Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030


Tàu vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang châu Âu xuất phát từ ga Đồng Đăng sang hướng đường sắt Trung Quốc. Ảnh: VNR.
Tàu vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang châu Âu xuất phát từ ga Đồng Đăng sang hướng đường sắt Trung Quốc. Ảnh: VNR.

Việt Nam đặt mục tiêu khởi công xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc trước năm 2030, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ Việt Nam được truyền thông trong nước đăng tải hôm 10/4 cho biết.

Đây được xem là một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ nồng ấm lên gần đây giữa hai quốc gia láng giềng do Cộng sản cai trị, theo nhận định của Reuters.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Hai nước hiện đã được kết nối thông qua hệ thống đường cao tốc và hai tuyến đường sắt cũ, mà phía Việt Nam cần phải nâng cấp.

Một trong những tuyến đường cao tốc sẽ chạy từ các thành phố cảng Hải Phòng và Quảng Ninh của Việt Nam qua Hà Nội đến tỉnh Lào Cai, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong một thông báo đưa ra vào cuối ngày 9/4 được Reuters trích dẫn.

Theo kế hoạch, tuyến còn lại sẽ chạy từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn, giáp khu vực Quảng Tây của Trung Quốc, đi qua khu vực đông dân cư với các cơ sở sản xuất toàn cầu, trong đó có một số thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc.

"Ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc", VnEpxress dẫn thông báo kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050, nói.

Thông báo không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các dự án.

Vẫn theo VnExpress, Thường trực Chính phủ cho biết mục tiêu của việc nghiên cứu mở rộng, phát triển, tổ chức giao thông là nhằm giải quyết tắc nghẽn trong khu vực, và các cơ quan được yêu cầu rà soát tuyến đường hành lang công nghiệp để bảo đảm kết nối giao thông, giảm thiểu chi phí logistic cho việc phát triển công nghiệp.

Đầu tháng này, Việt Nam nói đang tìm cách học hỏi Trung Quốc để phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc đầu tiên và đã cử quan chức đến làm việc với các công ty đường sắt Trung Quốc.

Một tuyến đường sắt cao tốc khổng lồ nối thủ đô Hà Nội với trung tâm thương mại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được lên kế hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã gặp lãnh đạo các công ty đường sắt Trung Quốc hôm 8/4 trong chuyến thăm Bắc Kinh, nơi ông được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp.

Thông báo mới nhất được đưa ra sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả về đường sắt, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12.

Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam được Reuters trích dẫn, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quý đầu năm nay đã tăng 22% so với một năm trước đó, lên 43,6 tỷ USD.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng Trung Quốc có những tranh chấp hàng hải kéo dài ở Biển Đông với nước láng giềng phía Nam.

Mặc dù vậy, những diễn biến gần đây cho thấy căng thẳng đã giảm bớt, khi Bắc Kinh nồng nhiệt đón tiếp một số nhà lãnh đạo từ Việt Nam trong tuần này, giữa bối cảnh nước này chuyển sang tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực nhằm giữ khoảng cách với Mỹ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG