Đường dẫn truy cập

Xã hội dân sự Thái bày tỏ quan tâm về bản dự thảo hiến pháp


Dự thảo hiến pháp được công bố vào ngày 29 tháng 1 bởi Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp do ông Meechal Ruchupan, chuyên gia luật hiến pháp 77 tuổi đứng đầu.
Dự thảo hiến pháp được công bố vào ngày 29 tháng 1 bởi Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp do ông Meechal Ruchupan, chuyên gia luật hiến pháp 77 tuổi đứng đầu.

Phiên bản mới nhất của hiến pháp mới của Thái Lan do Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp công bố chú trọng tới các biện pháp ngăn chặn tham nhũng và được xem là một bước chủ yếu của chính quyền quân nhân trong lộ đồ khôi phục dân chủ. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài chúng tôi tại Bangkok, xã hội dân sự và các tổ chức chính trị đã bày tỏ quan tâm và yêu cầu sửa đổi trước khi văn bản chung cuộc được đưa ra để dân chúng chấp thuận qua một cuộc trưng cầu dân ý trong năm nay.

Bản dự thảo mới nhất của hiến pháp mới đã gặp phải sự chỉ trích của các nhân vật hoạt động chính trị, giới học thuật và xã hội dân sự trong lúc nhiều người e rằng cuộc bầu cử mới có thể bị hoãn cho tới năm 2018.

Đây là bản dự thảo thứ nhì mà chính quyền quân nhân đưa ra kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2014. Bản dự thảo đầu tiên đã bị Quốc hội bác bỏ hồi tháng 9 năm ngoái.

Dự thảo này được công bố vào ngày 29 tháng 1 bởi Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp do ông Meechal Ruchupan, một chuyên gia luật hiến pháp, lãnh đạo. Văn kiện này cần phải trải qua một số thủ tục trước khi chính quyền có thể ấn định ngày bầu cử mới, trong lúc các nhà phân tích cho rằng đến năm 2018 mới có được cơ hội đầu tiên để tổ chức tổng tuyển cử.

Ông Meechal nói rằng bản sơ thảo này tập trung vào việc bài trừ tham nhũng và bảo đảm kỷ luật tài chánh trong chi tiêu của chính phủ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng một số qui định, trong đó có việc cho phép một vị thủ tướng không do dân bầu ra được điều hành chính phủ, đã gặp phải sự chỉ trích.

Ông Gotham Areeya, giảng sư của Đại học Mahidol và là một nhân vật tranh đấu nhân quyền, nói rằng các tổ chức xã hội dân sự đang họp để đưa ra những đề nghị về việc sửa đổi bản dự thảo và chuẩn bị cho một cuộc vận động để tranh luận về dự thảo hiến pháp nếu các đề nghị sửa đổi bị bác bỏ.

Ông Gotham cho biết các tổ chức xã hội dân sự có một số lo ngại, trong đó có những sự bất định về những lưa chọn của chính quyền quân nhân trong trường hợp dự thảo hiến pháp bị cử tri bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý.

Ông Gotham nói: "Chúng tôi có những mối quan tâm là nếu giữ nguyên thì dự thảo này sẽ không tốt cho công cuộc dân chủ hoá của chúng tôi. Điều làm cho tôi lo ngại nhiều nhất là chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu bản dự thảo bị bác trong cuộc trưng cầu dân ý. Cho nên chúng tôi cần làm rõ. Chúng tôi không muốn phải lựa chọn giữa những gì mà chúng tôi cho là không đúng với những gì mà chúng tôi hoàn toàn không biết."

Theo dự thảo mới nhất, sẽ có 350 thành viên quốc hội được bầu ra dựa trên đơn vị bầu cử đơn nhất, cộng với 150 thành viên khác từ danh sách của các đảng phái.

Ngoài ra, còn có 200 thượng nghị sĩ phi dân cử được chọn từ 20 đoàn thể xã hội và tổ chức nghề nghiệp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG