Đường dẫn truy cập

Việt Nam tử hình tướng cướp 20 tuổi để răn đe?


Một tòa án ở TP/HCM hôm qua đã tuyên phạt một bị cáo sinh năm 1993 mức án tử hình về tội cướp tài sản, cao hơn mức hình phạt theo đề nghị của Viện kiểm sát.

Theo cáo trạng, Hồ Duy Trúc từng cầm đầu, thực hiện hàng loạt các vụ cướp gây thương tích cho nhiều người, trong đó có vụ bị cáo này dùng mã tấu chém đứt lìa bàn tay của một nạn nhân để cướp xe máy ở Sài Gòn.

Hội đồng xét xử được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng hành vi của bị cáo ‘thể hiện tính côn đồ, hung hăng, mất hết nhân tính’, và ‘mặc dù bị cáo thành khẩn và thể hiện sự ăn năn hối cải nhưng vẫn phải áp dụng mức hình phạt cao nhất mới tương xứng’.

Nhiều đồng phạm của Hồ Duy Trúc cũng đã phải nhận mức án từ 9 tháng tới chung thân.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP HCM, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng bản án đối với Trúc và đồng bọn ‘hoàn toàn phù hợp’.

“Về mức hình phạt, tòa tuyên đã đúng rồi. Bị cáo này đã gây ra quá nhiều hành vi. Thứ nhất là tính chất tàn bạo của nó cũng như gây ra sự hoang mang trong dư luận xã hội rất nhiều về thủ đoạn cũng như mức độ nghiêm trọng. Vì thế nên tòa đã đưa ra mức án nghiêm khắc nhất đối với bị cáo”.

Truyền thông trong nước đưa tin, sau khi tòa tuyên án, người nhà của bị cáo Hồ Duy Trúc đã ‘làm loạn’ tại tòa, ‘chửi bới người bị hại’, ‘rượt đánh luật sư’ và ‘đe dọa thẩm phán’.
Luật sư Trạch nhận định về hành vi của thân nhân bị cáo như sau:

“Ở khía cạnh người nhà bị cáo, thường bao giờ với một mức án nào thì họ cũng cho là nặng cả. Nhưng mà họ cũng quên đi một điều rằng khi hội đồng xét xử lượng hình đối với bị cáo Hồ Duy Trúc thì thứ nhất phải căn cứ vào pháp luật và thứ hai, căn cứ vào nhân thân của bị cáo, và căn cứ vào hậu quả mà bị cáo gây ra đối với xã hội. Trong trường hợp này bị cáo Hồ Duy Trúc và đồng bọn đã gây ra liên tiếp rất nhiều vụ cướp mà những vụ cướp này đặc biệt có tính chất rất man rợ mà làm cho người dân trong xã hội rất là hoang mang. Cho nên tôi nghĩ rằng gia đình của bị cáo có những phản ứng tiêu cực là điều không đúng”.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người cũng bày tỏ sự đồng tình đối với bản án, cho rằng nó thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Một người viết trên diễn đàn của một tờ báo rằng ‘đó là một bản án nghiêm minh, trừng phạt thích đáng kẻ phạm tội’.
Trùng với ý kiến của nhiều người, luật sư Trạch nói rằng bản án đối với Hồ Duy Trúc mang tính ‘răn đe’.

“Đối với pháp luật, chẳng hạn như nhiệm vụ của Bộ luật hình sự thì thứ nhất ngoài nhiệm vụ phải răn đe, làm cho một ai đó nhận thức được hành vi của mình để trở thành người tốt nhưng bên cạnh đó pháp luật cũng mang tính là trừng trị đối với những kẻ thực hiện những hành vi cực kỳ man rợ hoặc gây ra những cái án đặc biệt nghiêm trọng. Trong vụ án này, các bị cáo chưa gây ra hậu quả là có người chết nhưng các hành vi của các bị cáo đã gây ra cho xã hội những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Mức án này thực sự tương xứng đối với các bị cáo. Pháp luật thì luôn mang tính giáo dục và răn đe cũng như phòng ngừa đối với các loại tội phạm”.

Theo Viện kiểm sát Nhân dân TP/HCM, băng nhóm của Hồ Duy Trúc đã ‘dùng dao, mã tấu, và hung khí nguy hiểm để thực hiện tổng cộng 17 vụ, cướp 15 xe máy và nhiều tài sản khác trị giá hơn 600 triệu đồng’ cũng như ‘gây thương tích cho nhiều người’.

Báo chí trong nước gần đây đã cho đăng nhiều bài viết về tình trạng ‘cướp giật táo tợn và liều lĩnh’ ở TP/HCM.

Nguồn: VOA tiếng Việt

VOA Express

XS
SM
MD
LG