Đường dẫn truy cập

Phụ nữ trong các ngành công nghiệp và khoa học


Trong một bài diễn văn đọc trước Văn Phòng Toàn Quốc Khảo Cứu Kinh Tế, Viện Trưởng đại học Harvard Lawrence Summers nêu vấn đề rằng phải chăng trời sinh ra nam giới thích hợp hơn trong các ngành công nghiệp và khoa học. TTV Faiza Summers của đài TNHK tường trình rằng, sau đó thì lời nhận định này đã gây ra tranh cãi sôi nổi để phản đối và ông đã phải lên tiếng xin lỗi ,và có lẽ đã tạo được một tiến bộ. Mời quí vị nghe những chi tiết sau đây trong Lá Thư Mỹ Quốc với Lan Phương:

Theo ông Viện trưởng viện Đại học Harvard thì nam sinh thường có điểm số về khoa học ở mức thấp nhất lẫn cao nhất, trong khi điểm số của nữ sinh trong những môn này thường chỉ ở mức trung bình.

Viện Trưởng viện đại học Harvard gợi ý rằng sự khác biệt bẩm sinh nội tại giữa phái nam và phái nữ có thể giúp giải thích tại sao ít phụ nữ thành công hơn trong những địa hạt về toán và khoa học. Lời phát biểu của ông Viện Trưởng đại học Harvard đã khiến cho nhà sinh vật học Nancy Hopkins, ngồi trong đám cử tọa, không thể tin vào lỗ tai của bà.

Lúc đầu thì tôi quá ngạc nhiên và tôi không chắc được là mình có nghe nhầm hay không. Nhưng khi định thần lại và thấy rằng mình nghe đúng thì tôi bực quá và lại lo nữa. Bởi vì chúng ta đã có rất nhiều cuộc khảo cứu cho thấy những ý kiến đang được ông Viên Trưởng bày tỏ là không có cơ sở.

Nhà sinh vật học tốt nghiệp tại Harvard này là 1 nhân chứng sống cho thấy phụ nữ có thể thành công trong các ngành nghề về khoa học. Giờ đây bà Nancy Hopkins, 1 giáo sư dạy tại học viện Massachusetts Institue of Technology, tức MIT, nói rằng bà chọn theo đuổi ngành sinh học vì môn này làm cho bà say mê.

Trong lúc còn ở ban cử nhân tại Harvard, đã có một lớp dạy về sinh học làm tôi vô cùng hứng thú. Một trong những giáo sự tên là Jim Watson, nhân vật đã khám phá ra cấu trúc của acit nhân tế bào tức DNA. Thế là tôi say mê môn sinh học phân tử và muốn trở thành một người đóng góp phần nào vào cuộc cách mạng khoa học này. Vì vậy tôi vào làm trong phòng thí nghiệm của giáo sư Watson sau khi có bằng cử nhân. Giáo sư cho tôi biết rằng tôi có khả năng để trở thành 1 khoa học gia. Và tôi đã làm được điều đó.

Và kể từ khi bà tốt nghiệp hơn 40 năm qua, con số phụ nữ trở thành khoa học gia cứ tăng lên đều đặn. Giờ đây phụ nữ chiếm đến ¼ lực lượng làm việc trong các ngành nghề về khoa học và công nghiệp, gấp hơn 3 lần số phụ nữ trong địa hạt này cách nay vài thập niên. Trong số này có rất nhiều người tham gia vào Hiệp Hội Phụ Nữ trong các ngành Khoa Học. Chủ tịch Hiệp Hội, bà Elilzabeth Ivey, cũng tốt nghiệp từ trường đại học Harvard. Bà hồi tưởng lại ngày bà học tại đại học này năm 1957, lúc đó chỉ có 3 phụ nữ trong chương trình tiến sỹ vật lý.

Chúng tôi chẳng là cái gì cả. Tôi muốn giải thích cho quí vị hiểu ở đây là: khi chúng tôi cần nói chuyện hay có thắc mắc gì muốn hỏi các giảng sư thì họ nói thẳng ra, như họ đã bảo tôi là: “Cô là đàn bà, vả lại tôi để ý thấy là cô đã lập gia đình, thế nên chẳng bao giờ cô đi tới nơi tới chốn trong ngành nghề này đâu. Vì vậy không bõ cho bất cứ giờ phút nào mà tôi bỏ ra hướng dẫn cho cô.”

Sau khi lấy được mảnh bằng tốt nghiệp, bà Elizabeth Ivey đã lập gia đình và phải nuôi dạy con cái. Nhưng bà cho biết 15 năm sau bà trở lại và tiếp tục thành công trong ngành vật lý.
Ngày nay nhiều phụ nữ vẫn theo đuổi nghề nghiệp trong địa hạt khoa học mà vẫn chăm sóc cho gia đình riêng của họ. Bà Sonya Summerous Clemmons phải nhìn nhận rằng muốn làm được như vậy thì ông chồng cũng phải phụ giúp đôi chút.

Điều mà tôi phải làm là giao cho ông chông tôi chăm sóc cho cô con gái của chúng tôi. Thời biểu làm việc của tôi chật cứng và tôi phải điều phối để sao cho chu toàn tất cả. Để cho các bà có thể đạt tới nhiều thành quả hơn thì các ông chồng cần phải tỏ ra linh động hơn, chịu khó phụ giúp một tay vào việc nhà.

Bà Summerrour Clemmons là phụ nữ Mỹ gốc Phi châu đầu tiên được cấp văn bằng tiến sỹ về công nghệ sinh học của đại học California tại San Diego. Bà nói rằng nếu phụ nữ muốn đi về các ngành kỹ thuật thì điều này có thể là nhiều thử thách hơn , nhưng quyết tâm, chứ không phải phái tính, mới là yếu tố then chốt cho thành công. Bà nói tiếp:

Cũng có khối đàn ông chẳng thích toán hay khoa học. Thích hay không là tùy từng cá nhân. Chỉ có một giới hạn duy nhất là giới hạn tự mình đặt ra. Nếu cứ tự mình đặt ra giới hạn cho mình thì cuối cùng sẽ chui vào cái hũ nút.

Chuyên gia về sinh vật học Nancy Hopkins tại học viện MIT cũng đồng ý như vậy . Bà lo ngại là lời bình luận của Viện Trưởng đại học Harvard ngụ ý rằng đàn bà con gái không có khiếu về khoa học có thể khiến cho nữ giới nản lòng và có thể sẽ không tiến vào địa hạt này cho dù họ có tài.

Có rất nhiều cô gái, chúng ta không thể biết đích xác được con số là bao nhiêu, rất say mê các ngành khoa học, toán, và công nghệ , như tôi đã say mê. Chúng ta không muốn làm họ nản lòng vì đây là một nghề nghiệp vô cùng tốt đẹp . Vì thế mà tôi lo khi thấy người ta cứ phân loại mọi người theo cái thành kiến cổ hủ cho rằng đàn bà con gái không có khả năng về khoa học. Chính những thành kiến này là trở ngại ngăn cản phụ nữ tiến vào các địa hạt khoa học, công nghệ.

Giáo sự Hopkins nói rằng bà hài lòng khi thấy Viện Trưởng Lawrence Summers đã ngỏ lời xin lỗi về điều mà ông đã lỡ nói. Nhưng bà cho biết là bà còn vui hơn khi thấy lời nhận định của Viện Trưởng đại học Harvard đã làm phát sinh nhiều cuộc tranh luận về những gì phụ nữ đã đạt được trong địa hạt khoa học, kỹ thuật và công nghệ, và những gì mà họ sẽ có thể thành đạt được trong tương lai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG