Đường dẫn truy cập

Vụ giết người xuyên biên giới gây lo ngại trong vùng đông bắc TQ


Binh sĩ Bắc Triều Tiên đứng gác tại một chốt canh trên sông Yalu gần thành phố Hyesan Ryanggang, đối diện thành phố biên giới Linjiang của Trung Quốc.
Binh sĩ Bắc Triều Tiên đứng gác tại một chốt canh trên sông Yalu gần thành phố Hyesan Ryanggang, đối diện thành phố biên giới Linjiang của Trung Quốc.

Trung Quốc mới đây xác nhận 3 công dân của họ bị giết hại trong một vụ giết người xuyên biên giới mà thủ phạm có thể là lính Bắc Triều Tiên. Đây là lần thứ ba trong vòng 8 tháng người Trung Quốc sinh sống dọc theo biên giới bị thiệt mạng trong những vụ có dính líu tới người Bắc Triều Tiên. Theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài VOA tại Bắc Kinh, những vụ này làm tăng sụ lo ngại về tình hình an ninh.

Một tuần đã trôi qua kể từ khi giới hữu trách Trung Quốc loan báo những chi tiết sơ sài về những vụ giết hại. Họ chỉ xác nhận vụ việc đã xảy ra sau khi truyền thông Nam Triều Tiên loan tin binh sĩ Bắc Triều Tiên có thể dính líu tới những vụ án mạng ở Trung Quốc.

Giới hữu trách cho biết 3 người bị giết là một người đàn ông họ Triệu, 56 tuổi, người con gái của ông Triệu, 26 tuổi, và một người đàn ông 67 tuổi. Cả ba đều không phải là cư dân của thôn Nam Bình, một khu vực hẻo lánh nằm cạnh con sông mà bờ bên kia là Bắc Triều Tiên. Giới hữu trách chưa cung cấp chi tiết nào về vấn đề tại sao những người đó bị giết hại và họ đã tới làng đó để làm gì.

Thôn Nam Bình cũng là nơi mà hồi tháng 12 năm ngoái một binh sĩ Bắc Triều Tiên vượt qua biên giới và giết chết 4 người Trung Quốc. Trung Quốc đã than phiền với Bắc Triều Tiên về vụ này và một số người cho rằng đó là bằng chứng mới nhất của tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.

Năm 2013 Bắc Triều Tiên đã làm ngơ những lời cảnh báo của Trung Quốc, đồng minh lâu đời của họ, và đã tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ ba. Sau đó không lâu, lãnh tụ Kim Jong Un đã ra lệnh xử tử dượng của ông là ông Jang Song Thaek, một giới chức hàng đầu của Bắc Triều Tiên đã ra sức thúc đẩy cho việc tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Giáo sư Lục Siêu, một chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, cho rằng tình trạng thiếu hụt lương thực ở Bắc Triều Tiên có thể là nguyên do gây ra những hành vi tuyệt vọng. Ông nói rằng việc có thể liên hệ tới tình hình nội bộ của quân đội Bắc Triều Tiên.

Ông Lục nói rằng những người vượt qua biên giới vào Trung Quốc là quân nhân và họ mang theo súng ống. Ông cho biết điều này từng xảy ra trong quá khứ, nhưng chưa bao giờ lại xảy ra nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, và điều có thể liên hệ tới những vụ việc bên trong quân đội Bắc Triều Tiên.

Lính Bắc Triều Tiên đứng canh bên cạnh một xe tải trên bờ sông Yalu, gần thị trấn Sinuiju của Bắc Triều Tiên đối diện với thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc.
Lính Bắc Triều Tiên đứng canh bên cạnh một xe tải trên bờ sông Yalu, gần thị trấn Sinuiju của Bắc Triều Tiên đối diện với thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc.

Ông Chun Ki Won là một vị mục sư làm việc cho tổ chức Durihana, một tổ chức của người Cơ đốc giáo ở Nam Triều Tiên chuyên giúp đỡ cho người tị nạn Bắc Triều Tiên. Ông cho biết trong quá khứ những người Bắc Triều Tiên vượt biên không cần tới sự giúp đỡ của binh sĩ nước này, nhưng tình hình đã thay đổi từ năm 2010, khi cả Bình Nhưỡng lẫn Bắc Kinh đều ra tay trấn áp những vụ vượt biên.

Mục sư Chu nói tuy những binh sĩ này có nhiệm vụ canh gác biên giới nhưng họ cũng cần kiếm thêm tiền. Trong khi đó, những kẻ môi giới cần tìm kiếm những phụ nữ Bắc Triều Tiên, những người sẽ làm vợ cho đàn ông Trung Quốc hoặc hành nghề mại dâm; và lúc nào cũng có những người muốn sang Trung Quốc.

Mục sư Chun nói rằng tất cả những người đó có chung những quyền lợi. Ông cũng cho rằng tuy những vụ này sẽ không có những ảnh hưởng lớn đối với quan hệ giữa hai nước, nhưng nó sẽ tạo ra những sự bất bình trong công chúng.

Một vụ tranh cãi sôi nổi đã diễn ra trên truyền thông xã hội Trung Quốc. Một số người tố cáo truyền thông Nam Triều Tiên tìm cách khuấy động những mối căng thẳng giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh. Một người sử dụng mạng weibo nói rằng những vụ việc liên tục xảy ra chẳng những đã nêu bật tính chất nghiêm trọng của nạn đói kém ở Bắc Triều Tiên mà còn phô bày những lỗ hổng trong ngân sách quốc phòng khổng lồ của Trung Quốc.

Một số nhật báo và các nhà bình luận trên mạng ở Trung Quốc đã bày tỏ sự bất bình đối với những vụ án mạng, chẳng phải chỉ vì đó là những vụ bạo động mà còn vì họ biết được những vụ này qua báo chí nước ngoài.

Trong một bài xã luận mới đây, tờ Tin tức Bắc Kinh bày tỏ sự kinh ngạc và lo ngại về việc lại xảy ra thêm một vụ giết người ở biên giới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Bài báo nói rằng bất kể là như thế nào thì nhà chức trách cũng phải áp dụng mọi biện pháp để bảo đảm an ninh và an toàn cho các công dân Trung Quốc sinh sống trong vùng biên giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG