Đường dẫn truy cập

Người thân quân nhân Mỹ mất tích ở VN vẫn nuôi hy vọng


Bà Griffiths cho rằng sự tham gia của Việt Nam trong quá trình tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích ở Đông Nam Á vẫn đóng vai trò quan trọng hơn cả.
Bà Griffiths cho rằng sự tham gia của Việt Nam trong quá trình tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích ở Đông Nam Á vẫn đóng vai trò quan trọng hơn cả.

Thưa quý vị, Việt Nam trao trả một số hài cốt được cho là của các quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng trong Chiến tranh Việt Nam hồi tháng Tư, sau chuyến thăm tới Hà Nội của bà Ann Mills-Griffiths, Giám đốc Điều hành Liên đoàn Quốc gia các Gia đình Tù nhân Chiến tranh và Quân nhân Mỹ Mất tích (POW/MIA). Trả lời VOA Việt Ngữ, bà Griffiths nói rằng thời gian để tìm kiếm hài cốt binh sĩ Hoa Kỳ mất tích ‘đang cạn dần’, nhưng bản thân bà cùng với người thân của các quân nhân khác ‘vẫn hy vọng’. Mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

Anh trai bà Griffiths có tên trong danh sách Quân nhân Hoa Kỳ Mất tích (MIA) kể từ năm 1966, sau một chiến địch diễn ra ban đêm tại miền Bắc Việt Nam lúc ấy.

Nhưng đó không phải là động lực chính khiến bà tới và trở lại Việt Nam hàng chục lần kể từ năm 1982.

Bà giám đốc tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã nhiều lần tới đất nước Đông Nam Á này vì muốn trao đổi trực tiếp với các giới chức Việt Nam quanh vấn đề hợp tác tìm kiếm, đặc biệt là thúc đẩy chính quyền địa phương cung cấp thông tin và hồ sơ về các trường hợp MIA.

Gần đây nhất, bà Griffiths đã gặp một số các quan chức Việt Nam, trong đó có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, hồi tháng Ba.

Sau đó, bà tiếp tục công du sang Lào và Campuchia, hai quốc gia Hoa Kỳ muốn cùng thảo luận với Hà Nội để nhanh chóng xúc tiến tìm kiếm các quân nhân Hoa Kỳ mất tích.

Tuy nhiên, bà Griffiths cho rằng sự tham gia của Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng hơn cả.

Bà nói: ‘Làm việc với mỗi nước mỗi khác nhưng mỗi quốc gia đều dành điều kiện dễ dàng cho Hoa Kỳ đến được các khu vực trong nước họ để tiến hành công việc tìm kiếm và thu hồi hài cốt. Nhưng nhiều khi, nhất là ở Lào và Kampuchea, thì các công tác này chỉ có thể được hỗ trợ bằng những tài liệu do phía Việt Nam cung cấp'.

Bà Griffiths cho biết thêm: 'Việc phối hợp hoạt động của các chuyên viên kỹ thuật từ cả bốn quốc gia trong đó có Hoa Kỳ sẽ củng cố khả năng tìm được lời giải đáp cho các gia đình đang mong tin về người thân của mình’.

Việc thống kê đầy đủ cùng với việc hồi hương tất cả hài cốt số người Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam (ước tính gần 1.700 người) luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ.

Tổ chức phi chính phủ Liên đoàn Quốc gia các Gia đình POW/MIA cũng hoạt động với mục tiêu đó suốt hàng chục năm qua.

Nhưng bà Griffiths cũng bày tỏ lo ngại rằng thời gian tìm kiếm các binh sĩ Mỹ mất tích không còn nhiều.

Bà nói: ‘Người thân của các quân nhân mất tích đang chết dần. Các nhân chứng thì già đi và chết dần, cũng như không còn nhớ nổi những sự kiện cách đây đã lâu, tính ra đã 47 năm rồi. Ngoài ra, hài cốt của những người tử nạn vì máy bay hay bị chôn vùi ở chiến trường thì đã bị rã mòn vì đất chua cùng các yếu tố tự nhiên khác'.

Bà Griffiths nói thêm: 'Thế nên, ngày càng khó mà thu hồi được đủ hài cốt để tiến hành nhận dạng, cho dù có sử dụng cả biện pháp phân tích chuỗi ADN gọi là Mitochondrial DNA mà hiện thường dùng trong đa số các trường hợp’.

Bà Pam Cain, con gái một quân nhân Hoa Kỳ mất tích ở Việt Nam kể từ năm 1966, cho hay bà đồng quan điểm về vấn đề trên.

Bà cũng nói thêm rằng Việt Nam, Lào và Campuchia đang trong quá trình xây dựng nhanh chóng, khiến việc tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ trên các chiến trường năm xưa trở nên khó khăn.

Dẫu vậy, bà cho biết không cạn hết hy vọng, cho dù ‘đã chờ đợi tin cha suốt 45 năm qua’.

Bà Cain nói: ‘Tôi sống bằng hy vọng suốt 45 năm qua. Chúa trời đã thực sự nâng đỡ chúng tôi tiếp tục cuộc sống. Điều may mắn là chúng tôi biết cha mình đã hạ cánh xuống đất (sau khi máy bay bị bắn). Nhưng điều chúng tôi không rõ là vì sao ông không bị bắt, vì sao tên ông không có trong danh sách của hệ thống nhà tù, vì sao không có nước nào có thông tin về ông, và điều gì xảy ra khi ông đáp xuống mặt đất’.

Từ năm 1973 đến nay, hơn 900 người Mỹ trong số gần 1700 người Mỹ được coi là mất tích trong chiến tranh Việt Nam được nhận dạng.

Bà Griffiths cho rằng nhiệm vụ ‘rất khó khăn’ này không phải là ‘bất khả thi’ nếu có quyết tâm về mặt chính trị cũng như ngân sách để thực hiện.

Mới đây, trong buổi điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông David Shear, người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói rằng 15 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương ‘vẫn còn là quá ngắn để giải quyết hoàn toàn di sản đầy đau buồn của quá khứ’.

Ông Shear cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Hà Nội để giải quyết vấn đề MIA.

Trong khi đó, báo chí trong và ngoài nước đưa tin, hơn 300 nghìn binh sĩ Việt Nam hiện vẫn còn mất tích.

Mời quý vị đọc thêm các bài từng được phát sóng trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam':

Cựu Tổng thống Carter tới VN 'không vì mục đích chính trị'

Thành phố Mỹ vẫn muốn ‘kết nghĩa’ với Sóc Trăng dù bị phản đối

Tổ chức Mỹ mang 'Ngôi nhà yêu thương' tới trẻ em Việt Nam

Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

VOA Express

XS
SM
MD
LG