Đường dẫn truy cập

Ông Phạm Minh Chính yêu cầu đại diện Mỹ ‘ưu tiên’ nguồn lực ngành bán dẫn cho Việt Nam


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) tiếp ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, tại Hà Nội vào ngày 7/12/2023.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) tiếp ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, tại Hà Nội vào ngày 7/12/2023.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong buổi tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) hôm 7/12 đã yêu cầu phía Mỹ “tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn”, TTXVN đưa tin.

Ông John Neuffer và lãnh đạo các công ty về bán dẫn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Qualcom, Ampere và ARM, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây là chuyến thăm thứ 2 của ông đến Việt Nam kể từ sau khi hai nước Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện, mở ra nhiều tiềm năng hợp tác lớn về công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

Trước đó, ông Neuffer đã đến Việt Nam làm việc vào tháng 1/2023, và sau đó vào tháng 10/2023.

Tại buổi tiếp ông Neuffer và SIA vào ngày 7/12, Thủ tướng Việt Nam nói trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới được thiết lập gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí coi khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột mới quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, cần huy động nguồn lực, trí tuệ và ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm cho Việt Nam, đặc biệt là ngành bán dẫn mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế đáng kể, TTXVN tường thuật.

Việt Nam được xem là trung tâm của chiến lược tìm kiếm các lựa chọn thay thế của Mỹ nhằm giảm bớt dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu thô và sản xuất các thành phần chính trong chuỗi cung ứng công nghệ, đặc biệt là chất bán dẫn, trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ và an ninh quốc gia ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, theo Wired, nhiều chuyên gia về chuỗi cung ứng ở cả Washington và Hà Nội đều cảnh báo rằng Việt Nam không thể sớm thay thế quy mô, kỹ năng sản xuất công nghệ, cũng như lực lượng lao động của Trung Quốc.

Vào đầu tháng 10, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gặp đại diện của Amkor, một công ty Mỹ chuyên lắp ráp chip mới thành sản phẩm đang hoạt động, để khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip trị giá 1,6 tỷ USD gần Hà Nội. Ông Chính đã kêu gọi tăng tốc đầu tư để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu mở rộng lực lượng lao động bán dẫn gấp 10 lần vào năm 2030.

Wired dẫn lời một chuyên gia cho biết, theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn, hầu hết nằm rải rác ở 36 công ty sản xuất chip không phải của Việt Nam, và công nhân Việt Nam chủ yếu đảm nhận những vị trí có tay nghề thấp.

Tại cuộc gặp hôm 7/12, Thủ tướng Phạm Minh chính nói với Chủ tịch SIA rằng Việt Nam đang xây dựng chiến lược và dự án phát triển nguồn nhân lực cùng với các ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà sản xuất, thiết kế và phát triển chất bán dẫn hàng đầu nước ngoài vào nước.

Ông nói hiện Việt Nam có khoảng 6.000 kỹ sư làm việc trong ngành bán dẫn cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, và đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư có tay nghề cao từ nay đến năm 2030, đặc biệt tập trung vào thiết kế chip bán dẫn.

Ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị SIA thúc đẩy để Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và loại bỏ các biện pháp kiểm soát mà ông nói là “không cần thiết” trong việc chuyển giao công nghệ.

Về phía đại diện Mỹ, ông Neuffer nói Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Mỹ trong ngành bán dẫn và có thể đóng vai trò là đối tác chiến lược trong việc cung cấp lực lượng lao động. Ông nói các doanh nghiệp Mỹ đang rất nóng lòng chờ đợi chiến lược bán dẫn quốc gia của Việt Nam, và ông tin rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo Sài Gòn Giải Phóng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG