Đường dẫn truy cập

Edward Snowden là một người can đảm


Nếu bạn sống ở Mỹ và đọc bài viết này trên mạng thì rất có thể những dữ liệu điện tử trong điện thoại tinh khôn hay máy điện toán để bàn mà bạn sử dụng đang được cơ quan NSA – National Security Agency, tức Cơ quan An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ – thu thập.

Việc làm này của NSA có vi phạm luật pháp Hoa Kỳ không là điều đang còn tranh cãi. Chánh án Richard Leon cho rằng thu thập dữ kiện điện thoại của cá nhân là vi phạm luật pháp, còn Chánh án William H. Pauley III vào tuần trước đã đưa ra kết luận NSA không phạm luật trong vụ ACLU (American Civil Liberties Union, Hiệp hội Dân quyền Mỹ) đứng ra kiện cơ quan này.

Theo thông tin đã phổ biến thì NSA chỉ thu thập dữ kiện để đó thôi. Vì thế việc làm của bạn chắc chắn không gây chú ý cho những nhà phân tích tình báo của NSA, vì hành động đọc bài báo này trên mạng chẳng có tí gì làm nguy hại hay đe doạ an ninh nước Mỹ. Vì thế bạn không nên lo sợ sẽ bị liên lụy đến pháp lý hay bị nghi ngờ có hành vi khủng bố chống lại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên đối với nhiều người Mỹ, trong đó có tôi, sự việc chính phủ dòm ngó vào đời sống riêng tư của dân, qua việc thu thập dữ liệu điện tử từ điện thoại hay máy điện toán cá nhân là điều không chấp nhận được vì quyền riêng tư của công dân ghi trong Hiến pháp đã bị vi phạm.

Trong đời sống ở Hoa Kỳ ngày nay, khi bạn bước ra khỏi nhà thì hầu như mọi động thái đều bị theo dõi.

Vừa bước vào một cửa tiệm hình ảnh của bạn đã được ghi vào hệ thống màn hình kiểm soát an ninh do chủ tiệm cài đặt. Vào một ngân hàng nhiều khi bạn còn thấy rõ hình ảnh mình đang đứng xếp hàng chờ được phục vụ.

Tại trường học, từ cấp một đến đại học cũng có nhiều máy quay hình theo dõi các hoạt động của học sinh, sinh viên.

Trên xa lộ có máy quay để các đài truyền hình tường thuật lưu thông, để sở giao thông kiểm soát lưu lượng xe. Ngoài phố nhiều ngã tư có máy quay để ghi phạt những ai vượt đèn đỏ.

Máy quay hình được cài đặt ở khắp nơi nhưng Hoa Kỳ không phải là quốc gia với chế độ công an trị mà là một đất nước pháp trị. Nhưng khi nhà nước soi mói vào cuộc sống riêng tư mà không có những lý do đáng ngại hay có phép của một chánh án thì đó là hành vi phạm luật. Tổng thống Richard Nixon mất chức cũng vì để cho giới chức thuộc cấp nghe lén đối thủ.

Tất cả những ghi nhận hình ảnh đó chỉ là tạm thời, phòng hờ khi có kẻ xâm nhập vào cơ sở thương mại, vào trường học để làm những điều phi pháp, như ăn cướp hay bắn súng vào đám đông, khi đó những thước phim sẽ giúp giới chức trách tìm ra thủ phạm, truy tố theo pháp luật.

Ngay cả nơi cư trú của bạn, nhiều gia đình nay cũng gắn máy thu hình chung quanh nhà để ngăn ngừa kẻ trộm đột nhập.

Những biện pháp phòng ngừa đó hầu hết là của tư nhân, của chủ cơ sở thương mại. Còn những nơi như đường phố, trường học, công sở là vì sự an toàn và an ninh của dân nên các máy thu hình được đặt hoạt động giữa nơi công cộng.

Nhưng khi ở trong nhà của một người thì những gì thuộc về cá nhân mà bị nhà nước soi mói vào là điều người dân không chấp nhận vì dân quyền đã bị chính phủ Mỹ vi phạm.

Ngày nay tính chất riêng tư cá nhân không còn giới hạn trong nơi cư trú hay trong chiếc xe sở hữu mà những gì thuộc về một người như điện thoại di động, máy điện toán được sử dụng bất cứ ở đâu khi cần, tất cả đều là chốn riêng tư của một cá thể.

Thế nhưng NSA đã thu thập tín hiệu điện tử phát ra từ điện thoại của hầu hết mọi cuộc điện đàm ở Mỹ mà người dân ít ai biết.

Cho đến khi Edward Snowden, cựu nhân viên làm việc theo hợp đồng cho cơ quan NSA tiết lộ vào giữa năm 2013.

Từ trước đến nay vẫn có một số cơ quan chức năng nhà nước có thể nghe những cuộc điện thoại, có thể theo dõi hay vào nhà khám xét, với điều kiện phải có lệnh của một chánh án. Nếu không có phép của cơ quan tư pháp thì việc làm của cảnh sát hay giới chức an ninh đã xâm phạm đến sinh hoạt cá nhân, nơi cư trú của dân, như thế là vi phạm dân quyền theo Tu chính án Số 4 của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Sau khi có vụ tấn công 9/11 vào ngay trung tâm của nước Mỹ cách đây 13 năm, luật pháp về bảo vệ an ninh cho nước Mỹ có nhiều thay đổi. Bộ luật Patriot Act 2001 đã cho chính quyền nhiều quyền hành hơn trong việc theo dõi những ai có hành vi được cho là có thể làm nguy hại an ninh nước Mỹ, như nghe lén, theo dõi các hoạt động trên mạng, việc di chuyển của những thành phần mà giới chức trách cho rằng có liên quan đến khủng bố.

Nhưng những việc làm của giới chức an ninh Mỹ nay đã đi quá xa và xâm phạm đến cuộc sống riêng tư của người dân Hoa Kỳ.

Theo Edward Snowden, NSA đã thu thập thông tin cá nhân của dân Mỹ qua các cuộc điện thoại và cả các hoạt động như gửi email hay vào các trang mạng. Nói chung là các sinh hoạt sử dụng phương tiện điện tử thường ngày của một công dân đều được NSA thu thập dữ kiện. Trong khi trước đó các giới chức cao cấp trong chính quyền luôn nói chính phủ không làm chuyện đó.

Snowden là một chuyên viên kỹ thuật điện toán làm việc cho NSA đến tháng 5-2013, khi ông lấy cắp một số dữ liệu khổng lồ của cơ quan này rồi bỏ trốn sang Hồng Kông, sau đó đến Nga và dự định sẽ đi Cuba trước khi đến một quốc gia Nam Mỹ xin tị nạn. Nhưng ông đã bị kẹt ở Nga và hiện được cho hưởng qui chế tạm dung một năm. Trong khi đó chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định rút lại hộ chiếu Mỹ của ông.

Cho đến lúc này Snowden không tiết lộ những bí mật quốc gia làm hại Hoa Kỳ, ông chỉ muốn cho người dân thấy NSA đã thu thập những dữ kiện sinh hoạt thường ngày của công dân mà không có phép từ một vị chánh án. Những việc làm của NSA theo ông đã vi phạm quyền căn bản của dân như được ghi trong Tu chính án Số 4 của Hiến pháp.

Tu chính án này bảo vệ quyền riêng tư của người dân trong đó bao gồm thân thể, nhà cửa, các hồ sơ và những vật dụng, không cho phép cơ quan nhà nước xâm phạm vào nếu không có lệnh của toà hay có những lí do chính đáng.

Trước đây, trong những cuộc điện đàm, trong trao đổi email hay những lúc lên mạng đọc báo hay tìm kiếm thông tin trong đầu tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện nhà nước sẽ dòm ngó mình đọc gì, viết gì vì biết rằng những việc chính quyền theo dõi, dò xét vào đời tư của một công dân bị luật phát ngăn cấm.

Tiết lộ của Edward Snowden cho người dân thấy chính phủ Mỹ đang xâm phạm quá nhiều vào đời tư của họ.

Tôi không nghĩ Snowden làm thế là vì tiền hay vì thù ghét nước Mỹ. Ông chỉ muốn bảo vệ nền dân chủ Mỹ, không muốn thấy chính phủ lạm dụng quyền hành, nhân danh an ninh quốc gia để vi phạm hiến pháp, chà đạp dân quyền.

Như thế Edward Snowden là một người can đảm.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG