Đường dẫn truy cập

Việt-Trung tố cáo nhau đưa tàu võ trang ra khu vực giàn khoan


Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel
Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel
Việt Nam và Trung Quốc tố cáo đối phương đưa tàu võ trang ra khu vực giàn khoan 981 mà Bắc Kinh đặt trong vùng biển Hà Nội có tuyên bố chủ quyền giữa lúc Mỹ yêu cầu đôi bên nên rút hết tàu ra khỏi điểm nóng này.

Việt Nam nói tuần này Trung Quốc điều động thêm 2 tàu chiến nữa, nâng tổng số tàu chiến của Bắc kinh tại thực địa hiện nay lên thành 6 chiếc cùng với trên 100 tàu các loại và 4 máy bay quân sự để bảo vệ giàn khoan, xua đuổi tàu Việt Nam.

Trung Quốc nói cáo buộc của Việt Nam ‘hoàn toàn sai trái’ và tố cáo ngược lại rằng Hà Nội gửi tàu võ trang tới quấy phá các lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh và hoạt động thương mại bình thường của giàn khoan 981.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, khẳng định Bắc Kinh không gửi tàu quân sự tới điểm nóng mà đôi bên tranh chấp.

Bà Hoa nói vì phía Việt Nam cứ tiếp tục các hành vi gây rối, cản trở bằng võ lực và bất hợp pháp nên Bắc Kinh phái tàu chính thức của chính phủ ra để bảo vệ an ninh tại hiện trường, chứ không hề gửi tàu quân sự tới đây.

Ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngọai giao Trung Quốc nói Việt Nam đã huy động rất nhiều tàu võ trang tới cản phá hoạt động của giàn khoan, một cáo buộc mà Hà Nội lâu nay bác bỏ.

Kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào khu vực, Việt Nam nhiều lần khẳng định chỉ đưa tàu dân sự ra tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam nói với VOA Việt ngữ hơn 30 tàu chấp pháp của Việt Nam trên thực địa bao gồm tàu của lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển đều là tàu dân sự không võ trang, và rằng Việt Nam theo đuổi giải pháp đấu tranh ôn hòa, không sử dụng võ lực để đáp trả các hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Ngoài ra, giới chức Việt Nam khẳng định Việt Nam cũng không huy động lực lượng giám sát trên không như Trung Quốc để tránh gia tăng va chạm làm leo thang căng thẳng.

Cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai:

‘Quan điểm của Việt Nam là đấu tranh bằng con đường ngoại giao để Trung Quốc thấy đó là chủ quyền Việt Nam. Chúng tôi thể hiện kiên quyết bảo vệ chủ quyền thông qua đàm phán, chứ không dùng võ lực, theo đúng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, Thỏa thuận cấp cao Việt-Trung, và Tuyên bố Ứng xử Biển Đông DOC. Chúng tôi chỉ dùng tàu và các lực lượng chấp pháp trên biển để xua đuổi, cản phá để Trung Quốc rút lui. Chúng tôi không có bất cứ hành động nào, kể cả hành động nhỏ nhất như Trung Quốc nói là sử dụng vòi rồng.’
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:05 0:00
Tải xuống
Vẫn theo giới chức Cục Kiểm ngư, phía Việt Nam cũng không tăng cường lực lượng trên thực địa vì khả năng có hạn.

Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc hôm qua kêu gọi Bắc Kinh rút lui giàn khoan để tạo môi trường đàm phán giải quyết tranh chấp.

Ông Lê Hoài Trung cho hãng thông tấn AP biết rằng Trung Quốc từ chối tham gia đối thoại và nhất quyết khẳng định không có vấn đề tranh chấp ở đây vì khu vực xung quanh giàn khoan thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Đại sứ Việt Nam nói sự khước từ của Bắc Kinh không chịu thảo luận là khiêu khích và ‘gây quan ngại sâu sắc.’

Ông Trung nói dù cho tới nay vẫn kiềm chế, nhưng Việt Nam, như mọi quốc gia khác, giữ quyền tự vệ.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh người dân Việt Nam luôn mong muốn hòa bình và quan hệ hữu nghị với Trung Quốc sau nhiều thập niên chiến tranh.

Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu đôi bên Việt-Trung rút hết tàu bè và Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi khu vực có tranh chấp ở Biển Đông để tạo điều kiện ngoại giao, xoa dịu căng thẳng.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, ngày 10/6, nói vấn đề nằm ở chỗ thái độ hành xử chứ không phải quyền tuyệt đối và một phần của vấn đề bố trí giàn khoan là việc này được thực hiện giữa lúc căng thẳng đang gia tăng tiếp sau hàng loạt các vụ va chạm khác trên biển.

Dù Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, nhưng ông Russel lưu ý rằng Việt Nam nhận chủ quyền Hoàng Sa đã từ lâu và hơn nữa Việt Nam lâu nay đã phát triển các hoạt động dầu khí tại khu vực mà Hà Nội nói thuộc vùng đặc quyền kinh tế ngoài bờ biển Việt Nam.

Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định việc uy hiếp, đe dọa dùng võ lực để thăng tiến các đòi hỏi chủ quyền là hành động không thể chấp nhận.

Ông Russel cũng khuyến khích các bên nhanh chóng đạt tiến bộ về một Bộ Quy tắc Ứng xử vì một giải pháp ôn hòa cho Biển Đông, sự ổn định cho khu vực, và an ninh hàng hải quốc tế.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG