Đường dẫn truy cập

LHQ: Tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế toàn cầu sẽ tùy thuộc vào sự thay đổi giá trị của đồng đôla


LHQ cảnh báo rằng tình trạng mất cân đối kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là nạn nhập siêu của Hoa Kỳ, sẽ không khắc phục được bằng sự trượt giá nhanh chóng của đồng đô-la Mỹ như nhiều người trông đợi. Trong phúc trình thường niên của mình nhan đề là “Tình hình và Triển vọng kinh tế Thế giới,” LHQ nói rằng tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ tùy thuộc vào sự thay đổi giá trị của đồng đô-la và phương cách giải quyết tình trạng mất cân đối kinh tế toàn cầu. Sau đây là tường trình của TTV đài TNHK Lisa Schlein từ trụ sở LHQ ở thành phố New York.

Phúc trình của LHQ cảnh báo rằng vẫn có khả năng xảy ra tình trạng kinh tế thế giới đột ngột suy thoái và gây ra nhiều thiệt hại. Phúc trình cũng nói rằng việc hạ giá đồng đô-la không thôi sẽ không đủ để giảm bớt tình trạng mất cân đối kinh tế toàn cầu xuống đến mức ổn định bền vững một cách có trật tự.

Các chuyên gia kinh tế LHQ giải thích rằng sự mất giá của đồng đô-la không giúp khắc phục được tình trạng vừa nêu bởi vì đồng đô-la là chỉ tệ chính trong hoạt động giao dịch toàn cầu.

Tổng biên tập của phúc trình của LHQ, ông Ian Kinniburgh, nói rằng một mình Hoa Kỳ không thể sửa chữa được vấn đề này. Theo ông, cả các nước nhập siêu lẫn các nước xuất siêu đều phải hành động để ngăn ngừa tình trạng suy thoái trong nền kinh tế thế giới. Ông Kinniburgh nói:

Chúng tôi tin rằng các nước khác cũng cần có hành động tương tự. Như thế là bởi vì nếu chỉ có hành động nhắm vào Hoa Kỳ—với lý do hiện nay Hoa Kỳ là động cơ thúc đẩy tăng trưởng—nếu chúng ta làm cho kinh tế Mỹ phát triển chậm lại để sửa đổi tình trạng mất cân đối ở Hoa Kỳ, thì sẽ gây ra tác động ngược lại—nghĩa là sẽ xảy ra hiện tượng kinh tế toàn cầu bị co lại. Do đó, cần phải có những biện pháp kích thích ở những nước khác để chống lại xu thế đó.

Ông Kinniburgh nói rằng nhiều đối tác giao thương với Hoa Kỳ có mức xuất siêu tăng nhanh cần có biện pháp để sửa chữa tình trạng mất cân đối kinh tế toàn cầu. Ví dụ, theo ông, các nước như Nhật Bản, các nước Tây Âu, và các nước đang phát triển ở châu A,Ù có thể có biện pháp kích cầu ở trong nước.

Mặc dù có tình trạng suy giảm, phúc trình của LHQ đưa ra một sự đánh giá nói chung là lạc quan về nền kinh tế thế giới. Phúc trình nói rằng trong năm qua kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 4 phần trăm, và người ta tin rằng mức tăng trưởng trong năm nay sẽ là 3 ,25 phần trăm.

Phúc trình của LHQ nói rằng mặc dù giá dầu hỏa đã tăng trong năm qua, mức tăng này không quá cao so với tình hình trong thập niên 1980. Theo phúc trình, nhu cầu nhiên liệu của Trung quốc và sự phát triển mạnh của kinh tế thế giới đã đảo ngược tình hình trượt giá kéo dài của các loại hàng hóa không phải là dầu hỏa. Ông Kinniburgh nói rằng điều này rất quan trọng đối với một số nước nghèo:

Giá cả khá cao của các loại hàng hóa không phải là dầu hỏa góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở các nước nghèo, thực chất là vì nó tạo ra sự chuyển dịch thu nhập từ các nước giàu có hơn--giàu có hơn rất nhiều, tuy không phải là trong tất cả mọi trường hợp-- đến một số nước nghèo hơn này. Ở đây chúng ta muốn đặc biệt nói tới một số quốc gia châu Phi, và đặc biệt là những nước xuất khẩu khoáng sản. Do đó, trên thực tế, sự gia tăng trong giá cả của các loại hàng hóa không phải là dầu hỏa đã có lợi cho những nước đang phát triển.

Phúc trình của LHQ nói rằng những thị trường hàng hóa mạnh hơn đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển lên đến mức 5,5 phần trăm trong năm 2004-đây là mức cao nhất trong 2 thập niên qua. Cũng theo phúc trình, mức tăng trưởng 4,5 phần trăm của châu Phi đã đạt được nhờ sản lượng nông phẩm cao hơn, tình hình ổn định chính trị được cải thiện, và sự hỗ trợ của các nước cung cấp viện trợ, cũng như nhờ có những thị trường hàng hóa phát triển hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG