Đường dẫn truy cập

Việt Nam-EU đạt thỏa thuận ‘trên nguyên tắc’ về tự do mậu dịch


Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng Việt Nam và Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 4/8/2015.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng Việt Nam và Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 4/8/2015.

Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận ‘trên nguyên tắc’ về tự do mậu dịch nhằm dỡ bỏ hầu hết các loại thuế suất đánh vào các mặt hàng giao dịch giữa đôi bên.

Giới chức thương mại hàng đầu EU, bà Cecilia Malmstroem, hôm nay cho biết thỏa thuận vừa kể sẽ mở ra các cơ hội mới quan trọng cho doanh nghiệp cả hai phía qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa và dịch vụ.

Bà Malmstroem nhận xét ‘Thỏa thuận cân đối này sẽ giúp thúc đẩy mậu dịch giữa EU với một trong những thị trường năng động nhất tại Châu Á’ và ‘đề ra một kiểu mẫu hiện đại, hoàn hảo hơn cho các thỏa thuận tự do thương mại giữa EU với những nước đang phát triển, cũng như tạo ra một tiêu chuẩn tốt cho quan hệ mậu dịch giữa EU và khu vực Đông Nam Á nói chung.’

Đồng thuận đạt được sau hai năm rưỡi đàm phán ‘căng thẳng’ về hiệp định tự do thương mại.

Loan báo được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa bà Malmstroem với Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Vũ Huy Hoàng.

Văn phòng Cao ủy Thương mại EU cho hay đôi bên đã nhất trí về tất cả các vấn đề căn bản và sự đồng thuận này sẽ dỡ bỏ gần như mọi thuế suất áp đặt lên hàng hóa trao đổi giữa hai nền kinh tế.

Việt Nam có một thị trường đang phát triển với khoảng 90 triệu người tiêu dùng, trong khi 31 triệu công ăn việc làm ở Châu Âu phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu. Vì vậy, được tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường đang tăng trưởng và phát triển nhanh như Việt Nam là một tin vui, theo đánh giá của Cao ủy Malmstroem.

Ngược lại, thị trường rộng lớn EU với 27 nước thành viên được đánh giá là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
Đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (FTA) khởi sự từ năm 2012 nhắm tới một hiệp định toàn diện về mở cửa thị trường và phát triển bền vững.

Truyền thông trong nước trích phát biểu của đại sứ Franz Jessen, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, trong cuộc họp báo chiều 4/8 công bố kết thúc cơ bản đàm phán FTA loan báo khi Hiệp định có hiệu lực, 65% hàng Việt Nam bán sang EU sẽ hưởng thuế suất 0%.

Giới hữu trách cũng kỳ vọng thỏa thuận vừa đạt sẽ giúp rót thêm các nguồn vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam.

Đại diện đàm phán của đôi bên giờ đây sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề kỹ thuật tồn đọng và chung quyết văn bản pháp lý trước khi thỏa thuận có thể được chính thức thông qua bởi các nước thành viên trong khối EU và Nghị viện Châu Âu.

Nghị viện Châu Âu năm ngoái đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Châu Âu đề cập tới các quan ngại nhân quyền trong thương lượng về Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU với Việt Nam.

Nghị quyết kêu gọi Ủy ban Châu Âu phải áp dụng phương thức đặt điều kiện ký kết Hiệp định FTA dựa trên các tiến bộ cụ thể từ Việt Nam trong việc cải thiện nhân quyền, đặc biệt về quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, và tự do tôn giáo.

Nghị quyết yêu cầu phải có một cơ chế độc lập đánh giá nhân quyền Việt Nam trước khi đúc kết đàm phán FTA với Hà Nội và phải tránh các tác động ngược của những chính sách thương mại-đầu tư đối với lĩnh vực nhân quyền.

Giới bảo vệ nhân quyền nói Hiệp định FTA là cơ hội hữu ích và có thể là công cụ giúp cải thiện thành tích nhân quyền bị chỉ trích là xuống dốc của Việt Nam.

Theo Reuters, AP, AFP, VOA.

Truyền hình vệ tinh VOA 4/8/2015
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG