Đường dẫn truy cập

Việt Nam cân nhắc việc tham gia Liên minh hải quan


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bắt tay trong cuộc họp tại khu nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen, ngày 27/7/2012
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bắt tay trong cuộc họp tại khu nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen, ngày 27/7/2012
Nhân chuyến thăm tới Nga trong tuần qua, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam đang cân nhắc việc tham gia liên minh Hải quan với Nga, Belarus và Kazakhstan.

Bản tin ngày 30/7 đăng trên báo Ria Novosti của Nga cũng như hãng thông tấn Bernama cho biết ông Trương Tấn Sang đã phát biểu với các phóng viên rằng "Nếu có sự đồng thuận từ phía Chính phủ Việt Nam cũng như từ các đối tác Belarus và Kazakhstan, chúng tôi sẽ sớm bắt đầu tiến trình này (tham gia Liên minh thuế quan)".

Ông Sang, người đã bắt đầu chuyến thăm Nga hôm thứ Năm tuần trước, nói rằng sự góp mặt của Việt Nam trong Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan sẽ giúp thúc đẩy mối quan giữa Việt Nam và Nga cũng như tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Báo Nga cho hay kim ngạch thương mại Việt-Nga trong năm 2011 đạt 3,06 tỷ đôla, tăng 55% so với năm 2010. Tổng cộng có 78 dự án có vốn đầu tư từ Nga trị giá 1 tỷ đôla đang được thực hiện tại Việt Nam.

Nga cũng đang thực hiện 14 dự án với vốn đầu tư của Việt Nam trị giá 78 triệu đôla.

Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan được thành lập tháng 10/2007. Tháng 11/2011, Chủ tịch Nga, Belarus và Kazakhstan đã cùng ký kết một tuyên bố về hội nhập kinh tế Á-Âu. Đây được coi là lộ trình của quá trình hội nhập nhằm tạo ra Liên minh Kinh tế Á-Âu trên cơ sở Liên minh Hải quan giữa 3 nước.

Báo chí Việt Nam cho hay cũng nhân chuyến thăm của ông Sang tới Nga, hai nước đã đồng ý nâng cao mối quan hệ song phương lên một mức cao hơn trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin đánh giá tích cực việc hai bên phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Trước đó, Chủ tịch nước Việt Nam cũng tuyên bố Việt Nam sẽ cho phép Nga thành lập một căn cứ bảo trì tàu bè tại cảng Cam Ranh.

Phát biểu với đài phát thanh Tiếng nói nước Nga trước khi hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là cảng Cam Ranh sẽ trở thành một căn cứ quân sự của Nga, nhưng sẽ được dùng để phát triển hợp tác quân sự giữa hai nước cựu đồng minh trong thời chiến tranh lạnh.

Ông Sang nói hai nước Việt-Nga có quan hệ hợp tác đối tác chiến lược trong một thời gian dài, và vì thế Nga sẽ có các thuận lợi chiến lược ở Cam Ranh, bao gồm những thuận lợi trong việc phát huy hợp tác quân sự.

Hôm 27/7, Tư lệnh Hải quân Nga, Phó Đô đốc Viktor Chirkov, xác nhận Nga đang thương lượng để mở các căn cứ hải quân ở Việt Nam, Cuba, và Seychelles.

Ông Chirkov cho hãng thông tấn Ria Novosti của Nga biết nỗ lực này nhằm mục đích triển khai lực lượng hải quân Nga bên ngoài lãnh thổ Liên Bang Nga.

Nguồn: RIA Novosti, Bernama

VOA Express

XS
SM
MD
LG