Đường dẫn truy cập

Về đại học đầu tiên trên thế giới không thu học phí


Shai Reshef, chủ tịch của trường đại học đầu tiên trên thế giới không thu học phí.
Shai Reshef, chủ tịch của trường đại học đầu tiên trên thế giới không thu học phí.
Cách đây chưa lâu, hồi đầu tháng 3/2014, Forbes đăng tải một bài phỏng vấn thú vị với Shai Reshef, chủ tịch của trường đại học đầu tiên trên thế giới không thu học phí. Trường này có tên là University of the People (UoP - Đại học của Dân). Trường hợp của UoP thú vị vì nó là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên nguyên tắc giảng dạy không thu học phí. Không rõ hiện nay UoP có bao nhiêu học sinh, nhưng theo blog của chủ tịch Shai Reshef, năm 2011 trường có 1500 sinh viên đến từ 136 nước. Theo cuộc trả lời phỏng vấn với Forbes, Shai Reshef dự kiến con số này sẽ lên tới 5.000 sinh viên vào năm 2016.
Thành lập từ năm 2009, tới nay UoP đã trở thành một hiện tượng được báo chí đặc biệt quan tâm và được nhiều “anh cả” hỗ trợ, trong đó có quỹ Clinton Global Initiative của vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, trường đại học luật của Yale, công ty máy tính HP, và Liên Hiệp Quốc. Người lập ra tổ chức này, ông Shai Reshef là một doanh nhân gốc Israel thành đạt trong kinh doanh giáo dục. Tuy nhiên khác với các công ty giáo dục mà ông đã xây dựng (sau đó bán), ông lập ra UoP với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận.

Mô hình của UoP

UoP giảng dạy hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến (online). Sinh viên đủ tiêu chuẩn đăng ký học, sau khi thi đỗ kỳ thi dự bị đại học, sẽ được tham gia học chính thức theo chương trình cử nhân 4 năm (Bachelor of Sciense) hoặc cao đẳng 2 năm (Associate of Science) trong 2 ngành quản trị kinh doanh và tin học. Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Các lớp học trực tuyến sẽ được tổ chức với khoảng 20-30 học sinh mỗi lớp. Giáo viên giảng dạy là các tình nguyện viên đến từ các trường đại học và cao đẳng khắp nơi trên thế giới. Các giáo viên này nhận một mức lương danh nghĩa khoảng 450 USD/môn. Sinh viên và giáo viên trao đổi với nhau qua hệ thống mạng, học, làm bài tập, và chấm điểm hoàn toàn qua mạng.

Tuy là trường không thu học phí, học sinh vẫn phải đóng phí thi là 100 USD cho mỗi môn thi. Như vậy để tốt nghiệp bằng AS từ UoP, tổng chi phí của sinh viên sẽ là khoảng 2000 USD. Nếu muốn tốt nghiệp bằng BS, mức phí sẽ gấp đôi (khoảng 4000 USD). Số tiền này, cộng với tiền tài trợ từ các nguồn, giúp UoP trang trải chi phí hàng năm. Theo ông Shai Reshef, chi phí của năm 2013 là 1,3 triệu USD, dự kiến tăng lên khoảng 1,6 triệu USD trong năm 2014.

Tốt hay không?

Còn quá sớm để xác định chất lượng đào tạo của UoP có tốt hay không. Trả lời Forbes, ông Shai thừa nhận là trong những năm đầu trường không xét tuyển đầu vào, vì thế nhiều học sinh đăng ký học nhưng sau đó không học nổi và phải bỏ. Tỷ lệ bỏ học rất cao, lên tới 60% sau năm đầu tiên. Hiện nay tỉ lệ này đã giảm nhưng vẫn còn khá cao (khoảng 25%).

Về bằng cấp, UoP là một trường online được thành lập ở Mỹ. Trước đây UoP hoàn toàn không được kiểm định (tức là không được bất cứ hình thức xác nhận chất lượng nào). Từ tháng 2 vừa rồi (2014), trường mới được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định quốc gia có tên Distance Education and Training Council (DETC - Hội đồng Giáo dục và Đào tạo Từ xa). Các tổ chức kiểm định quốc gia ở Mỹ, khác với các tổ chức kiểm định vùng vốn có uy tín cao hơn, thường chỉ dành cho các trường đào tạo từ xa hoặc online. Vì vậy, mặc dù được DETC kiểm định đã là một đột phá nhưng sinh viên học ở UoP vẫn không được chuyển tiếp tới các đại học có uy tín lớn (thí dụ sinh viên học lấy bằng AS ở UoP rồi chuyển tiếp sang đại học khác để lấy bằng đại học, hoặc sau khi tốt nghiệp BS muốn đi học trường đại học khác để lấy bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ).

Dành cho ai?

Theo Shai Reshef, đối với phần lớn sinh viên của UoP, trường này là “lựa chọn dành cho những người không có lựa chọn”. Có nghĩa là cơ hội dành cho những người không có khả năng chi trả. Vì thế khu vực đông học sinh nhất của UoP hiện nay là châu Phi và các nước đang phát triển. Thế nhưng đối với các sinh viên của các nước này, 1000 USD/năm học cũng không phải là con số nhỏ, nhất là ngoài chuyện học phí thì phải có máy tính kết nối internet đủ tốt.

Thế nên đối với các sinh viên đến từ các nước đang phát triển như Việt Nam thì UoP chưa hẳn là một lựa chọn hay. Với mức chi phí này, sinh viên có thể theo học tại các trường đại học và cao đẳng quốc gia tại địa phương (học trực tiếp thay vì online), hoặc trả thêm tiền để học các trường cao đẳng hoặc đại học quốc tế tại địa phương. Chính Shai Reshef cũng hiểu điều này nên cách tiếp cận của ông là làm việc với các đối tác như Clinton Global Initiative để xin học bổng cho sinh viên. Qua đó, các sinh viên nghèo “không có lựa chọn” có thể học miễn phí hoàn toàn ở UoP. Chỉ khi làm được như vậy thì UoP mới thực sự là “Đại học của Dân” giống như tên gọi và cũng là tôn chỉ của nó.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG