2003 tại Orange County County, hưởng thọ 65 tuổi. Oâng đã phải vào bệnh viện Fountain Valley từ cuối năm 2002 để điều trị nhiều bệnh cùng một lúc như thận, gan, tim. Oâng mất đi đê63 lại vợ vợ là bà Thuý Hoa và 3 người con, 1 trai và 2 gái.

Duy Khánh nổi tiếng qua các nhạc phẩm như Ai Ra Xứ Huế, Thương Về Miền Trung, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, Lối Về Đất Mẹ, Huế Đẹp Huế Thơ, Bao Giờ Em Quên, vv...

Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm 1936 tại làng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là người con áp út trong số 6 người con của một gia đình vọng tộc . Oâng khởi nghiệp ca hát bằng nghệ danh Tăng Hồng. Với nhạc phẩm Trăng Thanh Bình, ông đã trúng tuyển kỳ tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á vào khoảng giưã thập niên 50. Mặc dù gặp phải sự phản đối của gia đình khi tỏ ra muốn theo đuổi nghiệp cầm ca, Duy Khánh chuyển hẳn vào Sài Gòn, bắt đầu hát trên các sân khấu đại nhạc hội, đài phát thanh cũng như bắt đầu thu đĩa nhựa hay hợp tác với ban văn nghệ của Hoàng Thi Thơ đi lưu diễn khắp nước.

Sau năm 75, Duy Khánh sống trong một tình trạng chật vật vì trước đó chỉ sống với giọng hát và dòng nhạc của mình. Trong tình trạng bị cấm hát, anh đâm ra chán nản để chỉ biết tìm say trong men rượu. Khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động lại, Duy Khánh thành lập đoàn Quê Hương, qui tụ nhiều tài danh miền Nam trước 75 như Châu Kỳ, Nhật Ngân cùng các ca sĩ như Ngọc Minh, Bảo yến, Nhã Phương, vv...và tạo được nhiều thành công.

Duy Khánh cùng vợ con đến Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 08 năm 1988. Thời gian đầu, ông được mời đi trình diễn nhiều nơi, nhận được rất nhiều lời mời thu thanh và còn nhận hát độc quyền cho trung tâm Làng Văn. Sau khi hết giao kèo với trung tâm này, ông đứng ra thành lập trung tâm riêng của mình là Trường Sơn, cùng một lúc một lớp dạy nhạc.

· VĂN PHỤNG

Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh tại Hà Nội năm 1930. Ngoài một người chị đã mất, ông còn hai người em trai, một người hiện ở tiểu bang Ohio và một người còn lại Việt Nam. Văn Phụng học bậc tiểu học ở trường Louis Pasteur, trung học ở trường Albert Sarrault. Là một học sinh rất xuất sắc, nên năm 16 tuổi ông đã đậu Tú Tài. Văn Phụng đam mê âm nhạc từ nhỏ và đã được hai giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng chỉ dẫn về nhạc khí này. Nhờ có một năng khiếu đặc biệt, vào năm 15 tuổi ông đã đoạt giải nhất về dương cầm trong một cuộc tuyển lựa tại Nhà Hát Lớn Hà Nội với nhạc phẩm La Prière D’Une Vierge. Đến năm 1946, trong thời gian ở hậu phương ông đã được linh mục Mai Xuân Đĩnh chỉ dẫn thêm về nhạc, và sau đó tự học hỏi qua sách vở. Vì quá mê nhạc nên ông đã không học thêm về ngành y khoa sau khi đã theo học một năm theo yêu cầu của thân phụ, rất thích ông trở thành một bác sĩ.

Cũng vào năm 1948, trong niềm vui sống trong âm nhạc là con đường ông đã quyết định chọn lựa, Văn Phụng sáng tác nhạc phẩm đầu tiên “Ô Mê Ly”, trở thành một nhạc phẩm rất quen thuộc cho đến nay. Khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của mình với “Ô Mê Ly” vào năm 1948 và kết thúc với “Chán Nản” vào năm 1972, Văn Phụng đã sáng tác hàng trăm nhạc phẩm, trong số đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như Các Anh Đi, Tình, Suối Tóc, Mưa, Tiếng Hát Với Cung Đàn, là Tiếng Dương Cầm, Trở Về Huế, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn,vv...

Tiếng hát Châu Hà và tiếng đàn Văn Phụng đã hòa cùng một nhịp điệu vào khoảng năm 56, 57, vài năm sau khi ông từ ngoài hà Nội “ghé bến Sài Gòn”. Họ chính thức thành hôn vào năm 1963 và với nhau hai người con gái, hiện đều ở Hoa Kỳ . Khi gặp Châu Hà trong thời kỳ mới đi hát, Văn Phụng là nhạc trưởng tại đài phát thanh Quân Đội, nơi ông cộng tác một thời gian dài, cùng một lúc còn phụ trách một chương trình ca nhạc trên đài phát thanh Sài Gòn và đài Truyền Hình Việt Nam.

Năm 1978, gia đình Văn Phụng vượt biển đến một đảo ở Mã Lai. Sau 5 , 6 tháng ở đây gia đình ông đến tiểu bang Virginia, cư ngụ tại Firfax cho đến khi qua đời vào ngày 17 tháng 12 năm 1999 do tác hại của bệnh tiểu đường. Sau đó thi hài người nhạc sĩ tài hoa này đã được vĩnh viễn chôn vùi dưới lòng đất ngày 22 tháng 12 năm 99 với những nghi thức dành cho một tín hữu đạo Tin Lành.

· ĐỖ LỄ

Chỉ hơn một năm sau khi sang Mỹ cùng vợ con theo diện ODP do người anh bảo lãnh và định cư ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Đỗ Lễ đã tìm đến cái chết bằng cách tự tử ở Sài Gòn vào ngày 24 tháng 03 năm 1997 trong một lần trở lại đây từ tháng 10 năm 1996. Ngay cả vợ anh là chị Vương Thị Lam Phương cũng hề biết lý do nào đã khiến anh tìm cái chết nơi căn nhà mướn trên đường Trần Đình Xu, Sài Gòn. Tuy nhiên người ta được biết Đỗ Lễ đã tỏ ra rất chán nản với cuộc sống tại Hoa Kỳ. Khi đề cập đến người chồng nghệ sĩ của mình, chị Lam Phương cho biết Đỗ Lễ “là một người rất ủy mị, con người anh ấy cũng rất yếu đuối, cứ gặp chuyệïn gì buồn là trở nên rất suy sụp, trở nên rất chán nản và không còn thiết hoạt động gì...theo tôi nghĩ đó chính là điều đưa đến cái chết của anh ấy...”

Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1941 tại Hà Nội. Anh tự học nhạc và bắt đầu sáng tác tgừ khi mới được 14 tuổi. Vào năm 1965 từng chiếm Huy Chương Vàng trong một cuộc thi Lực Sĩ Đẹp.

Đỗ Lễ đã sáng tác trên 700 nhạc phẩm, trong số có nhiều bài nổi tiếng. Đặc biệt nhất phải kể đến là Sang Ngang (sáng tác vào năm 1956) và Tình Phụ. Nhạc phẩm sau anh viết vào năm 1970 sau khi chia tay với người vợ đầu tiên là Hoài Xuân. Nhạc phẩm này cũng đã được tuyển chọn vào vòng chung kết những nhạc phim hay tại tại Đại Hội Điện Ảnh Á Châu tổ chức tại Tokyo vào đầu thập niên 70. Đó là nhạc phẩm chính trong phim Sóng Tình với diễn viên chính là Thẩm Thúy Hằng. Thêm vào đó là những nhạc phẩm tình cảm đặc sắc khác như Tan Vỡ, Tuyệt Tình, Tàn Phai, Dại Khờ, vv...

Trước năm 75, lớp dạy nhạc của anh trên đường Trương Minh Giảng từng là một nơi qui tụ nhiều học sinh nhất. Sau đo lớp nhạc của anh vẫn tiếp tục được các học sinh ghi danh rất nhiều nên anh đã có được một đời sống sung túc.. Chương trình Thời Trang nhạc tuyển của Đỗ Lễ cũng là một trong những chương trình truyền hình rất thu hút khán giả trước năm 75, cùng một lúc anh đứng ra kinh doanh về nhiều mặt hàng âm nhạc như thành lập hãng đĩa, hãng băng và xuất bản nhạc. Ngoài ra anh còn thực hiện những chương trình ca nhạc cho một số phòng trà và vũ trường ở Sài Gòn trước năm 75.

Theo kết quả giảo nghiệm về cái chết của nhạc sĩ Đỗ Lễ, được biết anh đã uống một liều thuốc Quinine quá mạnh. Người ta đã tìm thấy trong căn nhà của anh 2 lá thư tuyệt mạng, một gửi cho vợ và một gửi cho một người bạn thân...

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG