Đường dẫn truy cập

Bộ Tư pháp Mỹ kiện Apple, cáo buộc độc quyền phi pháp thị trường điện thoại thông minh


Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland cùng với Bộ trưởng Tư pháp New Jersey Matthew Platkin và Phó Bộ trưởng Tư pháp Lisa Monaco phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Tư pháp ở Washington vào ngày 21/3/2024.
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland cùng với Bộ trưởng Tư pháp New Jersey Matthew Platkin và Phó Bộ trưởng Tư pháp Lisa Monaco phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Tư pháp ở Washington vào ngày 21/3/2024.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm 21/3 công bố một vụ kiện chống độc quyền sâu rộng đối với Apple, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ đang độc quyền bất hợp pháp về điện thoại thông minh nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, kìm hãm sự đổi mới và khiến cho giá tăng cao một cách giả tạo.

Vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở New Jersey, trong đó cáo buộc rằng Apple giữ thế độc quyền trên thị trường điện thoại thông minh và tận dụng quyền kiểm soát iPhone để “tham gia vào một hành vi bất hợp pháp, lâu dài và sâu rộng”.

Phó Bộ trưởng Tư pháp Lisa Monaco nói rằng “Apple đã khóa người tiêu dùng của mình vào iPhone trong khi loại các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường”. Bà cho rằng việc ngăn chặn sự phát triển của chính thị trường mà nó đã cách mạng hóa đã “bóp nghẹt toàn bộ ngành công nghiệp”.

Apple nói vụ kiện là “sai sự thật và phi pháp” và cho biết họ “sẽ mạnh mẽ chống lại nó”.

Vụ kiện cũng nhắm vào cách Apple bị cáo buộc tạo dựng các mối quan hệ kinh doanh và công nghệ của mình để “kiếm thêm tiền từ người tiêu dùng, người lập trình, người sáng tạo nội dung, các nghệ sĩ, nhà xuất bản, doanh nghiệp nhỏ, thương gia và những người khác”.

Nó bao gồm việc giảm bớt chức năng của các đồng hồ thông minh không phải của Apple, hạn chế quyền truy cập thanh toán điện tử đối với ví kỹ thuật số của bên thứ ba và từ chối cho phép ứng dụng iMessage trao đổi tin nhắn được mã hóa với các nền tảng cạnh tranh.

Đặc biệt, vụ kiện tìm cách ngăn chặn Apple phá hoại các công nghệ cạnh tranh với những ứng dụng của chính họ – trong các lĩnh vực bao gồm streaming trực tuyến, nhắn tin và thanh toán kỹ thuật số – và ngăn hãng này tiếp tục ký hợp đồng với các nhà lập trình, nhà sản xuất phụ kiện và người tiêu dùng để Apple “có được, duy trì, mở rộng hoặc củng cố sự độc quyền”.

Vụ kiện – được đệ trình lên 16 tổng chưởng lý tiểu bang – chỉ là ví dụ mới nhất về việc thực thi chống độc quyền mạnh mẽ của một cơ quan chính quyền, vốn đã từng áp dụng đối với Google, Amazon và những gã khổng lồ công nghệ khác với mục đích được nêu là làm cho thế giới kỹ thuật số trở nên công bằng, sáng tạo và cạnh tranh hơn.

“Bộ Tư pháp có một di sản lâu đời khi xử lý các công ty độc quyền lớn nhất và khó khăn nhất trong lịch sử”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Jonathan Kanter, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền, cho biết tại cuộc họp báo công bố vụ kiện. “Hôm nay chúng tôi đứng đây một lần nữa để thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới cho thế hệ công nghệ tiếp theo”.

Nhà nghiên cứu chống độc quyền Dina Srinavasan, một thành viên của Đại học Yale, so sánh tầm quan trọng của vụ kiện với hành động của chính phủ chống lại Microsoft một phần tư thế kỷ trước – chọn một “cuộc chiến lớn” chống lại công ty thịnh vượng nhất thế giới.

“Thực sự là dữ dội khi tiến tới và đấm vào một kẻ đang hành động như một kẻ bắt nạt mà giả vờ không phải là kẻ bắt nạt”, bà nói.

Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang thực thi mạnh mẽ các đạo luật chống độc quyền.

Apple nói vụ kiện, nếu thành công, sẽ “cản trở khả năng của chúng tôi trong việc tạo ra loại công nghệ mà mọi người mong đợi từ Apple — nơi phần cứng, phần mềm và dịch vụ giao thoa nhau” và sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào việc thiết kế công nghệ của con người”.

“Tại Apple, chúng tôi đổi mới mỗi ngày để khiến mọi người yêu thích công nghệ — thiết kế các sản phẩm hoạt động liền mạch với nhau, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của mọi người, đồng thời tạo ra trải nghiệm kỳ diệu cho người dùng”, công ty nói trong một tuyên bố. “Vụ kiện này đe dọa chúng tôi là ai và những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple trong các thị trường cạnh tranh khốc liệt.”

Hồ sơ vụ kiện nói rằng Apple tính phí tới 1.599 USD cho một chiếc iPhone và tỷ suất lợi nhuận cao mà họ kiếm được trên mỗi chiếc cao hơn gấp đôi so với những gì những công ty khác trong ngành nhận được. Và khi người dùng sản phẩm của Apple thực hiện tìm kiếm trên internet, Google sẽ “cắt một khoản đáng kể” doanh thu quảng cáo mà những tìm kiếm đó tạo ra.

Cửa hàng ứng dụng của công ty cũng tính phí đối với những người lập trình tới 30% giá ứng dụng cho người tiêu dùng.

Các cơ quan quản lý chống độc quyền nói rõ trong đơn khiếu nại rằng họ coi hệ sinh thái khép kín của Apple chủ yếu là vũ khí để ngăn chặn sự cạnh tranh, tạo ra các điều kiện thị trường cho phép hãng tính giá cao hơn, giúp tăng tỷ suất lợi nhuận cao trong khi kìm hãm sự đổi mới sáng tạo.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG