Đường dẫn truy cập

Vụ Vinalines: Ðề nghị y án tử hình Dương Chí Dũng, luật sư kêu gọi hủy án


Nguyên chủ tịch công ty hàng hải quốc doanh Vinalines Dương Chí Dũng.
Nguyên chủ tịch công ty hàng hải quốc doanh Vinalines Dương Chí Dũng.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hôm nay đề nghị y án tử hình đối với ông Dương Chí Dũng vì cho rằng ‘không có căn cứ xác định ông bị oan trong cáo buộc tham ô 10 tỷ đồng’ cũng như không giảm án dù gia đình bị cáo đã ‘khắc phục một phần hậu quả’.

Ngoài ra, ông Mai Văn Phúc cũng bị đề nghị y án tử hình như theo phán quyết của tòa sơ thẩm.

Công tố viên cho rằng các bị cáo đã làm trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng từ việc mua ụ nổi cũ nát của Nga.

Theo đại diện này, liên quan tới tội tham ô, 4 bị cáo đã chia nhau 1,66 triệu USD (khoảng 28 tỷ đồng) tiền ‘lại quả’ từ bên bán.

Tôi tin rằng với một nền pháp lý chuẩn xác thì phải hủy án để trả hồ sơ điều tra lại và đặc biệt phải chờ kết quả tương trợ tư pháp từ phía Nga.
Luật sư Trần Ðình Triển.
Sau ngày thứ 2 xử phúc thẩm, luật sư Trần Đình Triển, một trong 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng cho VOA Việt Ngữ biết rằng ‘Viện Kiểm sát không căn cứ vào những lời khai, những chứng cứ có trong hồ sơ và những chứng cứ sát thực để bổ xung cho lời khai để đánh giá’.

Luật sư này cũng cho biết về phản ứng của ông Dũng trước tòa:

“Trước hết thì ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có thái độ rất bình tĩnh, khiêm nhường và cũng rất đúng đắn, thể hiện một cái sự rất bình tĩnh thôi bởi vì bản thân họ thừa nhận có những việc đứng đầu cơ quan và dẫn tới sự việc mua cái ụ nổi như vậy, gây thất thoát cho nhà nước thì có trách nhiệm của mình. Cái tội cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm thì các anh như anh Dũng không kháng cáo. Nhưng tội tham ô thì anh trước sau khẳng định là anh không có liên quan đến việc thương thảo gì đến phía nước ngoài, và cũng không liên quan gì tới 1,66 triệu đôla và không có nhận bất cứ một xu nào chứ đừng nói là 10 tỷ từ chỗ Trần Hải Sơn”.

Hồi cuối năm ngoái, tòa sơ thẩm đã tuyên án tử hình đối với ông Dũng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải về tội tham ô, 28 năm tù về tội ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.
Tội cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm thì các anh như anh Dũng không kháng cáo. Nhưng tội tham ô thì anh trước sau khẳng định là không liên quan đến việc thương thảo gì đến phía nước ngoài, và cũng không liên quan gì tới 1,66 triệu đôla và không nhận bất cứ một xu nào chứ đừng nói là 10 tỷ từ chỗ Trần Hải Sơn.
Luật sư Trần Ðình Triển.
Một lãnh đạo khác của Vinalines, ông Mai Văn Phúc, nguyên tổng giám đốc, bị tuyên án tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước.

Tại phiên tòa này, ông Trần Hải Sơn, người khai việc đưa và chia tiền cho hai ông Dũng và Phúc bị tuyên án 22 năm tù cho tội tham ô và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Phiên xử phúc thẩm sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày mai, và luật sư Triển nhận định như sau về diễn biến tiếp theo của phiên tòa:

“Tôi tin chắc rằng với một sự tôn trọng pháp luật và tôn trọng chứng cứ để tránh làm oan người không có tội mà trước hết ở đây là hai mạng sống của con người, với những tài liệu mới mà tôi cung cấp tại phiên tòa, với những lời khai mâu thuẫn mà có dấu hiệu vu khống của ông Trần Hải Sơn cho ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc thì tôi tin rằng với một nền pháp lý chuẩn xác thì phải hủy án để trả hồ sơ điều tra lại và đặc biệt phải chờ kết quả tương trợ tư pháp từ phía Nga”.

Theo báo chí trong nước, trước phiên phúc thẩm, gia đình ông Dũng đã nộp cho Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội 4,7 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả cho vụ án Vinalines, và gia đình ông Phúc cũng đã nộp 3,5 tỷ đồng.

Các hãng thông tấn nước ngoài từng đưa tin về vụ xử nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải đều cho rằng bản án nghiêm khắc đối với ông Dũng và ông Phúc nhằm minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG