Đường dẫn truy cập

Thái Lan: Xung đột đe dọa các cuộc bầu cử bổ sung


Nhiều cử tri tại một số nơi ở Bangkok và miền nam Thái Lan không đi bỏ phiếu được vì người biểu tình ngăn không cho các lá phiếu được đưa đến các phòng phiếu.
Nhiều cử tri tại một số nơi ở Bangkok và miền nam Thái Lan không đi bỏ phiếu được vì người biểu tình ngăn không cho các lá phiếu được đưa đến các phòng phiếu.
Các giới chức bầu cử Thái Lan nói không thể lên kế hoạch cho những cuộc bỏ phiếu thêm trong cuộc bầu cử nhiều căng thẳng tại nước này cho tới khi nào những cuộc biểu tình cản trở cuộc bầu cử chấm dứt. Người biểu tình chống chính phủ đã gây gián đoạn bầu cử hôm Chủ Nhật và nhất quyết tiếp tục các cuộc biểu tình ồ ạt ngoài đường phố để lật đổ chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Từ Bangkok, Thông tín viên Đài VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.

Những con số không chính thức cho thấy có khoảng 45% cử tri hội đủ điều kiện đi bầu đã tham gia cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật. Nếu được xác nhận, đây là một sự sụt giảm mạnh so với 75% cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử năm 2011.

Trong khi nhiều cử tri không đến các phòng phiếu, nhiều người tại một số nơi ở Bangkok và miền nam Thái Lan không đi bỏ phiếu được vì những người biểu tình ngăn không cho các lá phiếu được đưa đến các phòng phiếu.

Chính phủ tạm quyền nói sẽ tổ chức bỏ phiếu vòng hai cho những người không bỏ phiếu được vào ngày Chủ Nhật.

Nhưng ủy viên cao cấp Ủy ban bầu cử Somchai Sisutthiyakorn ngày hôm nay nói các cuộc bầu cử tại những khu vực này không thể tổ chức được cho đến khi những cuộc biểu tình chống chính phủ chấm dứt.

Ông Somchai nói muốn cuộc bầu cử thành công cần phải có sự thỏa hiệp của hai bên trong tình hình chính trị xáo trộn hiện nay. Chừng nào những tranh chấp vẫn còn tiếp diễn thì cuộc bầu cử sẽ không bao giờ thành công được.

Dù con số cử tri đi bầu thấp, các cử tri đi bỏ phiếu tại gần 90% các phòng phiếu trên toàn quốc. Việc bỏ phiếu bị bãi bỏ tại 69 đơn vị trong 18 tỉnh.

Các ứng cử viên thuộc 53 đảng do đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck Shinawatra lãnh đạo. Tại thủ đô Bangkok, trung tâm của chiến dịch chống chính phủ để ngăn cuộc bầu cử, con số cử tri đi bầu được ước lượng chỉ vào khoảng 25%.

Một ngày sau cuộc bầu cử, các người biểu tình trở lại đường phố tại trung tâm Bangkok, và bao vây một tòa nhà chính phủ nơi Thủ tướng Yingluck đang họp.

Lãnh tụ những cuộc biểu tình Suthep Thangsuban loan báo đám đông sẽ giải tán hai địa diểm biểu tình, và tập trung nỗ lực vào vào vài điểm biểu tình hiện có trong thành phố.

Những người chống đối chính phủ sẽ vận động với tòa án Thái Lan để vô hiệu hóa cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật, gây thêm những thách thức cho đảng cầm quyền.

Nhưng ông Gothom Areeya, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vì Hòa bình của trường đại học Mahidol, hy vọng là dù có những thách thức về luật pháp, tiến trình bầu cử nên được thực hiện.

“Việc hủy bỏ cuộc bầu cử là một đe dọa vì ngành tư pháp cho đến nay đã ban hành quá nhiều phán quyết và đối với tôi thì không hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu chúng ta có ý chí tiếp tục tiến trình khó khăn này, chúng ta có thể hoàn tất và thành lập một Quốc hội.”

Cuối năm ngoái Tòa án Bảo Hiến phán rằng đề nghị của đảng cầm quyền dùng các cuộc bầu cử trực tiếp để bầu các ghế trong Thượng viện là một âm mưu “lật đổ” dân chủ. Hiện nay một nửa ghế trong Thượng viện được các công chức và thẩm phán chỉ định.

Trong vụ bế tắc chính trị tại Thái Lan, người biểu tình cáo buộc đảng cầm quyền về tình trạng tham nhũng tràn lan và thế lực quá đáng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của Thủ tướng Yingluck, hiện đang sống lưu vong để tránh án tù về tội tham nhũng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG