Đường dẫn truy cập

Việt Nam cần làm gì?


Trung Quốc đã rút giàn khoan HD-981 trước kỳ hạn (vốn dự trù vào giữa tháng 8). Có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra để giải thích quyết định của họ: Một, công tác thăm dò của họ đã hoàn tất; hai, sợ bão; ba, để tránh bị đả kích trong cuộc hội nghị Ngoại trưởng thường niên của Điễn đàn An ninh Khu vực ASEAN sắp tới; bốn, để tránh bị chính quyền Việt Nam kiện trước Liên Hiệp Quốc; và, năm, tránh sức ép từ dư luận quốc tế, đặc biệt, tránh việc thúc đẩy Mỹ, Nhật và Úc hình thành một liên minh quân sự vừa để giúp Việt Nam vừa để ngăn chận Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.

Bất kể vì lý do gì, việc Trung Quốc cho rút giàn khoan về nước cũng là việc rất đáng mừng đối với giới lãnh đạo Việt Nam: Họ trút được một gánh nặng rất lớn, không chừng là lớn nhất kể từ sau cuộc chiến tranh ở biên giới Việt Hoa năm 1979. Bởi họ bị áp lực từ nhiều phía:

Với Trung Quốc, chỉ cần một phản ứng hơi quá tay, họ có thể làm bùng nổ chiến tranh, một cuộc chiến tranh chắc chắn họ sẽ thua đậm. Với dân chúng Việt Nam, sự nhượng bộ quá lâu của họ trước sự gây hấn ngang ngược của Trung Quốc sẽ được diễn dịch là một sự đầu hàng, hơn nữa, phản bội. Đó là chưa kể sức ép từ các nước khác, đặc biệt Mỹ và một số quốc gia tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc: Với những nước ấy, sự nhượng bộ hoặc đầu hàng của Việt Nam đều là tai họa đối với quyền lợi của nước họ.

Tránh được gánh nặng ấy, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam có thể ung dung hưởng thái bình. Hầu như chắc chắn là Trung Quốc, một lúc nào đó, sẽ mang giàn khoan sang để tiếp tục thăm dò dầu khí trên Biển Đông, ngay trên thềm lục địa Việt Nam. Một phần, đó là mục tiêu chiến lược của họ. Chắc chắn họ sẽ không từ bỏ mục tiêu ấy. Phần khác, quan trọng hơn, họ biết họ sẽ hoàn toàn an toàn khi làm như thế. Họ có thể an tâm một điều: Dù thế giới có phẫn nộ đến mấy, cũng sẽ không có ai động thủ nếu Việt Nam vẫn giữ thái độ im lặng và bất động như vừa rồi. Trong lịch sử chính trị thế giới, không ai đánh giùm không công cho người khác cả. Thời hiện đại lại càng không. Khi Barack Obama vẫn làm tổng thống Mỹ, với chính sách “lãnh đạo từ phía sau” nổi tiếng của ông, chính phủ Mỹ lại càng không có lý do gì để động binh với Trung Quốc giùm cho Việt Nam cả.

Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục mang giàn khoan sang thềm lục địa Việt Nam, họ có lợi gì? Họ có một cái lợi lớn: dần dần hợp pháp hóa chủ quyền của họ trên Biển Đông. Ở Việt Nam, người ta hay nói, trong cuộc tranh giành Biển Đông với Trung Quốc, có hai yếu tố quan trọng: lịch sử và pháp lý. Thật ra, cả hai là một: các bằng chứng lịch sử sẽ trở thành những bằng chứng về pháp lý. Người ta tin là nếu Việt Nam đưa ra nhiều tài liệu cổ, bản đồ cổ trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam sẽ được xem là có lý hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là một ảo tưởng.

Ngoài công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa và Trường Sa, còn một vấn đề khác nữa: cái lý bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh. Hầu như ai cũng biết, mọi phán quyết của tòa án quốc tế đều vô hiệu đối với các nước lớn, cỡ như Trung Quốc. Không có một thế lực quốc tế nào có thể bắt buộc Trung Quốc phải tuân theo một án lệnh kiểu như vậy cả.

Trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, ngoài yếu tố lịch sử và pháp lý, còn có một yếu tố khác: thói quen. Ngay cả khi tất cả các tài liệu lịch sử đều chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam nhưng tàu bè và giàn khoan của Trung Quốc cứ đi lại nhiều lần và Việt Nam không phản đối gì cả, dần dần người ta cũng chấp nhận, dù một cách mặc nhiên, đảo và biển ấy là của Trung Quốc.

Bởi vậy, điều nhà cầm quyền cần làm, và làm thật gấp hiện nay, là chuẩn bị một chiến lược để bảo vệ Trường Sa và Biển Đông. Để có hiệu quả, điều kiện đầu tiên là giới lãnh đạo phải thống nhất với nhau. Trong mấy tháng vừa qua, hầu như tất cả giới quan sát quốc tế đều đồng ý với nhau là ngay cả Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam cũng còn bị phân hoá nặng nề. Thành ra người ta không có một tiếng nói chung nào cả. Người nói thế này người nói thế kia, cuối cùng, thế giới, và cả dân chúng Việt Nam nữa, cũng không biết là họ thực sự muốn gì.

Điều kiện thứ hai là phải gấp rút tạo thế liên minh với bên ngoài. Một mình Việt Nam chắc chắn không phải là đối thủ của Trung Quốc. Nhiều người, để bênh vực cho chính quyền Việt Nam, thường nêu lên trận chiến biên giới Việt Hoa vào năm 1979, lúc Trung Quốc bị thảm bại. Nhưng đó chỉ là nguỵ biện. Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc vào năm 1979 và Việt Nam bây giờ cũng không phải là Việt Nam thuở ấy, lúc tinh thần dân quân đều rất cao và kinh nghiệm chiến đấu của bộ đội Việt Nam còn rất dày dạn, hơn hẳn Trung Quốc. Nhiều nhà bình luận quân sự cho vào năm 1979, cả tướng lẫn quân của Trung Quốc đều không quen trận mạc: cuộc chiến tranh cuối cùng, với họ, đã chấm dứt 30 năm trước, lúc Mao Trạch Đông đánh đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan vào năm 1949. Với quân đội Việt Nam hiện nay, cũng vậy, chiến tranh đã chấm dứt từ 35 năm trước; chỉ có một số tướng lãnh là có chút kinh nghiệm chiến trường, nhưng lúc ấy, họ lại còn quá trẻ, không biết gì về việc chỉ huy các trận đánh lớn. Ngoài ra, trận đánh trên biển khác với các trận đánh trên đất liền. Trên biển, không ai có thể đánh du kích và cũng không ai có thể sử dụng biện pháp dùng biển người để đánh bại đối thủ. Trên biển, chỉ có một yếu tố chính quyết định thắng thua: kỹ thuật. Mà kỹ thuật trên biển của Trung Quốc hiện nay đã bỏ xa Việt Nam cũng như vô số các nước khác.

Cái gọi là liên minh với bên ngoài ấy có hai khả năng:

Một, liên minh với các nước cùng tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc (và có khi, tranh chấp với cả Việt Nam), bao gồm ba nước chính: Malaysia, Philippines và Brunei. Có điều, hầu như ai cũng nhận thấy một liên minh như thế chỉ có thể được dùng để tiến hành đấu tranh với Trung Quốc trên mặt trận pháp lý chứ không phải là bằng quân sự. Về quân sự, cả ba nước hợp lại vẫn không phải là đối thủ của Trung Quốc.

Hai, liên minh với các cường quốc của châu Á - Thái Bình Dương, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và Úc, và sau đó, là Mỹ. Một liên minh như vậy, nếu thành hiện thực, mới thực sự mạnh mẽ và hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề là: Liệu một liên minh lý tưởng như vậy có thể thực hiện được hay không? Nhiều người ở Việt Nam có vẻ tin chắc là được. Thật ra, để có một liên minh quốc tế, người ta cần nhiều điều kiện nhưng quan trọng nhất là phải tìm ra được những điểm chung. Có hai loại điểm chung: quyền lợi và giá trị.

Giữa Việt Nam và Mỹ cũng như các cường quốc trong khu vực và Tây phương có một điểm chung về quyền lợi rất rõ: đó là Biển Đông, một trong những con đường hàng hải tấp nập và quan trọng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các điểm chung về quyền lợi hiếm khi tạo và giữ được liên minh lâu dài. Yếu tố chung quan trọng hơn, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, để tạo và duy trì liên minh giữa hai hoặc nhiều quốc gia với nhau chính là những điểm chung trong hệ thống giá trị của các nước.

Việt Nam hiện nay có thể chia sẻ một số quyền lợi với các nước khác, nhưng lại hoàn toàn không chia sẻ các bảng giá trị với Tây phương. Đó chính là trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong việc bắt tay với Mỹ hay bất cứ quốc gia tự do nào trên thế giới. Không sẵn sàng vượt qua trở ngại này, đến lần sau, khi Trung Quốc mang giàn khoan trở lại thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam cũng chỉ làm được cái điều họ làm vừa rồi: xúi dân mang tàu đánh cá ra chạy lờn vờn và phun nước vào các tàu hải quân và hải giám của Trung Quốc. Không có gì khác.

Không có gì khác ngoài một sự đầu hàng.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG