Đường dẫn truy cập

Một số chi tiết về việc Philippin, Trung Quốc và Việt Nam ký thỏa thuận tiến hành các cuộc nghiên cứu chung về tiềm năng dầu khí trong vùng biển Đông


Mới đây, ba công ty dầu khí quốc gia của Philippin, Trung quốc và Việt Nam đã ký kết tại Manila một thỏa thuận nhằm tiến hành các cuộc nghiên cứu chung về tiềm năng dầu khí trong vùng biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia.

Các nhà quan sát tình hình Á châu đã đặc biệt chú ý đến sự tham gia của Việt Nam trong thỏa thuận này vì chính phủ ở Hà nội là phía duy nhất trong số các nước đòi chủ quyền quần đảo Trường sa từng lên tiếng phản đối một thỏa thuận nghiên cứu chung mà Trung quốc và Philippin ký kết hồi năm ngoái. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Hôm thứ hai (ngày 14 tháng 3, 2005) vừa qua, ba công ty dầu khí quốc gia của Philippin, Trung quốc và Việt Nam đã ký kết tại thủ đô Manila của Philippin một thỏa thuận về việc tiến hành các cuộc nghiên cứu chung về tiềm năng dầu khí trong vùng biển Đông. Vùng biển gần quần đảo Trường sa này là nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung quốc, Đài Loan, Philippin, Malaysia, và Brunei. Hiện nay, các nước đòi chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường sa, ngoại trừ Brunei, đều có binh sĩ trú đóng trong khu vực này; và trong quá khứ, những vụ đụng độ chết người đã xảy ra ở đây. Vụ xung đột nghiêm trọng nhất đã diễn ra năm 1988 khi hải quân Việt Nam và Trung quốc giao tranh với nhau, khiến 78 bộ đội Việt Nam bị thiệt mạng.

Sau khi ký kết văn kiện có tên chính thức là ỏThỏa thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong khu vực thỏa thuận tại biển Đôngõ, các đại diện của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PteroVietnam), Công ty Dầu khí Quốc gia Philippin (Philippine National Oil Company), và Tổng Công ty dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung quốc (China National Offshore Oil Company) đã được Tổng thống Philippin, bà Gloria Arroyo tiếp kiến. Lên tiếng tại cuộc hội kiến này, nhà lãnh đạo Philippin nói rằng thỏa thuận vừa đạt được là một diễn tiến có tính chất lịch sử vì đây chính là một sự đột phá về mặt ngoại giao nhằm thực thi các qui định của "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông" mà Trung quốc và Asean ký kết năm 2002 và biến vùng biển này từ "vùng biển của xung đột" thành "vùng biển của hợp tác". Theo thỏa thuận ba bên này, các cuộc khảo sát chung sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm tại một khu vực ở biển Đông được xác định bởi các tọa độ địa lý cụ thể và có diện tích khoảng 143 ngàn kilo mét vuông.

Theo tường thuật hôm thứ ba của nhật báo Inquirer ở Manila, bà Gloria Arroyo đã tuyên bố như thế không lâu sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Philippin, ông Alberto Romulo cho báo chí biết rằng vụ tranh chấp giữa Philippin và Trung quốc liên quan đến chủ quyền quần đảo Trường sa đã được giải quyết qua việc ký kết một thỏa thuận nghiên cứu chung giữa các công ty thăm dò khai thác dầu khí của hai nước.

Phát biểu hôm mùng 2 tháng này trong khi đi thăm Bắc kinh, ngoại trưởng Romulo nói rằng: "tranh chấp và xung đột giờ đây đã kết thúc; và vùng biển Đông đã từ một nơi được xem là điểm nóng có thể làm bùng ra những vụ xung đột cấp khu vực trở thành một vùng biển của hợp tác, hòa bình và phát triển." Ông Romulo còn nói thêm rằng tuyên bố "vấn đề đã được giải quyết" của ông chẳng những đề cập đến vấn đề giữa Trung quốc và Philippin mà còn là với những nước khác đòi chủ quyền và quyền lãnh thổ trong vùng biển Đông.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm thứ ba vừa qua ở Manila, đại diện của Công ty Dầu khí quốc gia Philippin, ông Eduardo Manalac đã bác bỏ những mối quan tâm đối với vấn đề an ninh của cách chuyên gia thực hiện cuộc khảo sát ở biển Đông. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng thỏa thuận ba bên này là một vụ giao dịch thương mại và không liên hệ gì đến quan điểm chính trị của các chính phủ. Mặc dù vậy, ông Manalac còn cho biết thêm rằng 3 công ty tham gia dự án khảo sát chung hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ trở thành một khuôn mẫu để các nước khác noi theo nhằm gác qua một bên những mối tranh chấp chính trị để hợp tác với nhau và tiến tới mục tiêu tự túc về năng lượng của các nước Á châu.

Trong khi đó, tại Trung quốc, chính phủ ở Bắc kinh cũng đã đưa ra một nhận định tương tự. Sau khi lên tiếng ca ngợi thỏa thuận ở Manila là một diễn tiến có tầm quan trọng về mặt lịch sử và chính trị, giới hữu trách Bắc kinh đã cho đăng tải một bài bình luận trên trang nhất của tờ Trung quốc Nhật báo, số ra ngày 18 tháng 3, với tiêu đề "Một sự lựa chọn hợp lý và tất cả các bên cùng có lợi".

Trong bài bình luận này có đoạn nói rằng trong những năm cuối của thập niên 1970, cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố lần đầu tiên là phía Trung quốc sẵn sàng giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền với các lân bang dựa trên mô thức "gác tranh chấp qua một bên để cùng phát triển." Cũng theo bình luận vừa kể, thỏa thuận 3 bên ở Manila là một minh chứng của điều mà họ gọi là "trí tuệ chính trị hàm chứa trong chủ trương của đồng chí Đặng Tiểu Bình."

Về phần Việt Nam, một số nhà phân tích cho rằng sự tham gia của Hà nội trong thỏa thuận này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì Việt Nam là nước duy nhất trong số các nước đòi chủ quyền Trường sa từng lên tiếng chống đối thỏa thuận nghiên cứu chung mà Trung quốc và Philippin ký kết hồi năm ngoái. Ngoài ra, Việt Nam còn tranh chấp chủ quyền với Trung quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, là nơi mà quân đội Trung quốc đã tiến chiếm năm 1974 sau một cuộc giao tranh khốc liệt với lực lượng hải quân của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Một số các nhà quan sát nói rằng tính chất phức tạp và đa dạng của những mối tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Việt Nam và Trung quốc, cộng với những sự chỉ trích của dân chúng đối với cách xử lý vấn đề này, đã khiến giới hữu trách Hà nội dè dặt, thận trọng hơn trong các cuộc thương thảo với các nước khác về những kế hoạch nhằm tiến tới việc khai thác chung tài nguyên trong vùng biển Đông. Hôm thứ hai vừa qua, khi được hỏi về thỏa thuận 3 bên ở Manila, phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không quên đề cập tới việc các bên ký kết "khẳng địng rằng việc ký thỏa thuận không làm phương hại đến lập trường cơ bản của chính phủ mỗi bên về vấn đề biển Đông."

Nhiều nhà quan sát tình hình Á châu cho rằng tuy vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường sa vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa nhưng xu thế hòa hoãn của các phe liên hệ là một diễn tiến đáng phấn khởi, nhất là trong bối cảnh của những mối căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền bùng ra hồi gần đây giữa các nước khác ở Á châu.

Về phía nam Trường sa, nhiều vụ biểu tình bạo động đã bùng ra ở Indonesia đòi "đè bẹp Malaysia" sau khi Jakarta tranh cãi với Kuala Lumpur về chủ quyền trong vùng biển Sulawesi nằm giữa tiểu bang Sabah của Malaysia và tỉnh Đông Kalimantan của Indonesia. Hiện giờ, các chiến hạm của hải quân hai nước vẫn còn hoạt động trong cùng vùng biển này tuy một cuộc họp giữa 2 vị ngoại trưởng đã được ấn định vào ngày thứ ba và thứ tư tuần này để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vụ tranh chấp. Xa hơn về phía Bắc của Trường sa, vụ tranh chấp chủ quyền giữa Nhật bản và Nam Triều Tiên liên quan tới một nhóm đảo nhỏ trong vùng biển Nhật bản đã khiến quan hệ giữa đôi bên vốn đã căng thẳng lại trở nên căng thẳng hơn.

Hôm thứ năm vừa qua, Chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia Nam Triều Tiên lên tiếng cảnh báo chính phủ Nhật bản về sự căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ song phương sau khi chính quyền huyện Shimane của Nhật ấn định ngày 22 tháng 2 là "ngày Takeshima". Đây là tên gọi của phía Nhật bản đối với nhóm đảo mà Nam Triều Tiên đang kiểm soát và gọi là "Dokdo". Cũng trong ngày thứ năm, các nhà lập pháp ở Hán Thành đã đưa ra đề nghị dựng trên đảo này một bức tượng khổng lồ của Đô đốc Yi Sun Shin, một vị tướng từng đẩy lui vụ xâm lăng của các chiến thuyền Nhật bản trong thế kỷ thứ 16.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG