Đường dẫn truy cập

Vụ án thảm sát tại Philippin kéo dài đã 3 năm


Một nghệ sĩ người Philippines đeo mặt nạ, cầm một cái cân đang cháy, biểu thị cho công lý vào kỷ niệm năm thứ nhì vụ xử cuộc thảm sát Maguindanao, 23/11/11
Một nghệ sĩ người Philippines đeo mặt nạ, cầm một cái cân đang cháy, biểu thị cho công lý vào kỷ niệm năm thứ nhì vụ xử cuộc thảm sát Maguindanao, 23/11/11
Ba năm sau khi xảy ra vụ thảm sát có liên quan đến chính trị tệ hại nhất tại Philippin, phiên xử các thủ phạm vẫn kéo dài, trong khi 92 nghi can trong cái chết của 58 người vẫn còn tại đào. Các nỗ lực áp dụng công lý trong vụ được gọi là “thảm sát Maguindanao” được cho là vụ duy nhất gây thiệt mạng nhiều nhất cho các nhà báo ở bất kỳ nơi nào.

Tỉnh trưởng Maguindanao, ông Esmael Mangudadatu nói ông “chán ngán” trước tiến trình chậm chạp của vụ án xét xử những người mà ban công tố cáo buộc đã giết chết vợ ông và những người thân khác hồi tháng 11 năm 2009. Nhưng ông vẫn lạc quan:

“Tôi vững tin rằng chúng ta có thể đi đến công lý, đến phán quyết. Chỉ là vấn đề thời gian. Ðó là lý do vì sao tôi tiếp tục nói với ban công tố và quan toà ít nhất hãy thúc đẩy tiến trình của vụ xử.”

Nhưng nhiều người nói rằng “vấn đề thời gian” có thể lâu, rất lâu. Luật sư Harry Roque ở Manila đại diện cho các thành viên gia đình của hơn 1 chục ký giả nằm trong số 32 nhân viên truyền thông bị sát hại trong vụ phục kích ở tỉnh miền nam Philippin.

Ðể tìm cách thúc nhanh mọi việc, luật sư Roque muốn bãi bỏ các cáo trạng đối với phần lớn trong gần 200 người bị buộc tội, và thay vì thế chỉ truy tố 35 người thôi. Ông nói:

“Về vấn đề có liên quan đến toà án, thì tòa đã không hành động theo đề xuất của chúng tôi là chúng tôi phải được phép có mặt để trình bầy và kết thúc bằng chứng tội trạng của từng bị can, bởi vì tuy đây là một vụ án, nhưng thực ra có tới 196 vụ ở nhiều giai đoạn khác nhau.”

Bên bị không muốn thấy danh sách nghi can bị rút xuống, nhưng cũng đã yêu cầu thêm một ngày nữa vào lịch trình 2 ngày mỗi tuần để xét xử nhanh hơn.

Ông Roque cho biết mỗi bên có hơn 200 nhân chứng để đưa ra khai. Nhưng mỗi lần một nghi can mới được đưa ra trước toà thì các nhân chứng lại phải nhận diện họ bởi vì nghi can này nói rằng chưa có cuộc điều tra tường tận của cảnh sát. Ông cho biết:

“Vì thế chúng tôi không thể đưa ra các nhân chứng mới. Họ cứ tiếp tục trở lại nhiều lần. Và sự kiện này sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả những người bị cáo nuộc bị bắt giữ.”

92 nghi can còn đang tại đào, 103 người bị bắt và 81 người trong số những người bị giữ đã bị truy tố. Một nghi can đã chết, khiến số nghi can nay là 195 người.
Những kẻ bị tố cáo là cầm đầu vụ tấn công, Andal Ampuatuan Senior và con trai là Andal Junior đã khai là không có tội. Nhưng nhiều thành viên trong gia đình họ cũng bị truy tố trong vụ này chưa ra khai chứng.

Ampatuan, gia trưởng dòng họ này, được cho là đứng sau một âm mưu nhằm tiêu diệt Esmael Mangudadatu để ứng viên mà họ chọn có thể ra tranh cử chức tỉnh trưởng Maguindanao mà không có đối thủ. Các thành viên trong gia đình Ampatuan không nhận là đã làm điều gì sai trái.

Ông Bob Dietz của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả có trụ sở ở New York từng theo dõi các diễn biến kể từ lúc xảy ra vụ thảm sát cách đây 3 năm. Ông nói trong khi Tổng thống Benigno Aquino đã chứng tỏ thiện chí chính trị trong việc truy lùng tham nhũng trên toàn quốc, vụ án Maguindanao không phải là một điểm sáng trong các nỗ lực đó.

“Ðiều chúng ta không thấy là một sự thúc đẩy mạnh hơn trong vụ án Maguindanao và đưa những người – kh6ong phải chỉ để kết thúc vụ án.. mà còn quá nhiều nghi can vẫn tại đào và chưa bị câu lưu, và điều mà chúng ta thắc mắc là vì sao điều đó chưa xảy ra dưới thời Tổng thống Aquino.”

Tại một cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên của tổng thống nói văn phòng của ông thông cảm với các mối quan tâm “một cách toàn diện, và đã “nhiều lần” đưa ra lời thỉnh cầu hệ thống toà án thúc nhanh tiến trình.

Giáo sư luật của trường Ðại học Philippin Theodore Te nói sự trì hoãn đang diễn ra bởi vì hệ thống tư pháp đang coi đó như một vụ án bình thưòng - chứ không phải là vụ thảm sát 58 người đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Ông nhận định

“Theo tôi, sự kiện chính phủ chưa thực sự đầu tư nhiều nguồn lực, và nhiệt tình trong việc cố gắng đưa vụ này đến chỗ kết thúc là điều đáng buồn. Bởi vì tôi cho rằng vụ này xứng đáng được dồn nhiều nỗ lực hơn so với nỗ lực mà chính phủ đã dành cho nó.”

Là một người tranh đấu cho nhân quyền thường đứng về bên bị ở toà án, ông Te không can dự vào phiên toà xử vụ thảm sát Maguindanao. Ông nói Bộ Tư pháp lẽ ra phải dành khoảng 2 chục công tố viên cho vụ này và để cho phần lớn các tiến trình hiện nay nằm trong khuôn khổ chuẩn bị trước khi xử.

Bộ trưởng Tư pháp tuần này cũng lên án tiến độ chậm chạp của việc mà nhiều người gọi là một phiên toà “không nhìn thấy hồi kết.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG